 |
Ông Huỳnh Chí Thắng tại Hội nghị Báo cáo viên về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội |
Tỉnh Đồng Nai đã tổ chức và xây dựng được các hình thức tuyên truyền khá hiệu quả, phổ biến là tuyên truyền cổ động trực quan bằng nhiều hình thức như: panô, áp-phích, biểu ngữ, xe tuyên truyền lưu động. Sở Văn hóa-thông tin còn có sáng kiến gắn tuyên truyền bầu cử vào đầu các chương trình văn nghệ, các buổi chiếu phim ở các rạp, chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa và Công ty phát hành phim khi phát hành băng đĩa đều có khúc dạo đầu là tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh... còn tổ chức xe honda tuyên truyền lưu động để đi vào các vùng nông thôn, khu dn cư thuợc các xã vùng su, vùng xa..., đồng thời các đơn vị này còn phát động cuộc thi xe hoa tuyên truyền, cổ động trong ngày bầu cử.
Theo Tiểu ban tuyên truyền của Ủy ban bầu cử tỉnh cho biết, nội dung tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả và thiết thực nhất hiện nay là thông qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng. Báo Đồng Nai, Lao động Đồng Nai và Đài PT-TH tỉnh đã xây dựng chuyên mục "Tiến tới bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII" với nhiều thông tin cập nhật, đa dạng. Đặc biệt, trên website của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng mở riêng một mục để đăng tải toàn bộ các thông tin liên quan đến công tác bầu cử từ trung ương đến tỉnh và các địa phương. Công tác tuyên truyền còn được đẩy mạnh thông qua hệ thống các đài truyền thanh cấp huyện và truyền thanh cơ sở được "nối" đến tận các khu, ấp.
Lần này, công tác tuyên truyền bầu cử cũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đao toàn hệ thống chính trị vào cuộc ngay từ đầu và rất sâu sát. Ủy ban MTTQ các cấp và các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh đều có kế hoạch triển khai tuyen truyền đến các hội viên của mình thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường thực hiện giám sát trước, trong và sau ngày bầu cử trên địa bàn được phân công theo dõi.
Đồng Nai có đặc điểm đông công nhân nhập cư và đồng bào có đạo. Toàn tỉnh hiện có khoảng 300 ngàn lao động công nghiệp, trong đó có 2/3 là người tạm trú. Vì vậy, trong công tác chỉ đạo UBND các cấp, Liên đoàn Lao động tỉnh và các ban, ngành liên quan đã có văn bản gửi đến từng doanh nghiệp, chủ các nhà trọ đề nghị có sự phối hợp tuyên truyền bầu cử và tạo điều kiện để công nhân tham gia bầu cử vào ngày 20-5. Sở Văn hóa-thông tin và Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp chuyển 2.000 đĩa CD tuyên truyền về bầu cử đến các khu nhà trọ, các xí nghiệp để phát thanh trong giờ giải lao, giờ nghỉ cho công nhân nắm bắt, từ ngày 20-4 trở đi, công tác tuyên truyền trong công nhân lao động sẽ được tăng cường hơn. Công tác tuyên truyền còn quan tâm đến vùng có đông đồng bào tôn giáo, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các vị chức sắc tôn giáo tuyên truyền cho giáo dân tại các cơ sở giáo hội trước và sau thời điểm sinh hoạt tôn giáo định kỳ. Ủy ban bầu cử tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo in trên 400 ngàn tờ rơi tuyên truyền về bầu cử để phát đến từng hộ gia đình, trong đó chú trọng đến đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đông người dân tộc thiểu số sinh sống.
Hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn đều lập và niêm yết danh sách cử tri; thành lập khu vực bỏ phiếu, tổ bầu cử. Theo đánh giá của ông Đỗ Quang Trung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi về kiểm tra công tác bầu cử tại Đồng Nai lần này, thì: "Đồng Nai là địa phương đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin để lập và quản lý danh sách cử tri, công tác kiểm phiếu và báo cáo kết quả bầu cử từ ấp đến tỉnh". Việc lập và công bố danh sách cử tri tại một số nơi ở Đồng Nai còn có sáng kiến niêm yết đến tận tổ dân cư, đọc trên loa truyền thanh cơ sở để nhân dân nắm bắt.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.435 tổ bầu cử đã được thành lập. Mỗi tổ có từ 9-11 thành viên, gồm đại diện của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận - đoàn thể và cử tri; đặc biệt là khi trưng tập cán bộ làm công tác bầu cử tại các Tổ bầu cử đã huy động lực lượng giáo viên, sinh viên có trình độ tin học để ứng dụng phần mềm tin học do Sở Khoa học Công nghệ cung cấp để tiến hành kiểm phiếu bầu và báo cáo kết quả bầu cử theo chỉ đạo của Ủy ban bầu cử tỉnh. Ông Huỳnh Chí Thắng - Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh đã ký thông báo số 89/UBBC triển khai kế hoạch tập huấn trên địa bàn toàn tỉnh, việc tập huấn nghiệp vụ bầu cử được tiến hành từ ngày 21 tháng 4 đến 25 tháng 4 năm 2007. Ủy ban bầu cử tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tập trung tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho tất cả những người là thành viên trong các tổ bầu cử. Công tác tập huấn này nhằm trang bị cho những người tham gia công tác bầu cử nắm bắt đầy đủ các quy trình, quy định của pháp luật về bầu cử; các thao tác hướng dẫn cử tri bầu cử, tổ chức bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả kiểm phiếu, báo cáo kết quả kiểm phiếu...
Quyết định cuối cùng của công tác bầu cử là lá phiếu của cử tri. Cử tri có đi bầu đông đủ, đúng quy định và đảm bảo chất lượng là do công tác tuyên truyền, tổ chức học tập cho dân về Luật Bầu cử có đầy đủ, đúng luật hay không. Do vậy, theo Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Huỳnh Chí Thắng, từ đây đến ngày bầu cử yêu cầu các cấp, các ngành phải tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng địa bàn dân cư, từng hộ gia đình, từng cử tri về cuộc bầu cử.
Nguyễn Thị Phi