Mục tiêu kiểm toán là xác định tính trung thực, hợp pháp của Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2005 và đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán. Thời gian tiến hành kiểm toán là 90 ngày tính từ ngày công bố quyết định. Quyết định thành lập Đoàn Kiểm toán được gửi đến Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai. Sau khi Uỷ ban Kinh tế-Ngân sách Quốc hội tổ chức hội thảo tập huấn Luật Kiểm toán Nhà nước và các văn bản thi hành tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5/2006, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã có công văn số 290/KTNN-VP ngày 12/5/2006 về việc tăng cường phối hợp với Hội đồng Nhân dân địa phương trong công tác kiểm toán, đoàn Kiểm Toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có mời Ban Kinh tế-Ngân sách tỉnh Đồng Nai tham dự họp thông qua biên bản kiem toán đối với 6 huyện, 2 đơn vị dự toán và 2 doanh nghiệp và tham dự khi Đoàn kiểm toán Nhà nước thông qua Báo cáo kiểm toán tổng hợp toàn bộ kết quả kiểm toán đối với các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Căn cứ vào số đơn vị được kiểm toán thì số đơn vị mà Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai được Đoàn Kiểm toán Nhà nước mời dự họp thông qua biên bản kiểm toán không nhiều, chỉ có 10/49 đơn vị được kiểm toán. Nhưng so với việc phối hợp khi Đoàn Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2003 thì quan hệ phối hợp lần này theo xu hướng tốt hơn. Đoàn Kiểm toán Nhà nước đã thông báo và mời Ban Kinh te-Ngân sách HĐND tỉnh tham dự khi thông qua biên bản kiểm toán đối với một số đơn vị, đặc biệt là đối với cấp huyện. Việc phối hợp này cộng với việc tham dự thông qua Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2005 của tỉnh Đồng Nai đã mang lại cho Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai nhiều tác dụng thiết thực:
Thứ nhất. Giúp cho Ban Kinh tế-Ngân sách nắm bắt một cách cụ thể, chi tiết những nhận định của Đoàn Kiểm toán Nhà nước về tình hình chấp hành pháp luật về xây dựng dự toán; về quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; về quản lý và sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và về việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán của Nhà nước của đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, nghe được những giải trình của đơn vị được kiểm toán về những nguyên nhân sai phạm. Từ đó, Ban Kinh tế-Ngân sách có cơ sở xem xét, xác định các khâu, các địa phương thực sự yếu kém để xây dựng chương trình giám sát thường xuyên hơn.
Thứ hai. Thông qua viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật của Đoàn Kiểm toán Nhà nước khi nhận định về các sai phạm trong quá trình chấp hành pháp luật của các đơn vị được kiểm toán; viện dẫn các văn bản hướng dẫn của địa phương khi đơn vị được kiểm toán giải trình nguyên nhân sai phạm, đã giúp cho Ban Kinh tế-Ngân sách biết thêm cac quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là những quy định đã được Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành từ rất lâu. Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế-Ngân sách có điều kiện tra cứu và tiến hành thực hiện việc giám sát văn bản.
Thứ ba. Báo cáo kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước gửi cho Hội đồng Nhân dân tỉnh vào tháng 11/2006, trước ngày họp Hội đồng Nhân dân tỉnh để xem xét, quyết định dự toán, phân bổ ngân sách địa phương và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2005. Do vậy đã phát huy tác dụng là một trong những cơ sở để Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai sử dụng trong quá trình xem xét, thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách năm 2005 của tỉnh Đồng Nai.
Nhìn chung, mặc dù việc phối hợp giữa Đoàn Kiểm toán Nhà Nước với Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai chưa nhiều, nhưng theo cách Đoàn Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện cho thấy có xu hướng tăng cường quan hệ phối hợp với Ban Kinh tế-Ngân sách và đã góp phần đắc lực cho Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, giám sát nhằm phục vụ tốt cho Hội đồng Nhân dân tỉnh trong việc xem xét, quyết định các vấn đề về tài chính.
Với mục đích của hoạt động kiểm toán Nhà nước là “phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sư dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”. Đối với địa phương, nếu Đoàn kiểm toán Nhà nước có sự phối hợp tốt với Hội đồng Nhân dân tỉnh là đã thực hiện khá tốt mục đích hoạt động kiểm toán nhà nước mà luật pháp đã quy định, bởi vì thông qua quan hệ phối hợp ấy sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ để nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh để thực hiện tốt chức năng xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và giám sát ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương
Ban KTNS HĐND tỉnh có một số kiến nghị như sau:
1. Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét và bổ sung vào Quy chế làm việc của Kiểm toán Nhà Nước và Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán Nhà nước các quy định về quan hệ phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước, Đoàn Kiểm toán Nhà nước với Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế-Ngân sách để đảm bảo việc thực hiện quan hệ phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với Hội đồng Nhân dân các địa phương và trong trường hợp các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về phối hợp trong quá trình hoạt động của mình thì các bên có cơ sở để đặt yêu cầu với người có trách nhiệm nhằm đảm bảo quan hệ phối hợp hoạt động trong việc kiểm toán báo cáo tài chính và phê duyệt quyết toán ngân sách.
2. Về nội dung phối hợp giữa Đoàn Kiểm toan Nhà nước với Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cần thực hiện theo các nội dung sau:
Một. Tại các cuộc họp triển khai Quyết định kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Đoàn kiểm toán Nhà nước mời Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế-Ngân sách của Hội đồng Nhân dân tỉnh tham dự. Khi triển khai hoạt động kiểm toán đối với cấp huyện, Tổ Kiểm toán Nhà nước mời Thường trực Hội đồng Nhân dân huyện, Ban Kinh tế-Xã hội Hội đồng Nhân dân cấp huyện tham dự. Khi triển khai hoạt động kiểm toán đối với cấp xã, Tổ Kiểm toán Nhà nước mời Thường trực Hội đồng Nhân dân cấp xã tham dự.
Hai. Khi tổ chức họp thông qua biên bản kiểm toán đối với các đơn vị được kiểm toán, Đoàn Kiểm toán Nhà nước mời Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế-Ngân sách của Hội đồng Nhân dân tỉnh tham dự. Khi tổ chức họp thông qua báo cáo kiem toán Báo cáo quyết toán ngân sách của tỉnh, đoàn Kiểm toán Nhà nước mời Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế-Ngân sách của Hội đồng Nhân dân tỉnh tham dự.
Ba. Khi tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, đoàn Kiểm toán Nhà nước thông báo và mời Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh tham dự.
Bốn. Khi Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh tổ chưc giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, Ban Kinh tế-Ngân sách mời Kiểm toán Nhà nước khu vực cử đại diện tham dự với tư cách là thành viên Đoàn giám sát.
Năm. Khi Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước, Ban Kinh tế-Ngân sách mời Kiểm toán Nhà nước khu vực cử đại diện tham dự.
Nguyễn thị Tuyết Nga