Cần lắm những nhà trẻ, trường mẫu giáo ở khu nhà trọ Đăng ngày: 15/08/2011
Cần lắm những nhà trẻ, trường mẫu giáo ở khu nhà trọ
Với 17 khu công nghiệp đã chính thức đi vào hoạt động, Đồng Nai thực sự là điểm đến của nhiều lao động từ các tỉnh khác, chủ yếu là phía Bắc và Trung. Số lao động này khi lập gia đình thì phần lớn đều không có nhà ở và phải thuê nhà trọ. Với cái giá trung bình từ 250.000 đến 400.000 đồng tuỳ theo diện tích, mặt bằng và tiện ích khi gần các khu công nghiệp. Và như thế hàng trăm trẻ em cũng lần lượt ra đời từ các khu nhà trọ đó, lúc đầu còn trong 4 tháng hậu sản, họ nghỉ dưỡng nuôi con và cũng được hoặc gia đình chồng, hoặc gia đình vợ vào giúp đỡ… nhưng sau đó, các cháu nhỏ mới chỉ 9, 10 tháng hoặc 1 năm tuổi đã phải chịu cảnh 5giờ 30phút sáng theo mẹ đến các “nhà trẻ, nhóm trẻ” và 5giờ 30 chiều thậm chí khi cha mẹ tăng ca thì muộn hơn mới được về nhà.
 |
Những lớp học như thế này là niềm mơ ước của trẻ em khu nhà trọ | Chúng tôi đến một khu nhà trọ tại phường Long Bình Tân, đây là một phường gần khu công nghiệp nên số lượng các gia đình công nhân ở trọ khá nhiều. Gia đình chị Trần Anh Thư đang làm việc tại công ty Daisin Việt Nam, KCN Biên Hoà 2 cho biết : “tụi em lập gia đình được hơn 2 năm và bây giờ có 1 cháu gần 1 tuổi, cả 2 gia đình đều ở xa và khó khăn nên chẳng ai giúp được chúng em. Cháu mới gần 1 tuổi nhưng đã phải đến nhà trẻ ở gần sát khu phòng trọ, “cô giáo” của cháu là một cụ già đã ngoài 60 từ ngoài Bắc vào chơi với con cháu nhưng buồn không biết làm gì, thế là phòng khách chừng 15m2 của con cháu cụ trở thành nhà trẻ cho 4 bé từ 1 đến 4 tuổi. Thư cho biết, nhiều hôm đón cháu về nhìn con mà thấy thương vì bị muỗi chích, con còn nhỏ quá không chịu ăn chỉ chực khóc…”. Khác với vợ chồng chị Thư, vợ chồng chị Hoàng cùng 2 đứa con nhỏ cũng ở thuê trong một nhà trọ chừng 20m2 tại phường Long Bình cho biết: “Vì không có điều kiện mà lại xa gia đình, cháu lớn tháng 9 này vào lớp 1, vợ chồng em đã phải gửi cháu về bà ngoại tận Hưng Yên để có hộ khẩu và nhờ ông bà ngoại cho cháu đi học. Còn cháu nhỏ gần 2 tuổi cũng phải gửi ở một nhà trẻ cùng 3 đứa bé khác tại một phòng trọ gần đó”. Chị Hoàng ước giá mà có điều kiện thì cho cháu đến các trường mầm non, cháu sẽ được chăm sóc và học tập tốt hơn. Với gia đình chị K. lại băn khoăn nhất là đứa con của chị mới chỉ hơn 3 tuổi mà đã biết văng tục, chửi bậy, khi mẹ hỏi thì cháu bập bẹ nói: “cô giáo nói như vậy!” thì ra ở nhóm trẻ mà chị gửi con, “cô giáo” là một bà già trên 60 tuổi, vốn hay chửi con cháu từ khi cụ còn ở quê, nay vào chơi với con gái nhưng không làm gì, nhà lại rộng, cụ liền nhận trông 3 đứa trẻ lớn nhất là 5 tuổi, nhỏ nhất con chị 3 tuổi. Các anh chị lớn nghịch quá đã bị bà chửi và con gái chị mới 3 tuổi đã bập bẹ bắt chước theo! …
Chúng tôi dạo qua các “nhà trẻ, nhóm trẻ” thì được biết: trung bình mỗi nhà trẻ nhóm trẻ như vậy đều có một diện tích rất nhỏ chỉ từ 15- 20m2, có thể là một phòng khách, cũng có khi là một phòng trọ miễn là có cửa ngõ đầy đủ để các cháu nhỏ tuổi không tự leo ra ngoài được. Còn về thành phần và độ tuổi của các “cô giáo” thì vô chừng: bà T, quê ở Hà Tây vào chơi với con cháu nhưng vì các cháu đã lớn đi học suốt ngày, không biết làm gì bà liền nhận 2 trẻ, một lên 3 tuổi, một 4 tuổi vừa trông cho đỡ buồn nhưng cũng có 600 đến 800.000 đồng/tháng. Bác M, đã 62 tuổi quê Hà Tĩnh vào Biên Hoà giúp con dâu bế cháu để con dâu đi làm, nhân thể nhà rộng bà liền nhận thêm 3 trẻ độ tuổi từ 2 đến 4 trông cùng cháu. Bà M cho biết: “đứa cháu tôi cũng ngoan, nhận thêm 3 trẻ nữa cháu tôi vừa có bạn chơi không khóc và tôi cũng có thêm thu nhập 900.000 đồng/tháng, điều này với tuổi già như tôi ở quê làm gì ra”. Ở sát cạnh nhà tôi, chị H cũng có 2 con nhỏ, từ khi sinh thêm đưa thứ 2 chị không thể tiếp tục vào các công ty để làm việc, nên vừa mở 1 tạp hoá nhỏ bán hàng, chị vừa nhận thêm 3 cháu có độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi trông cùng 2 đứa con nhỏ. Chị cho biết lúc bình thường thì không sao nhưng hễ các cháu khóc là cùng khóc, nhiều lúc mệt quá thì cứ kệ khóc chán lại thôi…
Các nhà trẻ kiểu này không chỉ thiếu về mặt bằng, diện tích, ánh sáng mà đồ chơi đơn thuần cho trẻ cũng vì thế mà thiếu luôn. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng các nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân cũng một phần giúp đỡ những gia đình công nhân phải thuê phòng trọ thuận lợi khi gửi con, phần nữa giá cả cũng mềm hơn dao động từ 250.000 đến 300.000 đồng/một trẻ/tháng. Nếu tính chung cả tiền phòng trọ, điện, nước và sinh hoạt phí hàng tháng thì phù hợp với điều kiện của các gia đình công nhân hơn là gửi các cháu đến các trường mầm non, hơn nữa ở các nhà trẻ thì giờ đón cũng như giờ đi gởi phải đúng giờ trong khi hầu hết công nhân đều phải hoặc muốn tăng ca để tăng thu nhập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Trẻ em như búp trên cành”; “thế hệ trẻ là tương lai của đất nước”… Thiết nghĩ chúng ta phát triển kinh tế phải đi đôi với quyền lợi của trẻ em nói chung, trẻ em tại các khu nhà trọ cũng cần được quan tâm hơn nữa. Đã đến lúc các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến vấn đề này. Đối với công nhân lao động, nhất là công nhân đã có gia đình phải ở thuê các khu phòng trọ thì một gia đình yên ấm, hạnh phúc sẽ là điểm tựa tinh thần tích cực cho họ phấn đấu gắn bó với công ty và công việc họ đang làm. Thực tế hiện nay, nhà trẻ mẫu giáo, các khu vui chơi, công viên văn hoá vẫn là niềm mơ ước của phần đông trẻ em tại các khu phòng trọ. Giải quyết được điều này thì các em sẽ được học, chơi tại những nơi đúng nghĩa dành cho các em, tuổi thơ của các em không chỉ đơn thuần trong 4 bức tường của các nhóm trẻ, nhà trẻ tư nhân nơi thiếu thốn đủ mọi thứ cần thiết và như thế, các em sẽ được phát triển đầy đủ hơn. Trước mắt trong dịp ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 năm nay, Uy ban dân số gia đình và trẻ em đã phát động và hội thu trên 10.000 búp bê để tặng cho các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, đây cũng là một việc làm thiết thực và không quá khó đối với hầu hết các doanh nghiệp có đông công nhân lao động.
B. Thuận
|
|
|