Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai giám sát việc thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực liên quan đến công dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đăng ngày: 14/05/2013
​Theo mục tiêu của đề án, đến tháng 12 năm 2010, cá nhân hoặc tổ chức trong và ngoài nước có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để tìm hiểu, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) ở tất cả các cấp chính quyền trong phạm vi toàn quốc, in mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính để khai thay vì phải mua hoặc đến cơ quan hành chính xin mẫu văn bản. Chính vì vậy, đây được coi là bước đột phá về cải cách TTHC theo hướng tinh gọn, đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân.

​     ​Trong đời sống hàng ngày, các tổ chức, cá nhân khi giao dịch công việc phải tuân thủ rất nhiều quy định về thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực thực tế đang chồng chéo, rườm rà, phức tạp, có khi là “rào cản” đối với hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân, gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Để giải quyết vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10.1.2007 phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30) và Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 4.1.2008 ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 30. Mục tiêu của Đề án 30 nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả và có hiệu suất cao, góp phần phòng chống tham nhũng và lãng phí; thông qua việc giảm bớt các loại thủ tục hành chính còn rườm rà, không cần thiết, cắt giảm đáng kể chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Sau hơn 2 năm khẩn trương thực hiện Đề án 30, bộ TTHC chuẩn cấp huyện và cấp xã của tỉnh đang được tiếp tục rà soát để kịp với việc Chính phủ công bố bộ thủ tục áp dụng chung trong phạm vi cả nước.

     Sau khi có kết quả thống kê TTHC do các đơn vị thực hiện thống kê điểm chuyển đến, đối chiếu với danh mục thủ tục hành chính tham khảo và hướng dẫn của tổ công tác chuyên trách của Chính phủ, Tổ công tác của tỉnh đã tiến hành rà soát thể thức, nội dung từng thủ tục hành chính. Theo kết quả thống kê tại các đơn vị làm điểm, bước đầu phân loại cụ thể như sau: cấp Sở, Ban, Ngành có 991 thủ tục, cấp huyện có 276 thủ tục, cấp xã có 150 thủ tục. Về cơ bản chất lượng các thủ tục đã bảo đảm theo hướng dẫn, yêu cầu đề ra. Từ kết quả thống kê TTHC đó, tổ công tác của tỉnh tiến hành hướng dẫn cho các huyện, xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đối chiếu với kết quả thống kê làm điểm và bổ sung thủ tục hành chính ở cấp huyện, xã đang thực hiện. Sau đó tổ công tác tổng hợp các ý kiến tham gia bổ sung của các đơn vị, xây dựng bộ danh mục thủ tục hành chính chuẩn cấp huyện, xã, trình Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành trên địa bàn tỉnh trong tháng 7.2009. Đến nay các công việc đang trong giai đoạn “nước rút” để hoàn thiện bộ danh mục thủ tục hành chính. Qua thực tế tiến hành rà soát các TTHC thấy có nhiều thủ tục chồng chéo, rườm rà gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận và thực hiện các TTHC. Đề án 30 thực hiện theo hướng đơn giản hóa ngay trong việc ban hành các văn bản quy định thủ tục. Mỗi lĩnh vực chỉ quy về một đầu mối quản lý để tránh chồng chéo. Trong mỗi địa phương, việc quy định thủ tục cho từng vấn đề cũng nhất quán, minh bạch, khoa học, không mâu thuẫn với chính mình và không đề ra các thủ tục khác với Chính phủ, các Bộ, Ngành đã quy định.

Doan dai bieu quoc hoi don gian thu tuc.jpg

Ông Trương Văn Vở, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai cùng các thành viên giám sát việc thực hiệncải cách
thủ tục hành chính tại UBND tỉnh.

     Điều thuận lợi trong thực hiện Đề án 30 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là các cấp, các ngành đang đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Chính vì thế việc rà soát các thủ tục hành chính nhanh chóng và chính xác hơn, nắm bắt được nhu cầu của người dân khi thực hiện các thủ tục. Đồng thời, phần lớn các cán bộ, nhân viên hành chính cấp huyện, cấp xã đã biết sử dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Qua khảo sát tại một số xã được biết cả chính quyền và người dân đều phấn khởi khi biết tỉnh đang quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính. Những người có trách nhiệm giải quyết các thủ tục hành chính cho rằng, khi có bộ thủ tục chuẩn thì họ không còn phải giải thích nhiều mà nhân dân vẫn hiểu và thực hiện đúng các trình tự công việc. Người dân thì cho rằng họ chủ động và tự tin hơn khi giao dịch, giải quyết công việc, giảm sự phiền hà, tiêu cực trong quá trình tham gia các TTHC.

     Đánh giá của Đoàn giám sát đối với UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Đề án 30 của Chính phủ trong thời gian qua: Mặc dù đã được quan tâm, một số thủ tục hành chính đã được đơn giản khá tốt song việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan đến công dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhất là lĩnh vực đất đai và cấp giấy phép xây dựng cho tổ chức, cá nhân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp; Sự phối kết hợp giữa các sở, ngành có liên quan và giữa các phòng, ban chuyên môn cấp huyện thiếu tính đồng bộ; Công tác rà soát thủ tục hành chính nhằm để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung bãi bỏ những thủ tục không cần thiết chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, rà soát. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” còn chậm, chất lượng chưa cao, việc niêm yết công khai thủ tục hành chính chưa đầy đủ, thời gian giải quyết hồ sơ còn kéo dài, nhiều trường hợp trễ hạn. Một số cán bộ được bố trí tại bộ phận một cửa còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ.....

     Tuy việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp theo cơ chế “một cửa” trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện tại 20/20 đơn  vị cấp Sở, 11/11 đơn vị cấp huyện và 171/171 đơn vị cấp xã đạt 100% cả 3 cấp. Nhưng việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” tại 108/171 xã, phường, thị trấn chưa được UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện để có đánh giá tổng quát về hiệu quả của mô hình này từ khi được áp dụng triển khai, thực hiện trong thời gian qua. Việc cấp xã “liên thông” lên cấp huyện mới chỉ dừng lại ở vực đất đai, xây dựng, hiện nay chưa xây dựng được mô hình áp dụng chung của tỉnh.

     Như vậy, việc hoàn thành và công khai trên Internet cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính và toàn bộ các văn bản pháp luật có liên quan trên cơ sở đã được đơn giản hóa theo các tiêu chí về tính hợp lý của thủ tục hành chính. Kết thúc năm 2010, cá nhân hoặc tổ chức trong và ngoài nước có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để tìm hiểu, giám sát việc thực hiện TTHC ở tất cả các cấp chính quyền trong phạm vi toàn quốc, in mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính để khai thay vì phải mua hoặc đến cơ quan hành chính xin mẫu văn bản đó chính là mục tiêu của Đề án 30.

                                                                                 Lưu Thị Hà