Hiệu quả từ dự án trồng mới 5 triệu ha rừng

Đăng ngày: 14/05/2013
​Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đối với dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua đã cho thấy, hiệu quả từ dự án này là rất lớn. Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (gọi tắt là dự án 661) là dự án trọng điểm Quốc gia, được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 661/QĐ-TTg nhằm đầu tư phát triển rừng toàn diện với mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người dân trong và ven rừng; đồng thời gia tăng giá trị thu nhập cho ngành lâm nghiệp.

​      Dự án được triển khai ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập 9 dự án, Ban dự án cơ sở gồm 8 Lâm trường (Nay là Ban quản lý rừng phòng hộ 600, Xuân Lộc, Tân phú, Long Thành, Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa, khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu) và Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An. Tại Đồng Nai còn có 3 dự án của Trung ương gồm Vườn quốc gia Cát Tiên, Công ty liên hiệp La Ngà và đơn vị M09.

     Qua 12 năm thực hiện Dự án 661, tổng vốn đầu tư cho dự án là 39.238.156.​000 đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 17.594.530.000 đồng, vốn ngân sách địa phương 6.520.270.000 đồng, nhân dân đóng góp 15.123.356.000 đồng (chiếm 38,5% tổng vốn đầu tư).

      Về kết quả thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể của dự án, đã thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, các địa phương, các chủ rừng đã quan tâm chỉ đạo đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn chặt phá rừng trái phép. Đồng Nai đã thực hiện nghiêm quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của UBND tỉnh, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng hiện còn, chính quyền các cấp đã từng bước thể hiện trách nhiệm chức năng quản lý nhà nước của mình về rừng và đất lâm nghiệp. Các Ban quản lý rừng thực hiện tinh giản bộ máy quản lý, cải tiến phương thức làm việc, các dự án cơ sở đã ký hợp đồng giao khoán và cấp tiền trực tiếp đến các hộ gia đình để bảo vệ rừng. Công tác phòng chống cháy rừng cũng được tăng cường, các Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy (PCCCR) tỉnh, huyện, xã được thành lập và kiện toàn có quy chế hoạt động, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo công tác PCCCR. Giai đoạn 1999-2005, kinh phí đầu tư cho công tác phòng cháy tăng từ 2,8 tỷ đồng năm 1999 lên 4,5 tỷ đồng năm 2005, diện tích băng cản lửa thực hiện 2.669 ha; giai đoạn 2006-2009, kinh phí đầu tư tăng từ 4,5 tỷ đồng năm 2006 lên 7,1 tỷ đồng năm 2009, diện tích băng cản lửa thực hiện 5.017,29 ha. 

      Về phát triển rừng: diện tích trồng rừng tăng lên đáng kể, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng từ 300- 500 ha rừng, qua 12 năm thực hiện dự án 661, trên địa bàn tỉnh đã trồng mới được 7.047,22 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất, chất lượng rừng khoanh nuôi và rừng trồng ngày càng được nâng lên, tỷ lệ thành rừng đạt trên 95%. Diện tích khoán bảo vệ rừng theo chương trình 661 bình quân hàng năm là 7.230 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt, với diện tích khoán bảo vệ cho trên 3.516 hộ, đã góp phần tạo công ăn viêc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân, cải thiện môi trường sinh thái và phát triển KTXH của tỉnh. Kết quả khoanh nuôi rừng tái sinh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã bổ sung cây gỗ lớn bản địa, mật độ trồng từ 70 đến 100 cây/ha.

      Kết quả trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất: từ năm 1999-2010 các dự án thuộc tỉnh Đồng Nai quản lý đã trồng mới được 7.047,22/6.132 ha, đạt 115% kế hoạch tỉnh giao, trong đó có 4.024,82 ha có nhận vốn hỗ trợ và 3.022,4 ha không nhận vốn hỗ trợ.

      Kết quả thực hiện các hạng mục trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng thực hiện trong thời gian qua tại Đồng Nai là: trồng 4.024,82 ha, chuyển hóa rừng trồng 145,6 ha, khoanh nuôi mới 1.851,9 ha, khoanh nuôi chuyển tiếp 8.650,4 ha, chăm sóc 11.290,78 ha. Độ che phủ rừng và cây rừng tăng hàng năm, như năm 2008 là 28,34%, năm 2009 là 28,4%, năm 2010 dự kiến đạt 29,76%, trong đó các vùng có độ che phủ rừng chung cao nhất là huyện Vĩnh Cửu 59,53%, Tân Phú 51,53% và Định Quán là 35,32%.

      Năm 2010, Dự án 661 sẽ kết thúc, nhưng sự nghiệp trồng rừng ở Đồng Nai vẫn tiếp tục, với việc thực hiện các dự án khác nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển sử dụng rừng liên tục và bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.

                                                                             Nguyễn Thị Phi