Cần nâng cao chất lượng các Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn

Đăng ngày: 15/08/2011
Vào ngày 18 tháng 5 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “ Xây dựng xã hội học tập ”, giai đoạn 2005 – 2010. Trong Quyết định chỉ rõ “ Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập với tiêu chí cơ bản là tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc” ....
Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là từ nay đến 2010 phải “đạt tỷ lệ trên 85% số người lao động trong các lĩnh vực nộng nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được tiếp cận và hưởng thụ các chương trình bồi dưỡng, giúp nâng cao hiểu biết , khả năng lao động, sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống ” và ít nhất phải có  “ trên 80% các xã, phường , thị trấn trong cả nước xây dựng được các Trung tâm học tập cộng đồng ” vì trung tâm học tập cộng đồng xã phường, thị trấn là nơi học tập thường xuyên của người lao động, trong đó phần lớn là nông dân . Để thực hiện mục tiêu trên, các Trung tâm học tập cộng đồng xã phường, thị trấn phải thực hiện được các nội dung như : Cung cấp thông tin về thời sự, các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; Phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới cùng những thông tin về thị trường đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa ; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp và phát triển các nghề mới đáp ứng cho yêu cầu chuyển địch cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao suất lao động, tăng thu nhập và cải thiện đời sống ; bổ túc văn hoá và xóa mù chữ, thực hiện vững chắc phổ cập giáo dục tiểu hoc, trung học cho người lao động; cung cấp những kiến thức về văn hóa, văn nghệ, chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thân thể, bảo vệ môi trường nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống …

Là tỉnh nằm trong khu vực kinh tế  trọng điểm phía Nam, với quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân “ đi trước về trước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa”, Đồng Nai phải chú trọng phát triển và phát huy nguồn nhân lực, từ năm 2002 tỉnh đã quan tâm và chủ trương tập trung chỉ đạo xây dựng xây dựng trung tâm học tập cộng đồng xã phường, thị trấn trong phạm vi toàn tỉnh. Đầu năm 2003, UBND tỉnh đã xây dựng đề án Trung tâm học tập cộng đồng với mục tiêu đến năm 2004 có 80% và năm 2005 là 100% xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng và chỉ đạo thực hiện chặt chẽ. Nhờ có nhận thức thống nhất, bước đi và cách làm phù hợp với sự chỉ đạo tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền nên đến hết năm 2004, toàn tỉnh đã có 155/171 xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng, thu hút trên 333.000 lượt người đến học tập, sinh hoạt góp phần đào tạo và phát huy nguồn nhân lực, đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy sự chuyển dịch lao động, cơ cầu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên do mô hình Trung tâm học tập cộng đồng cũng rất mới mẻ, thời gian qua hoạt động chưa nhiều,  khoảng 30% hoạt động còn lúng túng, nên chất lượng và hiệu quả của hoạt động về kinh tế - xã hội vẫn hạn chế. Nhiều Trung tâm chưa có bộ máy và cán bộ đủ năng lực, giàu quyết tâm quản lý, điều hành hoạt động của Trung tâm. Chưa động viên được nhiều cán bộ khoa học và công nghệ tham gia đội ngũ cộng tác viên cho các Trung tâm học tập cộng đồng. Vì thế chất lượng đào tạo chưa cao, thậm chí có nơi không có học viên đến đăng ký học. Thiết nghĩ, chúng ta cần có kế hoạch động viên các trí thức trẻ tham gia đội ngũ báo cáo viên của các Trung tâm học tập cộng đồng và động viên người dân hăng hái học tập. Đó chính là việc làm thiết thực nhất góp phần thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập.

LÊ QUANG KIỆM