Mười hai chương trình kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006-2010 sau 5 năm triển khai thực hiện

Đăng ngày: 14/05/2013
  ​Mười hai chương trình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006-2010 được UBND tỉnh quyết định phê duyệt trên cơ sở triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU của Tỉnh ủy về việc quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII và Nghị quyết số 62/2006/NQ-HĐND ngày 03/5/2006 của HĐND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh 5 năm 2006-2010.

Sau hai năm rưỡi triển khai thực hiện, vào tháng 9 năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổng hợp, tình hình kết quả thực hiện và đề ra nhiệm vụ thực hiện của 2,5 năm còn lại. Đến thời điểm chuẩn bị Đại hội tỉnh Đồng Nai lần thứ IX hiện nay, 12 chương trình đã cơ bản đi hết thời gian thực hiện của mình và cần được đánh giá một cách tổng quát để thấy rõ những tác động của nó đối với việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong 5 năm qua bởi lẽ việc thực hiện 12 chương trình này cũng chính là việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII đã đề ra.

Rà soát lại nội dung 12 chương trình cho thấy, hầu hết mỗi chương trình đều gắn với một hoặc nhiều Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh để cụ thể hóa Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ, làm cơ sở cho UBND tỉnh triển khai thực hiện. Ngoài ra, trong các Nghị quyết về kinh tế xã hội hàng năm của HĐND tỉnh, các nội dung này đều được đánh giá kết quả sau một năm triển khai thực hiện và đề ra định hướng cho năm sau. Mặc dù chỉ gói gọn trong 12 chương trình nhưng với tầm điều chỉnh rộng, mang tính tổng quát, mười hai chương trình này đã bao trùm lên mọi hoạt động kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh.

 Mười hai chương trình bao gồm: Phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp; giảm nghèo; khoa học và công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; khai thác sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; phát triển nguồn nhân lực; cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phòng chống tội phạm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, ma túy; xây dựng đời sống văn hóa; phát triển kết cấp hạ tầng và  phát triển bền vững. Mỗi chương trình được UBND tỉnh giao cho các sở, ngành chịu trách nhiệm tham mưu triển khai thực hiện.

Trong 12 chương trình nói trên, có những chương trình thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cán bộ và nhân dân và thể hiện rõ những tác động trực tiếp của mình đến đời sống kinh tế xã hội như: phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực; phát triển nguồn nhân lực; cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; xây dựng đời sống văn hóa. Sự phản hồi thông tin của nhân dân về các chương trình này vẫn được HĐND tỉnh thu nhận được qua các đợt tiếp xúc cử tri cũng như thông qua các ý kiến, kiến nghị của nhân dân gửi đến.

  Theo đánh giá chung, mặc dù việc triển khai thực hiện chậm (từ tháng 4 năm 2007) nhưng hầu hết các chỉ tiêu đều đạt khá và vượt. Có thể khái quát về một số chương trình như sau: Các dự án về phát triển cây trồng chủ lực được triển khai thực hiện chậm nhất (tháng 3 năm 2009) nhưng với một thời gian ngắn đã đạt được tỷ lệ từ 50% kế hoạch trở lên, tuy nhiên theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án thì chương trình chưa huy động được tối đa các nguồn lực xã hội, chưa hình thành được vùng chuyên canh, sản xuất mang tính hàng hóa cao. Chương trình phát triển nguồn nhân lực được coi là có ảnh hưởng và ý nghĩa quyết định lớn đối với việc phát triển tỉnh Đồng Nai trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 nhưng có một số chỉ tiêu đạt thấp: đào tạo bồi dưỡng trình độ chính trị đạt  32,53%, đào tạo sau Đại học đạt 79%; nguyên nhân là do khi đề ra chỉ tiêu có sự chủ quan về khả năng hoàn thành.

Trong năm năm, chuẩn nghèo đã được điều chỉnh 02 lần bằng 02 Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh và dự kiến sẽ điều chỉnh lần tiếp theo vào tháng 7 năm 2010. Đây là thể hiện của sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh bởi lẽ chuẩn nghèo luôn tăng về mức độ đánh giá thu nhập. Năm 2010 ước giảm thêm 30% số hộ nghèo còn lại (giảm 9.416 hộ) đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,75%.

Xây dựng đời sống văn hóa năm năm qua đã trở thành phong trào toàn dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hướng tới xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, dân chủ không ngừng chăm lo nâng cao chất lượng đời sống dân cư. Xây dựng gia đình văn hóa đã đi vào chiều sâu, có chất lượng, các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa thực sự trở thành nếp sống hàng ngày của các gia đình.

Các chương trình kinh tế lớn như: Phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp; khoa học và công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; khai thác sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên đều đã thể hiện vai trò của mình trong phát triển kinh tế của tỉnh trong năm năm qua với những con số rất ấn tượng như: công nghiệp chủ lực đạt tăng trưởng bình quân 20%, cao hơn toàn ngành;  thương mại, du lịch, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp dự kiến đạt 34,1% vào năm 2010; thu gom chất thải rắn, chất thải công nghiệp đạt 77% năm 2009 và nhiều chỉ tiêu khác.

Sau khi kết thúc 12 chương trình giai đoạn 2006-2010, vấn đề đặt ra là sẽ tiếp tục thực hiện những chương trình nào trong giai đoạn 2011-2015 hay chỉ nên đưa vào kế hoạch hàng năm và xem là nhiệm vụ thường xuyên để triển khai thực hiện. Một số chương trình: phát triển nông thôn mới và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2011-2015 chính là những chương trình cần được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn sắp tới và gắn với những nhiệm vụ đột phá giai đoạn 2011-2015 của tỉnh.

Việc đánh giá một cách toàn diện, cụ thể 12 chương trình chính là những nội dung chuẩn bị cho việc thảo luận và hoàn thiện văn kiện trình đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IX sắp tới.

                                                              Nguyễn Thị Oanh