Bằng chất giọng trầm ấm của miền quê Quảng Bình, Đại
tá - hoạ sĩ Lê Duy Ứng kể:
- Từ sáng sớm ngày 27 tháng 4 năm 1975, hòa chung khí thế cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy của quân và dân ta. Lúc ấy tôi vừa là họa sĩ kiêm nhiếp ảnh, được
đi theo Lữ đoàn 23 tăng - thiết giáp thuộc Quân đoàn 2, tiến công vào căn cứ Nước
Trong của quân ngụy Sài Gòn, đóng tại xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Biên
Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai). Đây là một căn cứ lớn, được chúng chia thành 3 khu
vực: khu vực 1, huấn luyện đào tạo đội ngũ kỹ thuật tăng - thiết giáp; khu vực
2 dành cho bọn lính đánh thuê Thái Lan đồn trú và khu vực 3 làm nhiệm vụ đào tạo
lính biệt kích cánh dơi. Được tuyển lựa về đây bao gồm những tên khát máu để
sau đó tung đi đánh phá các chiến trường ba nước Đông Dương. Do tính chất, đặc
điểm của một căn cứ quân sự có ý nghĩa đặc biệt như vậy, nên hệ thống phòng thủ
của chúng rất cẩn mật và kiên cố. Bởi thế, xác định đây là một điểm rắn cần
phải “nhổ” để làm bàn đạp cho quân ta tiến công vào Sài Gòn – sào huyệt cuối
cùng của bè lũ tay sai bán nước.
Dấu ấn của ngày 27-4-1975
không thể nào quên ấy là trên chiếc xe tăng số 847 cùng đội hình đột kích vào
căn cứ Nước Trong. Trước cơn giãy chết, địch chống cự quyết liệt bằng đủ các
loại hỏa khí. Mặc dầu những quả đạn pháo từ xe tăng của ta nã chính xác, tiêu
diệt một số ổ đề kháng của đối phương, nhưng vẫn còn nhiều hỏa điểm ngoan cố
chống cự. Các cỡ đạn địch xối xả như mưa rào, giăng thành lưới lửa hòng ngăn
chặn bước tiến công của ta. Ngồi trên tháp pháo, tôi có cảm giác lúc bấy giờ như
mình đang ở trong chảo lửa, khói đạn mịt mù. Thế rồi, một quả đạn pháo quái ác
của đối phương nổ tung dưới thân chiếc xe tăng 847 mà tôi đang hiện hữu. Một
bên xích bị đứt, mảnh đạn văng lên cướp đi sinh mạng một pháo thủ ngồi cạnh
tôi. Còn bản thân mình tối sầm mặt mũi và bóng đen bao trùm, tê dại cả người.
Điều gì đang đến với mình
đây? Hy sinh ư? Không phải! Mình còn sống đây mà! Trong giây phút bàng hoàng,
tôi định thần lại mới nhận ra mình đã bị thương rất nặng, trước mắt là một vầng
đen thăm thẳm bao trùm. Xung quanh, khí thế tiến công của quân ta càng dũng
mãnh và kháng cự của địch như điên loạn, trời đất chao đảo. Lúc này mới thực sự
biết mình còn sống. Hình ảnh Bác vụt sáng trong tôi như vỗ về an ủi:
- Cháu yêu của Bác ơi, cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù là thế đó. Tránh
sao khỏi sự tổn thất, hy sinh. Nhưng tất thắng nhất định sẽ thuộc về ta, cháu
ạ!
Nghĩ tới đây, tôi xúc động nghẹn ngào, và như được
tiếp thêm nguồn sinh lực mới, tỉnh táo lạ thường. Rồi bản năng như mách bảo,
tôi dùng chính dòng máu nóng hổi của mình họa bức chân dung của Bác – nhanh đến
mức kỷ lục như chưa bao giờ nhanh đến thế trong cuộc đời làm họa sĩ của mình
vào một tấm giấy đã mang theo từ trước theo cảm giác nghề nghiệp. Bức chân dung
vừa hoàn thành thì cũng là lúc tôi bất tỉnh không hề hay biết gì nữa.Sau đó được
anh em đồng đội băng bó, đưa về trạm phẫu thuật để cấp cứu trước khi chuyển về
tuyến sau. Nhưng thật không tưởng, do vết thương khá nặng, máu ra khá nhiều, người
chết lịm, kiểm tra tim mạch đều đã ngừng đập – nghĩa là lâm sàng đã đông cứng.
Bộ phận làm công tác chính sách khiêng tôi ra điểm tập kết cùng với thi thể các
liệt sĩ để chờ… mai táng. Nhưng bằng kinh nghiệm thực tiễn cộng với lương tâm
của một người thầy thuốc. Trước lúc vĩnh biệt, quân y sĩ Hồ Chí Quyết trực tiếp
kiểm tra từng liệt sĩ, ai nấy thực sự đã hy sinh. Lòng Quyết se lại, buốt nhói.
Nhưng, khi anh kiểm tra đến tôi thấy còn le lói những tín hiệu trên thực tế lâm
sàng, như sắc thái làn da, đồng tử mắt và đặc biệt ngực còn hơi ấm nóng, dù đó
là tín hiệu mong manh.
Không thể chần chừ, còn nước
còn tát! Anh tiêm ngay cho tôi mấy mũi thuốc hồi sức, xử lý lại các vết thương
và chuyển tuyến sau cấp cứu cùng với bức chân dung Bác Hồ được giữ gìn cẩn
thận. Như có phép mầu nhiệm, thế là từ đó tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần.Bức
chân dung của Bác vẽ bằng máu trái tim của người họa sỹ - chiến sỹ là tôi, được
đồng đội nâng niu, trân trọng giữ gìn rồi chuyển ra Hà Nội. Hiện đang trưng bày
tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, cạnh Lăng Bác ở Ba Đình lịch sử.
Hiện
nay tôi được hưởng chế độ thương binh loại đặc biệt, mất chín mươi mốt phần
trăm (91%) sức khoẻ, vẫn còn tại ngũ với cấp hàm Đại tá, công tác ở Viện Bảo
tàng lịch sử quân sự Việt Nam do Thiếu tướng - Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương làm
giám đốc. Ba mươi lăm năm đã đi qua. Dù cả hai mắt vĩnh viễn không còn ánh
sáng, nhưng mỗi lần tôi nghĩ về bức hoạ ấy, như thấy Bác đang âu yếm vỗ về
truyền tình yêu thương ấm áp của một người ông đối với đứa cháu bé bỏng đầy
trìu mến của Người.
Nguyễn Quốc Hoàn