 |
Buổi họp mặt cán bộ quản lý ngành giáo dục |
Năm học 2006-2007 là năm học đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội VIII tỉnh Đảng bộ đề ra với mục tiêu giai đoạn 2006-2010 là “Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện Giáo dục – đào tạo và phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao; coi phát triển giáo dục đào tạo là động lực phát triển mạnh mẽ, bền vững” đồng thời cũng là năm mà Bộ Giáo dục và đào tạo phát động cuộc vận động “ Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, cụ thể hoá yêu cầu “ Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” đang được triển khai trong các nhà trường hiện nay nhằm đưa giáo dục nước ta phát triển bền vững, lành mạnh và từng bước hội nhập Quốc tế. Chính từ những yêu cầu như trên, tại buổi họp mặt, các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến tập trung đi sâu vào những vấn đề trọng tâm của ngành giáo dục với 7 nội dung chủ yếu bao gồm:
1. Việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất các trường học: Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 13 công trình thuộc chương trình kiên cố hoá trường lớp bị vướng quy hoạch, không đền bù giải toả được hoặc hồ sơ về đất chậm do đó ngành Giáo dục đề nghị được đưa ra khỏi đề án. Ngành học mầm non hiện nay không có trong chương trình kiên cố hoá của tỉnh mà giao cho cấp huyện phụ trách do đó gặp khó khăn về nguồn vốn chính vì vậy ý kiến đề nghị đưa cả ngành giáo dục mầm non vào kiên cố hoá trường lớp; về tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia theo ý kiến của các Đại biểu thì việc thực hiện còn chậm.
2. Về quản lý thu chi đầu năm học tại các trường: Ý kiến đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cấp huyện tổ chức kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học của các trường nhằm tránh tình trạng thu không đúng quy định có thể gây nên dư luận không tốt trong nhân dân.
3. Về quản lý và chính sách cho cán bộ, giáo viên: Do các trường vùng sâu, vùng xa hiện còn thiếu nhiều giáo viên đặc biệt là các cán bộ thư viện, thiết bị, giáo viên hướng dẫn vì vậy có ý kiến đề nghị có chính sách thu hút để có đủ giáo viên đáp ứng với nhiệm vụ.
4. Các điều kiện để nâng cao chất lượng các trường Tư thục: Để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường ngoài công lập, các trường phải chi phí nhiều cho việc thỉnh giảng giáo viên có chất lượng cao, tổ chức dạy tăng tiết, tăng buổi để phụ đạo cho học sinh do đó ngành giáo dục cần sự đồng thuận chung của toàn xã hội trong việc điều chỉnh hợp lý mức thu và chi học phí đối với các trường ngoài công lập để vừa đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, vừa đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của nhà trường theo chủ trương xã hội hoá giáo dục.
5. Việc thực hiện phân ban đại trà năm học 2006-2007: là năm học đầu tiên thực hiện nhưng ngành giáo dục hiện còn gặp nhiều khó khăn. Các phòng chức năng phục vụ cho việc dạy môn tự chọn hiện thiếu nhiều, đội ngũ giáo viên các trường chưa đồng bộ do đó dự kiến sẽ phát sinh những bức xúc trong dư luận, ngành giáo cần sự đồng cảm, chia sẻ của toàn xã hội với khó khăn hiện nay của ngành.
6. Về đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục trên địa bàn thành phố Biên Hoà: Ý kiến đề nghị giữ nguyên hệ thống trường mầm non dân lập hiện có đồng thời mỗi xã, phường có một trường mầm non công lập; chuyển các trường bán công thành trường công lập đồng thời tạo điều kiện mở các nhóm trẻ, lớp mầm non gia đình.
7. Các ý kiến đề xuất với UBND tỉnh để ngành GD&ĐT tỉnh Đồng Nai thực hiện chủ trương của bộ Giáo dục và đào tạo “ Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Đồng chí Trần Đình Thành, Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt chủ toạ ghi nhận những ý kiến phát biểu của các Đại biểu tại buổi họp mặt đồng thời chỉ đạo các cơ quan, ngành, địa phương, tiếp tục làm rõ hiện trạng giáo dục đào tạo tỉnh Đồng Nai, những mâu thuẫn giữa yêu cầu nhiệm vụ với thực trạng làm cản trở sự phát triển giáo dục đào tạo từ đó có những đề xuất giải quyết sao cho phù hợp với tình hình của địa phương để giúp Đồng Nai có thể đi trước, đi nhanh đạt được các tiêu chí quốc tế so với các tỉnh thành khác trong khu vực và cả nước.
N.T.O