Quá trình tiến hành giám sát, đoàn đã xem xét báo cáo của sở Lao động Thương binh và Xã hội về việc thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và công tác chăm lo Tết cho người lao động trong dịp Tết nguyên đán Tân Mão 2011; khảo sát thực tế tại 02 đơn vị sản xuất kinh doanh đại diện cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước: Công ty TNHH Bình Thắng tại huyện Trảng Bom và Công ty TNHH New Việt Nam tại Khu công nghiệp AMATA thành phố Biên Hòa.
Kết quả giám sát cho thấy, thực hiện Nghị định số 107/2010/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 108/2010/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện, sở LĐTB&XH đã xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai Nghị định. Công tác triển khai được tiến hành từ tháng 11 năm 2010 thông qua 04 đợt tập huấn đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình Đồng Nai, báo Đồng Nai, báo Lao động Đồng Nai tổ chức truyền truyền các Nghị định, Thông tư và văn bản hướng dẫn của ngành đến doanh nghiệp, nhân dân và người lao động.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong triển khai thực hiện, sở LĐTB&XH đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương và công bố rộng rãi cho người lao động biết trước 15/12/2010; yêu cầu các doanh nghiệp xét và công khai tiền thưởng cuối năm, giải quyết dứt điểm chế độ nghỉ phép hàng năm cho người lao động, tăng cường đối thoại để tránh xảy ra tranh chấp lao động.
Cùng với công tác triển khai, hướng dẫn, sở LĐTB&XH cũng đã chủ trì tổ chức 04 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, hỗ trợ việc thực hiện các chính sách pháp luật về lao động tại doanh nghiệp. Phối hợp với các địa phương rà soát tình hình và trực tiếp làm việc với 92 doanh nghiệp có phát sinh đơn khiếu nại, thắc mắc để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng Luật lao động, có giải pháp để ngăn ngừa đình công. Ngoài ra, các địa phương cũng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn.
Kết quả đến thời điểm giám sát cho thấy: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh đã thực hiện xong việc điều chỉnh lương; đối với doanh nghiệp nước ngoài chưa xây dựng thang, bảng, lương thì điều chỉnh tăng thêm từ 160.000 đến 400.000 đồng/người/tháng (có 640/940 doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương); doanh nghiệp dân doanh điều chỉnh tiền lương của người lao động từ 150.000 đến 200.000 đồng/người/tháng.
Thời điểm Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán Tân Mão, đây là thời điểm nhạy cảm thường xảy ra các cuộc đình công, khiếu nại của doanh nghiệp nhưng trong năm 2011 này, với công tác triển khai thực hiện có sự chủ động, chu đáo ngay từ đầu đã góp phần vào việc ổn định tình hình, hạn chế đình công, đảm bảo sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn trong thời điểm cuối năm.
Khảo sát thực tế tại hai doanh nghiệp bao gồm: Công ty TNHH Bình Thắng (chế biến gỗ với hơn 450 lao động đang làm việc) và Công ty TNHH New Việt Nam (sản xuất phụ tùng bằng kim loại dùng cho xe ô tô, xe gắn máy tại khu công nghiệp AMTA với hơn 680 lao động đang làm việc) cho thấy một số vấn đề như sau: Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án điều chỉnh lương, tăng lương và thực hiện xong 3 công khai bằng hình thức niêm yết, triển khai đến các tổ sản xuất: Công khai điều chỉnh tiền lương; công khai việc nâng lương, công khai thưởng Tết (bao gồm tiền lương tháng 13 và quà). Ngoài ra, doanh nghiệp còn có những quy định hỗ trợ chi phí tàu xe tạo đìeu kiện cho người lao động về quê ăn Tết đã được người lao động đồng tình. Về mức điều chỉnh lương thì doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước tăng ít hơn (5,7%) so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng từ 22% đến 25 %) và đã đảm bảo thực hiện đúng và vượt quy định về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định 107 và 108.
Từ những kết quả giám sát nêu trên cho thấy: Thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 107/2010/NĐ-CP, Nghị định số 108/2010/NĐ-CP của Chính phủ và công tác chăm lo Tết cho người lao động trong dịp Tết nguyên đán Tân Mão 2011 trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, sự cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp, thể hiện rõ vai trò của ngành Lao động Thương binh và Xã hội trong việc giữ gìn và đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Công tác triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng trình tự, có chú trọng đến công tác tuyên truyền; có sự kết hợp giữa hướng dẫn, chỉ đạo với kiểm tra chấn chỉnh, phối hợp giữa ngành với địa phương và doanh nghiệp đồng thời có sự tập trung phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết các vấn đề phát sinh tại doanh nghiệp làm hạn chế và ngăn ngừa đình công. Tùy thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh tại đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều điều chỉnh lương cho người lao động theo hướng tăng cao bằng hoặc vượt với quy định của Chính phủ. Tại các doanh nghiệp được khảo sát cho thấy: Do thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về bảo vệ quyền lợi đã tạo nên mối quan hệ hài hòa, gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp; tỷ lệ lao động trở lại Công ty làm việc sau Tết hàng năm đạt cao (trên 95%).
Tuy nhiên qua giám sát cho thấy việc điều chỉnh lương tối thiểu và chăm lo Tết nguyên đán cho người lao động vẫn tồn tại những hạn chế như: việc xây dựng hệ thống thang, bảng lương được các doanh nghiệp nhà nước nghiêm túc thực hiện tuy nhiên tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa được thực hiện một cách triệt để (còn 300/940 doanh nghiệp hoạt động chưa xây dựng hệ thống thang, bảng lương mới). Việc nắm tình hình điều chỉnh lương tối thiểu chưa bao quát đến tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn; cụ thể đến thời điểm giám sát mới chỉ có 341 doanh nghiệp có báo cáo kết quả với sở Lao động Thương binh và Xã hội về kết quả triển khai thực hiện. Tình trạng người lao động chưa đồng tình cao với phương án điều chỉnh tiền lương vẫn còn xảy ra, bên cạnh đó là việc một số doanh nghiệp chậm thông báo phương án điều chỉnh lương và thưởng Tết là những nguyên nhân chính dẫn đến 16 vụ tranh chấp lao động trong tháng 01/2011 (tính đến thời điểm giám sát).
Ông Nguyễn Văn Dũng, Ủy viên Thường trực HĐND
tỉnh chủ trì đoàn giám sát tại hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Từ kết quả giám sát nêu trên, Thường trực HĐND tỉnh đã có những kiến nghị đối với sở Lao động Thương binh và Xã hội trong việc tiếp tục truyền truyền, phổ biến Nghị định số 107/2010/NĐ-CP và Nghị định số 108/2010/NĐ-CP của Chính phủ đến người sử dụng lao động và lao động đảm bảo tốt công tác chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện điều chỉnh vùng áp dụng từ ngày 01/7/2011 và rà soát tình hình xây dựng thang, bảng lương của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hướng dẫn việc xây dựng thang, bảng lương theo đúng quy định, đảm bảo mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn đồng thời Thường trực HĐND tỉnh đã có những kiến nghị đối với các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Nghị định 107, 108 đảm bảo sự hài hoà về quan hệ và lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Nguyễn Thị Oanh