Không hẹn trước nhưng khi chúng tôi muốn được nghe những câu chuyện ông kể, nghe về thời kỳ ông đã từng tham gia cách mạng, nghe về những huyền thoại của vùng đất đã từng che bộ đội vây quân thù của Chiến khu Đ trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc… ông Năm Nổi liền hào hứng chỉ vào các đồ vật vẫn lưu giữ trong bảo tàng riêng của gia đình rồi bắt đầu kể:
Nhờ ơn Đảng, Bác Hồ người Châuro có cuộc đời mới
Câu nói này của ông bắt đầu cho câu chuyện với chúng tôi và được lặp lại nhiều lần trong buổi gặp mặt. Ông kể: Trong thời kỳ Pháp thuộc, người Châu-Ro vẫn sống chủ yếu bằng hái lượm, săn bắn và làm rẫy, cuộc sống bấp bênh lúc đủ ăn khi thiếu ăn, mà chủ yếu là thiếu ăn vì còn phụ thuộc khá nhiều vào thiên nhiên. Năm 1945, đất nước giành được độc lập, đồng bào Châu-Ro được Đảng, Bác Hồ cho cuộc đời đổi mới. Nhiều bộ đội về làng chiến đấu đã hướng dẫn cho đồng bào biết cách làm ăn, biết làm rẫy, trồng cây sao cho có hiệu quả, Đảng và Bác cho người Châu-Ro cái muối, cái gạo để ăn, dạy cho người Châu-Ro biết đánh thằng Tây để giữ làng giữ đất, biết cái chữ để từng bước thoát nghèo… Thế thì không lý gì lại không bảo vệ Đảng, Bác và bộ đội kháng chiến. Ông đã theo cách mạng từ nhỏ, làm giao liên tiếp tế và dẫn đường cho bộ đội ta đi kháng chiến. Giữa lúc ác liệt nhất của chiến tranh vùng Phú Lý lại bị ngập lụt cả làng đói khổ, thêm vào đó lại xuất hiện con cọp 3 móng về bắt người ăn thịt. Ông cùng bà con trong làng đã mưu trí tìm hiểu hành tung đi lại của cọp và giúp bộ đội triệt hạ được cọp dữ. Núi rừng Phú Lý lại xanh tươi và là hậu phương an toàn cho Chiến khu Đ, Khu uỷ miền Đông và Căn cứ TW Cục tiếp tục hoạt động kháng chiến. Hiệp định Giơnevơ 1954 kết thúc cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam. Năm 1955, ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ cua Đảng và nhờ có uy tín cùng nhiều kinh nghiệm của người giao liên trong thời kháng chiến ông được giữ chức Bí thư chi bộ của làng. Ở vai trò nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đây cũng chính là thời ấp Ly Lịch và xã Phú Lý đã trở thành nơi nuôi dấu cán bộ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông nói vào năm 1959- thời điểm khó khăn nhất của cách mạng miền Nam, căn cứ Khu uỷ miền Đông bị trên 20.000 Mỹ Nguỵ bao vây, đói khát, thiếu lương thực, thuốc men thì Gò Củ Chụp trước làng vừa là nơi đánh địch vừa là nơi cung cấp cái ăn cho bộ đội. Vì thế củ chụp được coi là món ăn chính của những người kháng chiến ở vùng Chiến khu Đ… Những lúc khó khăn nhất hay những khi nghe tin thắng trận ở đâu đồng bào Châu-Ro đều một lòng tin Đảng, tin Bác. Vì vậy suốt trong hai thời kỳ kháng chiến con người của vùng kề cận chiến khu đã góp công không nhỏ vào nền độc lập chung của dân tộc. Cùng đoàn kết một lòng chống kẻ thù, kẻ xấu để theo Đảng, theo Bác mới có cuộc sống như ngày hôm nay.
Người giữ hồn của làng
Ông không chỉ là người trực tiếp tham gia cách mạng, vận động bà con dân tộc đi theo cách mạng mà ông còn là điển hình cho viec giữ gìn và bảo vệ truyền thống văn hoá của làng, của dân tộc- người giữ hồn cho làng. Ngoài căn nhà mà Đảng và Nhà nước trao tặng, ông còn có một căn nhà dài- nhà truyền thống của người Châu-Ro . Ở đó ông đã sưu tầm và gìn giữ được nhiều sản phẩm văn hoá phi vật thể của đồng bào Châu-Ro như cồng, chiêng, kèn môi, kèn lúa, kèn lá, đàn concala và nhiều vật dụng khác của đồng bào dân tộc.
Đưa chúng tôi thăm nhà dài ông giới thiệu rất nhiều vật dụng và cả trình diễn như cách đánh làm sao cho cồng, chiêng kêu, thổi đàn môi, đàn concala, một số phong tục cúng nhang của người Châu-Ro … Ông kể các loại nhạc cụ như kèn môi, kèn lá thường được trai gái sử dụng gọi nhau và hò hẹn yêu nhau; còn đàn concala và cồng, chiêng thường được đánh vào các dịp lễ hội truyền thống như hội cúng nhang, cúng các thần như thần Lúa, thần Rừng, thần Đất…Trong bảo tàng còn có cả những chứng tích của cuộc chiến tranh ác liệt như chậu đồng, thau nhôm bị bắn thủng, một số vật dụng sinh hoạt của người Châu-Ro như Xoatva (gùi mang lúa), cheneec (rổ đựng đồ); Lyi (thúng đựng lúa gạo)…tất cả được ông lưu giữ trong bảo tàng riêng của nhà vừa là để bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể của người Châu-Ro vừa để truyền lại cho con cháu đời sau.
Giới thiệu với chúng toi nhiều loại nhạc cụ rồi ông trầm ngâm nói: Hiện giờ những thanh niên trẻ trong làng biết về văn hoá cồng chiêng, về cách thổi các loại kèn, đánh đàn rất ít. Điều này sẽ làm cho văn hoá của người Châu-Ro dần mai mot. Đây là điều mà ông cùng nhiều người già trong làng rất buồn. Chính vì thế ông cùng vợ bàn với làng tổ chức được nhiều lớp dạy thanh thiếu niên trong làng về các truyền thống văn hoá của dân tộc, dạy đánh cồng chiêng, thổi kèn, đánh đàn… những mong thanh niên của làng ngoài việc tiếp cận nền văn hoá chung phải giữ gìn được bản sắc của người Châu ro nên ông được nhân dân trong làng coi như người giữ hồn của làng.
Ông Hoàng Đình Quyền, chủ tịch UBND xã Phú Lý cho biết: Mỗi làng dân tộc mà có được người già làng như ông Năm Nổi thì các làng dân tộc sẽ phát triển bền vững hơn nữa. Trong làng có 110 hộ thì cả 110 hộ đều chấp hành nghiêm các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là từ năm 2003 đến nay khi làng được đầu tư xây dựng làng dân tộc bền vững thì hệ thống điện, đường, trường trạm được đầu tư, trong làng không còn hộ đói, số hộ nghèo đã giảm, đời song của người dân trong làng từng bước được đổi thay; 100% con em đủ 6 tuổi được ra lớp…Còn với ông Năm Nổi mặc dù đã bước vào tuổi 79 nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động địa phương, tiếp tục góp sức cho việc bao tồn các giá trị văn hoá của làng; tham gia công tác mặt trận, cùng ban lãnh đạo làng tổ chức tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước cho bà con…
Chia tay với ông trong buổi chiều rừng lộng gió, trong chúng tôi, hình ảnh của người già làng, người đảng viên cộng sản vẫn như in đậm trong câu nói của ông: Dù thế nào bà con dân tộc Châu-Ro vẫn một lòng theo Đảng! Vẫn mãi đoàn kết để xây dựng làng phát triển bền vững. Một mùa xuân mới lại về- mùa xuân của sự thanh bình và hạnh phúc với rừng núi Phú Lý và người Châu-Ro !
N. Trinh