Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Quyết định số 6967/QĐ-UBND ngày 12/7/2006 về việc phê duyệt hồ sơ: “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”
 |
Khu nội thành cũ được định hướng trên cơ sở gìn giữ và bảo vệ di sản văn hóa dân tộc |
Với tổng nhu cầu vốn đầu tư 508.500 tỷ đồng, trong đó thời kỳ 2006-2010 đầu tư 60.500 tỷ đồng, thời kỳ 2011-2015 đầu tư 139.000 tỷ đồng và 309.000 tỷ đồng đầu tư cho thời kỳ 2016-2020, thành phố Biên Hòa sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát huy các yếu tố nội lực, gắn với tích cực thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tạo cơ cấu kinh tế bền vững theo hướng Công nghiệp-Dịch vụ-Nông nghiệp; phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh. Cụ thể:
Phát triển khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp ( CCN) -tiểu thủ công nghiệp: với 4 KCN là Biên Hòa 1 (335ha), Biên Hòa 2( 365ha), Amata (760ha), Lotecco( 100 ha đã quy hoạch và diện tích lắp đầy khoảng 85%, hiện đang đề nghị mở rộng 100 ha); về phát triển CCN, ngoài các CCN hiện hữu, tiến hành quy hoạch 3 CCN là gốm Tân Hạnh, gỗ Tân Hòa và CCN Long Bình.
Ngành Nông Lâm Ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 1% trong cơ cấu GDP, phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất 6-7%/năm. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái, vùng rau xanh an toàn và rau sạch. Kiểm soát các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn,di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung. Phát triển nuôi trồng thủy sản trên sông Đồng Nai theo đúng quy hoạch, tránh ô nhiễm môi trường.
Phát triển mạnh dịch vụ du lịch để phục vụ đời sống đô thị, kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp, khai thác danh lam thắng cảnh như khu du lịch Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, làng bưởi Tân Triều, Cù lao phố ( xã Hiệp Hòa), Cù lao Ba Xê, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Ông…
Vấn đề phát triển đô thị và dân cư được chú trọng, khu nội thành cũ được định hướng phát triển kiến trúc trên cơ sở gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện hữu, giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh và tăng tầng cao trung bình; khẩn trương di dời các cơ sở sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội ô. Đối với khu đô thị mới: phát triển kiến trúc hiện đại, cao tầng kết hợp không gian xanh dọc trục giao thông chính và tại các khu nhà mới. Phát triển nhiều công viên,cây xanh, khu thể dục thể thao, vui chơi giải trí. Đối với khu nông thôn ngoại thành vẫn duy trì diện tích đất sản xuất nông lâm nghiệp thích hợp, xây dựng vùng chuyên canh rau sạch, cây ăn trái, trồng cây cảnh phục vụ nhu cầu phát triển đô thị.
Nâng cấp cầu Hóa An, cầu Đồng Nai hiện tại, cầu Rạch Cát, cầu Ghềnh, xây dựng cầu Hóa An mới khác mức với đường ĐT760 và đường CMT8; xây dựng cầu Đồng Nai mới song song với cầu hiện hữu, dài khoảng 450m; cầu Thường Tân, 4 cầu nối với Cù lao Hiệp Hòa.
Tuyến đường sắt thành phố Biên Hòa sẽ đưa tuyến đi vòng từ ga Trảng Bom xuống phía Nam cặp ranh giới thành phố Biên Hòa với huyện Long Thành, đi vòng lên Cầu Đồng Nai; ga Biên Hòa sẽ được xây dựng lại tại Long Bình Tân. Tuyến đường sát hiện hữu sẽ được quy hoạch thành đường tàu điện.
Xử lý rác thải ngắn hạn (2010) bãi rác phường Trảng Dài. Dài hạn đến 2020 xây dựng bãi rác mới huyện Long Thành.
Nghĩa địa (2010) nghĩa địa quy mô 32 ha bố trí tại phường Long Bình. Dài hạn (2020) xây dựng lò thiêu và nghĩa địa tại Hố Nai 3 với quy mô 40 ha.
Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về chăm sóc sức khỏe, các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bảo đảm trên 98% trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng đủ các loại vắc xin; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 6,15% vào năm 2010 và 3% vào năm 2020.
Kim Chung