1. Hội nghị tổng kết phong trào thi đua
yêu nước năm 2009:
Năm
2009, công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn được duy trì
hoạt động theo chiều hướng từng bước đi vào nề nếp và hiệu quả hơn so với trước
đây. Việc xử lý hồ sơ khen thưởng ngày càng nhanh gọn, chặt chẽ, chính xác hơn,
hạn chế việc khen thưởng tràn lan. Đặc biệt
khen thưởng đột xuất được chú trọng. Năm 2009, Đồng Nai tiếp tục giữ vững thứ
hạng cao trong Cụm Miền Đông Nam bộ, kết quả chấm điểm thi đua theo tiêu chí ký
kết giao ước thi đua Đồng Nai xếp hạng nhì, được Cụm đề nghị tặng cờ thi đua
của Chính Phủ. Hoạt động cụm thi đua trên địa bàn tỉnh đã bước sang năm thứ 3,
có bước phát triển mạnh về số lượng (tăng số lượng cụm, số đơn vị tham gia) và
chất lượng hoạt động ngày một nâng lên. Qua sơ kết hoạt động Cụm thi đua giữa
các ngành, nghề trong cụm, khối có sự liên kết gắn bó hơn, việc giao lưu học
tập kinh nghiệm lẫn nhau được phát huy, nhận thức về vai trò, vị trí và tác
dụng của công tác thi đua, khen thưởng ngày càng sâu sắc hơn và việc ký kết
giao ước thi đua đã thúc đẩy từng ngành, từng đơn vị, địa phương có những giải
pháp tích cực hơn trong tổ chức phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát
triển kinh tế - xã hội được giao; việc tổ chức và thực hiện phong trào thi đua
trong tỉnh, của từng Cụm, khối thi đua, từng ngành nghề, lĩnh vực luôn được
thực hiện với tinh thần khẩn trương, kịp thời, đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình
thủ tục và ghi nhận được nhiều thành tích tiêu biểu. Bên cạnh những kết quả đạt
được, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng còn một số
mặt hạn chế cần khắc phục như: Việc sơ tổng kết phong trào thi đua yêu nước một
số địa phương, đơn vị về mặt thời gian chưa đảm bảo so với kế hoạch đề ra; việc
đăng ký thi đua ở một số đơn vị còn chậm so với tiến độ; hoạt động Cụm thi đua
trong tỉnh, ở một số cụm còn nặng về hình thức, như xây dựng tiêu chí thi đua
chưa cụ thể, chưa phù hợp hoặc sau khi ký kết giao ước thi đưa phát động thi
đua, thiếu các hoạt động thiết thực, đánh giá phong trào đôi lúc còn phiến
diện, chưa sâu sát, chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao…; một số đơn vị, địa
phương chưa xây dựng kế hoạch và triển khai kiểm tra công tác thi đua, khen
thưởng theo văn bản số 260/SNV-TĐKT ngày 19/2/2009 của Sở kế hoạch, thanh kiểm
tra công tác thi đua, khen thưởng năm 2009.
Ngô Trọng Phúc
2. Kết quả công tác chăm lo cho nạn nhân
bị nhiễm chất độc màu da cam/Dioxin trong quý I/2010
Phát
huy truyền thống “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” của dân tộc, trong
quý IV năm 2009, Thường trực Tỉnh Hội đã chỉ đạo các huyện, thị Hội phối hợp
với các ban ngành địa phương, các nhà tài trợ và gia đình nạn nhân tích cực xây
dựng nhà ở để nạn nhân và gia đình nạn nhân có nhà mới đón tết cổ truyền dân
tộc. Đến ngày 8/2/2010 (25 tết) đã bàn giao được 4 căn nhà tình thương, gồm:
huyện Trảng Bom 1 căn, Định Quán 1 căn, Cẩm Mỹ 1 căn, Tân Phú 1 căn và trong
quý I năm 2010 xây dựng 2 căn nhà tình thương, trị giá mỗi căn là 25 triệu
đồng. Trong quá trình xây dựng, Hội cùng với các cấp xã, ấp đã vận động bà con
và các thân nhân của nạn nhân ủng hộ thêm về vật chất và ngày công, nên các căn
nhà được đầu tư xây dựng đều có giá trị bình quan 25 triệu đồng. Hoạt động thăm
và tặng quà tết Canh dần cho nạn nhân là hoạt động được chú trọng và có ý
nghĩa. Thường trực Hội cùng với các Huyện, thị và thành Hội Biên Hòa tổ chức 6
đoàn đi thăm và tặng quà cho nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin trên địa bàn
toàn tỉnh. Tổng số quà tặng là 2.282 suất, với tổng số tiền là: 631.750.000
đồng trích từ nguồn của tỉnh Hội, vận động của các huyện, thị xã và công ty Cổ
phần Đường Biên Hòa. Năm nay, UBND tỉnh Đồng Nai tặng cho người hoạt động kháng
chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp thường xuyên là 500.000
đồng/người. Chương trình “Vượt khó cùng AnCo” ra đời đã nhận được sự hưởng ứng
tích cực của các gia đình nạn nhân, vì chương trình thực sự có hiệu quả đi vào
cuộc sống đối với những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn đồng thời là
nguồn động viên an ủi to lớn không chỉ về vật chất và đặc biệt hơn là tinh
thần. Phát huy những thành tích đã đạt được từ quý IV năm 2009, trong quý I năm 2010, Tỉnh Hội đã phối hợp
với công ty An Co trợ giúp them cho 13 gia đình nạn nhân gồm: Huyện Vĩnh Cửu,
Cẩm Mỹ, Định Quán, tổng số tiền là 156 triệu đồng.
Nguyễn Hương
3. Chính sách hỗ trợ học sinh con hộ
nghèo theo Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg.
Học
sinh là con hộ nghèo (chuẩn hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng
Chính phủ) đang sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã
an toàn khu và thôn, bản ĐBKK ở các khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương
trình 135 giai đoạn II, học sinh mồ côi cả cha lần mẹ được hộ nghèo nuôi dưỡng
(có xác nhận của Ủy ban Nhân dân xã). Cụ thể: Học sinh mẫu giáo có trình độ từ
3 đến 6 tuổi đang học tại các trường, lớp mẫu giáo trong và ngoài xã; học sinh
đang học tại các cơ sở giáo dục phổ thông (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học
phổ thông). Trường hợp nếu có nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh trên địa bàn
thì chỉ được hưởng một chính sách cao nhất. Học sinh đang theo học tại các
trường phổ thông dân tộc nội trú không thuộc diện thụ hưởng chính sách này. Học
sinh con hộ nghèo đang theo học tại các trường mẫu giáo và các cơ sở giáo dục
phổ thông nghỉ học có lý do chính đáng như ốm, thiên tai…cũng được tiếp tục thụ
hưởng các chính sách này. Mức hỗ trợ cho các em học tại các trường, lớp mẫu
giáo là 70.000đồng/tháng/1 học sinh; các em học tại các cơ sở giáo dục phổ
thông là 140.000 đồng/tháng/1 học sinh, tất cả đều không quá 9 tháng/năm học. Việc
cấp tiền mặt, mua dụng cụ học tập hay tổ chức ăn tại chỗ cho học sinh đang theo
học tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông do Ban giám
hiệu trường bàn bạc, quyết định tùy theo điều kiện cụ thể và nguyện vọng của
học sinh và được hỗ trợ theo năm học (từ tháng 9 năm 2009 đến hết tháng 5 năm
2011). Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi Chương trình 135 giai đoạn II
chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách
theo quy định và hướng dẫn các bộ ngành Trung ương. Mức hỗ trợ từ ngân sách
Trung ương là mức tối thiểu, tùy vào từng điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân
tỉnh có thể bố trí từ ngân sách địa phương để tăng mức hỗ trợ.
Thu Hương