Tại buổi làm việc với Đoàn giám
sát, các Công ty kinh doanh hạ tầng đều khẳng định đến cuối tháng 3 hoặc
trong tháng 4-2010 sẽ hoàn thành và đưa nhà máy vào vận hành thử. Song thực
tế cho thấy, với số lượng công việc còn khá nhiều, đa số chưa lắp đặt xong
thiết bị, máy móc, có nhà máy còn đang chờ thiết bị nhập khẩu, có
nhà máy chưa có địa điểm đấu nối tiếp nhận nước thải vì chưa có
hệ thống thoát nước ngoài hàng rào KCN… nên các nhà máy xử lý nước
thải tập trung của 4 khu công nghiệp này khó có thể hoàn thành đúng tiến
độ như cam kết của các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN. Như vậy, đồng nghĩa
với việc nhiều doanh nghiệp trong các KCN trên tiếp tục xả thải gây ô nhiễm
môi trường và chưa biết khi nào mới có Nhà máy xử lý nước thải tập
trung để xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Hồ xử lý nước thải của KCN Long Thành
Trong 6 KCN mà Đoàn đi giám sát lần
này, có 4 Khu công nghiệp đã được xếp vào danh sách gây ô nhiễm môi
trường nghiêm trọng, gồm Hố Nai, Sông Mây, Bàu Xéo và Dệt may Nhơn Trạch,
các KCN này đều phải thực hiện các biện pháp khắc phục triệt để ô
nhiễm môi trường, thời gian phải khắc phục đến tháng 4 năm 2010. Nhưng
với tình trạng chưa hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải
tập trung thì khó có thể khắc phục để được đưa ra khỏi danh sách
“đen” theo quyết định của UBND tỉnh. Còn 2 KCN là Long Thành và Tam Phước
đã có nhà máy XLNTTT đang vận hành, nhưng cũng chỉ có nước thải sau xử lý của
KCN Tam Phước gần đạt tiêu chuẩn môi trường vì tiêu chuẩn màu chưa đạt,
còn nước thải của Khu công nghiệp Long Thành vẫn chưa đạt tiêu chuẩn môi
trường. Vì vậy, nếu 4 KCN có đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy XLNTTT và đi
vào hoạt động trong quý II-2010 cũng chưa chắc gì nước thải sau khi xử lý sẽ đạt
tiêu chuẩn môi trường vì còn phải vận hành thử.
Ông Huỳnh Chí Thắng- Phó Chủ tịch
HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đã lưu ý đối với các Công ty kinh
doanh hạ tầng và các cơ quan chức năng liên quan là: "Hiện nay, vấn
đề môi trường được tỉnh đặt lên hàng đầu, theo Nghị quyết 125 của HĐND tỉnh
thì đến cuối năm 2010, tất cả các KCN ở Đồng Nai phải có nhà máy XLNTTT đạt
tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra sông, suối. Nghị định 117 của Chính
phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-3-2010 có điểm mới là mức phạt dành cho một
hành vi vi phạm trong xả thải lên đến 500 triệu đồng. Như vậy, doanh nghiệp nào
có nhiều hành vi vi phạm trong xả thải có thể bị phạt tới cả tỷ đồng. Do vậy
đề nghị các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN cần lưu ý và nâng cao trách
nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, không nên để phải xử phạt theo
Nghị định".

Đoàn giám sát thực tế tại
Nhà máy XLNTTT
KCN Dệt may Nhơn Trạch
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng nhấn
mạnh: Việc thường xuyên kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm về môi
trường chỉ là giải pháp tạm thời. Muốn giải quyết sự việc tận gốc, các cơ quan
chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp nắm rõ
các quy định của Nhà nước về môi trường, từ đó họ sẽ nâng cao ý thức trong bảo
vệ môi trường. Đối với các nhà máy đã lắp đặt và áp dụng công nghệ hiện đại
nhất trong xử lý nước thải nhưng kết quả xử lý vẫn chưa đạt tiêu chuẩn môi
trường, đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh kiến
nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo
gỡ khó khăn, nhất là việc xem xét tiêu chuẩn về độ màu, đảm bảo xử
lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường đối với tất cả các thông số.
Nguyễn Thị Phi