Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban KTNS và Kiểm toán Nhà nước

Đăng ngày: 15/08/2011
Vừa qua, Ban biên tập có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tuyết Nga-Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách ( KT-NS) Hội đồng nhân dân tỉnh về quan hệ phối hợp giữa Ban KT-S với Kiểm toán Nhà nước, sau đây chúng tôi xin trích đăng một số nội dung chính trong cuộc trao đổi nói trên.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga-Trưởng Ban KTNS HĐND tỉnh
BBT: Thưa bà, xin bà cho biết quan điểm về mối quan hệ giữa Ban KTNS HĐND với Kiểm toán Nhà nước?

Trả lời: Thực hiện khoản 3, điều 11, Luật tổ chức HĐND và UBND, HĐND cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thẩm tra, quyết định và giám sát ngân sách Nhà nước ở địa phương:  “Quyết định dự toán thu nhân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách địa phương; điều chỉnh dự tóan ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; giám sát việc thực hiện ngân sách đã được HĐND quyết định”, và theo khoản 2, khoản 3 điều 30 Quy chế hoạt động của HĐND đã được UBTVQH ban hành theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005, người giúp việc cho HĐND tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn nói trên là Ban KT-NS HĐND tỉnh với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:

- Thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách.

- Giúp HĐND giám sát hoạtđộng của UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh và các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND tỉnh về lĩnh vực này.

Nhiệm vụ, quyền hạn thì lớn như vậy nhưng thực tế để thực hiện là hoàn toàn không dễ. Ban KT-NS luôn cố gắng tìm nhiều biện pháp để tăng cường hoạt động giám sát, sưu tập tài liệu nhằm nâng dần chất lượng thẩm tra các báo cáo, đề án về ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho HĐND tỉnh trong quyết định các vấn đề về ngân sách nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, sự chắc chắn về tính đúng đắn của các quyết định của HĐND, đặc biệt là quyết định phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, thực ra, chỉ có thể đảm bảo sau khi có sự xác định của Kiểm toán Nhà nước.

Theo điều 9, khoản a,  Luật kiểm toán nhà nước “Báo cáo kiểm toán là một trong những căn cứ để …HĐND sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và giám sát ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toan ngân sách địa phương”. Tuy nhiên, theo quy định ở điều 34, việc kiểm toán có thể xảy ra trước hoặc sau khi HĐND phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Vì thế để có thể phát huy tốt tác dụng của việc kiểm toán nhà nước, chúng tôi cho rằng cần thiết phải xây dựng quan hệ phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với HĐND tỉnh, trước hết là Ban KT-NS HĐND tỉnh. Nếu như, các báo cáo về quyết toán ngân sách địa phương đã được kiểm toán trước khi HĐND tỉnh họp xem xét quyết định về ngân sách thì sẽ rất thuận lợi cho HĐND. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào Kiểm toán Nhà nước cũng làm việc và có báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương trước ky họp. Ở Đồng Nai, trong nhiệm kỳ  1999-2004 và từ đầu nhiệm kỳ 2004-2009 đến nay,  Kiểm toán Nhà nước đã về kiểm toán được vài lần. Trong đó, có một lần kiểm toán quyết toán NSĐP năm 2003 trước khi HĐND tỉnh họp để xem xet, phê chuẩn quyết toán. Lần này, Đoàn Kiểm toán Nhà nước có tổ chức gặp gỡ Ban KT-NS để đặt vấn đề phối hợp. Việc phối hợp này đã đem lại cho Ban KT-NS một số tác dụng như được tham dự các buổi họp nghe báo cáo kết quả kiểm toán, giúp Ban nắm bắt một cách tường tận về chính sách, chế độ và những việc làm đúng, làm sai so chính sách, chế độ; có cơ sở xem xét, thẩm tra quyết toán ngân sách chắc tay hơn vì các số liệu thu, chi ngân sách đã được kiểm toán.

BBT: Từ tình hình trên, việc xây dựng quan hệ phối hợp giữa giữa cơ quan Kiểm toán Nhà nước với HĐND cấp tỉnh, trước hết là với Ban KT-NS và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban với Kiểm toán Nhà nước là hết sức cần thiết có phải không thưa bà?

Trả lời: Đối với Kiểm toán Nhà nước, việc xây dựng quan hệ phối hợp với các Ban KT-NS giúp tiếp nhận được các thông tin về việc chấp hành pháp luật về ngân sách mà các Ban KT-NS thu thập được thông qua hoạt động giám sát của mình. Từ đó Kiểm toán nhà nước có thể xác định những địa phương, những đơn vị, những khâu cần phải tiến hành kiểm toán sớm, kiểm toán sâu để đưa vào kế họach kiểm toán.

Qua nghiên cứu Luật Kiểm toán Nhà nước, Ban KT-NS thấy rằng, để báo cáo kiểm toán thể hiện được giá trị của nó đúng như quy định tại điều 9, đặc biệt là thể hiện được vai trò, vị trí là “căn cứ để Quốc hội, HĐND các cấp sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định các vấn đề về tài chính”, hoạt động kiểm toán phải hoàn thành việc kiểm toán trước kỳ họp Quốc hội, HĐND. Tuy nhiên, số địa phương, số ngành cần phải thực hiện việc kiểm toán thì rất nhiều, lực lượng kiểm toán thì có hạn, lại phải tuân thủ quy định tại điều 41 về thời hạn kiểm toán “Mổi cuộc kiểm toán được thực hiện trong một thời hạn nhất định tính từ ngày công bố quyết định định kiểm toán…” Do đó, nếu xác lập được quan hệ phối hợp với các Ban KT-NS, Kiểm toán Nhà nước có thể nắm bắt nhanh các thông tin, không phải mất thời gian khảo sát.

Ngoài ra, qua hoạt động giám sát, chúng tôi thấy rằng, có nơi, có lúc, Ban KT-NS không đồng tình với việc điều hành, thực hiện một số khoản chi tiêu. Nhưng có thể là không nắm hoặc nắm không chắc chế độ, không thể xác định đúng sai; cũng có thể là biết sai nhưng kiến nghị UBND tỉnh không sửa. Ban KT-NS cũng không thể tự đi trình báo, mà cũng chẳng biết trình với ai và trình rồi thì họ có xử lý được gì không. Nếu Kiểm toán Nhà nước có quan hệ tốt với Ban KT-NS thì sẽ gỡ được khoản rối này.

Đối với Ban KT-NS, nếu có quan hệ phối hợp tốt với Kiểm Toán Nhà nước sẽ giúp Ban KT-NS rất nhiều việc như có thể tranh thủ ý kiến Kiểm toán Nhà nước đối với một số khoản thu, chi, ưu đãi mà qua theo dõi, giám sát, Ban KT-NS cảm thấy không bình thường. Nhưng do không nắm chắc chế độ nên không thể xác định đúng sai; sẽ được biết thêm một số chế độ, chính sách mà Đoàn kiểm toán viện dẫn khi Đoàn nhận xét về việc chấp hành của một số khoan thu, chi; sẽ được biết kết luận kiểm toán đối với các vấn đề về ngân sách nhà nước, bao gồm việc quyết toán các khoản thu, chi ngân sách địa phương để có cơ sở tăng cường giám sát, chất vấn và yên tâm hơn trong việc xem xét lập các báo cáo thẩm tra về ngân sách.

BBT: Để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban KTNS và Kiểm toán Nhà nước, bà có kiến nghị gì?

Trả lời: Từ những nhận định phân tích trên, chúng tôi cho rằng việc nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban KT-NS HĐND tỉnh với Kiểm toán Nhà nước là rất cần thiết. Để việc phối hợp này đạt được các tác dụng trên, chúng tôi đề nghị:

- Đề nghị Kiểm toán Nhà nước ban hành quy chế phối hợp giữa Hội đồng Nhân dân tỉnh và Kiểm toán Nhà nước nhằm cụ thể hóa các nội dung phối hợp, xem việc phối hợp là hoạt động thường xuyên.

- Trong khi chưa có Quy chế, đề nghị Kiểm toán Nhà nước hổ trợ cho các Ban KT-NS trong hoạt động giám sát về tài chính. Trong trường hợp, các Ban KT-NS giám sát, nếu có những vướng mắc về chế độ, chính sách gây khó cho việc kết luận đúng sai, chúng tôi mong được Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ. Chúng tôi nghĩ rằng Kiểm toán Nhà nước chắc chắn sẽ nắm bắt đầy đủ chế độ, chính sách và sẽ giúp chúng tôi một cách dễ dàng.  Để thực hiện việc này, đề nghị Kiểm toán Nhà nước vui lòng cho chúng tôi biết địa chỉ để tiện liên hệ. Khi chúng toi có thông tin (bằng văn bản hoặc điện thọai) rất mong sẽ được sự hồi đáp tận tình của Kiểm toán Nhà nước.

- Khi đến thực hiện hoạt động ở các địa phương, đề nghị Đoàn Kiểm toán dành thời gian gặp gỡ, trao đổi với Ban KT-NS HĐND tỉnh. Chúng tôi nghĩ rằng, qua gặp gỡ, các Ban KT-NS có thể sẽ cung cấp cho Đoàn những thông tin hữu ích trước khi bắt tay vào hoạt động;

- Sau khi hoàn thành hoạt động kiểm toán ngân sách ở địa phương, đề nghị Kiểm toán Nhà nước cung cấp cho Ban một báo cáo kết luận kiểm toán. Việc này, trong Nghị định 73/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương có quy định: “trong việc báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, UBND tỉnh phải báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương (nếu có)”. Nhưng chờ UBND tỉnh báo cáo thì rất chậm, không phù hợp với thời gian Ban lập báo cáo thẩm tra. Vì thế để phát huy tác dụng của Báo cáo kiểm toán và để thể hiện đúng ý nghĩa “Báo cáo kiểm toán là một trong những căn cứ để …HĐND sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và giám sát ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương”, chúng tôi đề nghị sau khi Đoàn kiểm toán có báo cáo kết quả kiểm toán, xin vui lòng gửi cho Ban KT-NS một bản để Ban có cơ sở chắc chắn hơn trong việc lập báo cáo thẩm tra.

Việc phối hợp của Kiểm toán nhà nước sẽ giúp Ban hoàn thành tốt nhiệm vụ người giúp việc cho HĐND tỉnh trong việc “Quyết định dự toán thu nhân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách địa phương; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; giám sát việc thực hiện ngân sách đã được HĐND quyết định”.

Nhân đây, cũng xin cung cấp cho Ban biên tập một thông tin: để tổ chức thực hiện có hiệu quả luật Kiểm toán nhà nước ( KTNN), ngày 10/5/2006 Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội đã phối hợp với  KTNN tổ chức tập huấn luật KTNN cho Thường trực HĐND và Ban KTNS HĐND các tỉnh phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại hội nghị này, cac Ban KTNS HĐND các tỉnh cũng cho rằng việc tăng cường này là rất cần thiết. Sau phiên họp, ngày 12/5/2006 Tổng KTNN đã có công văn số 290/KTNN-VP về việc tăng cường phối hợp với HĐND địa phương trong công tác kiểm toán. Tại công văn, Tổng KTNN yêu cầu:

1. Khi tiến hành khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán các đoàn kiểm toán ngân sách địa phương phải có kế hoạch làm việc trực tiếp với Thường trực HĐND , Ban KTNS của HĐND các tỉnh, thành phố mà đoàn sẽ tien hành kiểm toán.

2. Trong quá trình kiểm toán, các đoàn, tổ kiểm toán phải liên hệ thường xuyên với HĐND, Ban KTNS của HĐND( ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã)

3.Tại các cuộc họp triển khai kiểm toán và kết luận kiểm toán, cac Đoàn kiểm toán pảhi đề nghị có sự tham gia của đại diện Thường trực HĐND, Ban KTNS của HĐND…

Qua đó cho thấy những ý kiến cúa Ban KTNS HĐND các cấp đã nhận được sự quan tâm đồng thuận của Tổng KTNN.

BBT: Xin cám ơn bà!

Thực hiện: Ban biên tập Bản tin HĐND tỉnh.