Theo quy định của Luật ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của HĐND và UBND thì hàng năm HĐND tỉnh phải thông qua
chương trinh ban hành Nghị quyết của mình làm cơ sở triển khai thực hiện. Quy
định như vậy là nhằm đảm bảo tính chủ động trong việc xây dựng văn bản bởi lẽ
việc để xây dựng được một Nghị quyết của HĐND tỉnh phải trải qua một quy trình
chặt chẽ: đưa vào chương trình, dự thảo, lấy ý kiến (có thể còn phải lấy ý kiến
nhân dân), thẩm định, thẩm tra, xem xét thảo luận và thông qua.
Trong
những năm qua, HĐND tỉnh vẫn thường phải điều chỉnh chương trình ban hành Nghị
quyết hàng năm vì cả lý do khách quan và chủ quan. Lý do khách quan là bởi các
quy định của Trung ương có sự thay đổi hoặc ban hành mới mà địa phương không
thể biết trước để chủ động đưa nội dung đó vào chương trình ban hành văn bản
của mình. Đây là lý do chủ yếu. Bên cạnh đó còn có lý do chủ quan của chính các
cơ quan, đơn vị có chức năng tham mưu. Có thể nêu ra những ví dụ cụ thể, tại kỳ
họp HĐND tỉnh lần thứ 19 sắp tới có 02 nội dung điều chỉnh mà cơ quan tham mưu
soạn thảo có thể chủ động đưa vào chương trình vào thời điểm HĐND tỉnh thông
qua (tháng 12 năm 2009). Đó là Nghị quyết về chức danh, số lượng, một số chế
độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người
hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ bởi lẽ Nghị đinh
này đã được ban hành từ trước khi diễn ra kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh và Nghị
quyết quy định tạm thời về mức trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức thuộc tỉnh Đồng Nai do nội dung này đã có chủ trương từ trước đây.
Hạn
chế của việc điều chỉnh chương trình ban hành Nghị quyết của HĐND là ở biểu
hiện mang nặng tính hình thức của nó. Thông thường, vào phiên họp đầu của kỳ
họp, HĐND xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chương trình
và cũng tại chính kỳ họp đó, các nội dung mới được đề nghị bổ sung cũng sẽ được
xem xét thông qua. Điều đó cho thấy công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ
trước, qua nhiều trình tự, thủ tục và việc HĐND nhất trí với đề nghị điều chỉnh
chương trình chỉ là một cách hợp thức hóa. Ngoài ra có một khả năng khác có thể
xảy ra là nếu như HĐND không nhất trí thông qua việc điều chỉnh đó hoặc không
đồng ý với một số nội dung điều chỉnh sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí bởi công
tác chuẩn bị cho việc ban hành Nghị quyết đã được hoàn chỉnh chỉ chờ được… hợp
thức hóa. Đối với HĐND tỉnh Đồng Nai, đây chỉ là một khả năng giả định chưa xảy
ra.
Hạn
chế thấp nhất việc điều chỉnh chương trình ban hành Nghị quyết luôn là mong
muốn và nỗ lực của HĐND các địa phương và các cấp; thực hiện tốt điều này cũng
là một việc làm hạn chế tính hình thức trong hoạt động HĐND. Chính vì vậy,
những năm qua, Thường trực HĐND và UBND tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ nhằm giảm
thiểu tình trạng này và mong muốn trong thời gian tới HĐND tỉnh sẽ không phải
điều chỉnh chương trình xây dựng Nghị quyết vì lý do chủ quan.
Dù
điều chỉnh với lý do nào nhưng mục tiêu của việc điều chỉnh chương trình ban
hành Nghị quyết của HĐND tỉnh vẫn là việc làm đáp ứng với yêu cầu của công tác
quản lý nhà nước ở địa phương; đảm bảo cụ thể hóa các quy định của pháp luật
tạo thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến cơ sở.
Ngô Trọng Phúc