Quyết toán và giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt thấp, vì sao? Đăng ngày: 15/08/2011
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, năm 2008 tổng nguồn vốn XDCB toàn tỉnh hơn 1.681 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hơn 1.027 tỷ đồng và nguồn ngân sách huyện 238,7 tỷ đồng. Dự kiến, hết 6 tháng đầu năm nay, khối lượng XDCB thực hiện đạt khoảng 38% kế hoạch năm, thế nhưng giải ngân chỉ đạt khoảng 185 tỷ đồng, bằng 15% kế hoạch năm.
 |
Ông Huỳnh Chí Thắng-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư XDCB | Trong đó ngành Giao thông vận tải ước 6 tháng đầu năm 2008, đầu tư XDCB thực hiện hơn 30 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm, nhưng giải ngân chỉ khoảng 2,8 tỷ đồng, đạt 3,1% kế hoạch. Công tác duy tu sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên các tuyến đường giao thông của tỉnh quản lý thực hiện đạt giá trị khối lượng tương đối cao, như sửa chữa lớn đạt 112% KH năm, sửa chữa thường xuyên đạt 51,1% KH năm. Ngoài ra trong năm 2008, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn triển khai rất nhiều dự án giao thong trọng điểm từ nhiều nguồn vốn (vốn doanh nghiệp nhà nước, vốn BOT, vốn liên doanh) và do các Công ty kinh doanh hạ tầng triển khai thực hiện, như dự án Cầu Hóa An, dự án cầu đường Quận 9 TPHCM- Nhơn Trạch, dự án BOT tổ hợp các tuyến đường ĐT 768, ĐT 768B, đường song hành Nhà máy nước Thiện Tân, đường vào cầu Thủ Biên, dự án cầu Thủ Biên, Cảng Phước An. Đồng thời trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn có nhiều dự án do Bộ GTVT triển khai như Dự án Quốc lộ 1 A tuyến tránh TP Biên Hòa, dự án Cầu Đồng Nai mới (đã khởi công ngày 7/6/2008), dự án đường cao tốc TPHCM-Long Thành- Dầu Giây, dự án đường cao tốc Dầu Giây- Đà Lạt, dự án mở rộng Quốc lộ 51. Lãnh đạo Sơ GTVT cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ thực hiện dự án, giải ngân chậm là: thủ tục đầu tư XDCB còn kéo dài; tình hình giá vật liệu xây dựng tăng, phải tốn khá nhiều thời gian cho việc lập hồ sơ điều chỉnh giá... Theo Sở GTVT, ngoài yếu tố về giá vật tư biến động tăng, khó khăn rất lớn là việc bố trí kế hoạch vốn cho các dự án (DA) đã được triển khai chưa kịp thời, nhất là với các DA nhà thầu phải ứng von thi công trước, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và công tác giải ngân.
Kết quả thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản của Sở Y tế trong 6 tháng đầu năm chủ yếu thực hiện các dự án chuyển tiếp, các dự án khởi công mới đều dự kiến khởi công từ tháng 7 trở đi, việc giải ngân cũng thực hiện chủ yếu từ nguồn chuyển tiếp, ước thanh toán 6 tháng đạt 21,4% kế họach năm.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu tư các dự án do Sở Giáo dục Đào tạo làm chủ đầu tư thì khối lượng hoàn thành các dự án chuyển tiếp trong 6 tháng thực hiện là 21,5/35,6 tỷ đồng, đạt 61% so với kế hoạch, nhưng thanh toán giải ngân chỉ được trên 50% giá trị khối lượng và đạt 31,3% KH năm; các dự án khởi công mới do Sở GDĐT làm chủ đầu tư được bố trí vốn năm 2008 là 22 tỷ, trong 6 tháng chưa thực hiện khởi công được công trình nào.
Về công tác giải ngân và thanh quyết toán các Công trình, theo báo cáo của Sở Tài chính thì tính đến 31/5/2008, Sở Tài chính đã nhận hồ sơ để thẩm tra quyết toán 118 dự án, đã thẩm tra và phê duyệt 61 dự án, chưa thẩm tra 67 dự án (gồm 49 dự án còn trong hạn, 18 dự án đã quá hạn). Trong số các dự án tồn quá hạn thẩm tra theo Sở Tài chính cho biết là có rất nhiều dự án hoàn thành từ những năm 2003 trở về trước, hồ sơ chứng từ bị thất lạc, có những dự án bị thanh tra xuất toán... Hiện còn 210 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng Chủ đầu tư không lập báo cáo quyết toán gửi về Sở Tài chính thẩm tra, trong đó có 86 dự án năm 2007, 124 dự án hoàn thành từ năm 2006 trở về trước, đặc biệt là có dự án hoàn thành tư năm 1999 đến nay chưa gửi quyết toán. Theo báo cáo của kho bạc thì tình hình thanh quyết toán các dự án rất chậm trễ, hiện còn rất nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng mà Chủ đầu tư chưa lập báo cáo quyết toán, đồng thời còn nhiều dự án đã quyết toán gửi Sở Tài chính, nhưng còn tồn đọng chưa thẩm tra phê duyệt. Ngoài ra tại Kho bạc hiện còn treo tài khoản của 89 dự án đã được quyết toán nhưng chủ đầu tư chưa tất toán tài khoản tại kho bạc, trong đó có 37 dự án chưa có nguồn vốn cấp tiếp, 52 dự án chủ đầu tư chưa nộp giảm sau quyết toán (vì số đã cấp cao hơn số quyết toán). Theo báo cáo của Kho bạc việc giải ngân nguồn vốn chậm một phần do việc xét duyệt các dự án thuộc kế hoạch năm 2007 được kéo dài thanh toán sang năm 2008 chậm, làm cho các Chủ đầu tư không có cơ sở để giải ngân trong các tháng đầu năm. Theo ông Tiến đại diện cho Sở Tài chính giải trình là Sơ Tài chính và Sở Kế hoạch Đầu tư đã làm xong từ giữa tháng 4 năm 2008, nhưng sau một tháng mới có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh và do nhiều nguyên nhân khác...
Qua báo cáo của các ngành cho thấy có rất nhiều nguyên nhân làm hạn chế tiến độ thực hiện dự án, nhưng trong đó có nhiều nguyên nhân do chủ quan của các đơn vị, như: Có những dự án do vướng phải công tác đền bù, giải tỏa nên đã hạn chế đến tiến độ hoàn thành và quyết toán công trình. Điển hình là DA Trung tâm lao và bệnh phổi của tỉnh, hay như Sở GTVT có 2 DA là duy tu sửa chữa đường Hiếu Liêm và đường 322 đoạn tránh qua Trung tâm văn hóa lịch sử chiến khu D chỉ có vướng... cây rừng, mà chủ đầu tư phải liên hệ nhiều lần với đơn vị liên quan đến nay vẫn chưa xong!
Tuy nhiên, việc giải ngân chậm hoặc lập quyết toán chậm đã diễn ra liên tục trong nhiều năm qua. Đại diện Kho bạc Nhà nước tỉnh và dại diện Sở Tài chính cho rằng, nguyên nhân quyết toán DA hoàn thành chậm là do chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức, cộng với bộ máy kế toán yếu; có DA do thay đổi nhân sự, nhưng hồ sơ không được bàn giao chặt chẽ, thậm chí bị thất lạc nên mất nhiều thời gian cập nhật, bổ sung. Chủ đầu tư cũng không có biện pháp xử lý đối với nhà thầu chậm lập hồ sơ hoàn công quyết toán DA.
Như vậy Quyết toán và giải ngân vốn đạt thấp, ngoài yếu tố khách quan la giá vật liệu xây dựng tăng cao, thì nguyên nhân chủ quan từ sự buông lỏng của các cơ quan quản lý nhà nước, của các Ban quản lý dự án, các Chủ đầu tư, cơ chế thưởng phạt không thực hiện... Do vậy để khắc phục tình trạng chậm quyết toán, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan trong quản lý vốn đầu tư XDCB từ nguồn Ngân sách, xây dựng quy chế quản lý, phân bổ và bố trí vốn, cụ thể là phải khắc phục ngay tình trạng làm chậm việc xét duyệt các dự án được kéo dài thanh toán sang năm sau, phải đảm bảo xét duyệt đúng hạn định; không giao DA đầu tư mới cho những chủ đầu tư có từ 3 DA trở lên vi phạm quy định về thơi gian lập báo cáo quyết toán; không cho phép nhà thầu tham gia đấu thầu DA mới khi chưa hoàn thành quyết toán các DA đã hoàn thành mà lỗi thuộc về nhà thầu. Đồng thời Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm thực hiện gấp việc điều chỉnh giá theo hướng dẫn tại Thông tư 09/2008/TT-BXD và Văn bản 5422/BTC-ĐT của Bộ Tài chính ngày 12/5/2008 về việc tạm ứng, thanh toán tiền bù chênh lệch giá vật liệu xây dựng.
Nguyễn Thị Phi
|
|
|