Mối quan hệ giữa HĐND tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan

Đăng ngày: 16/05/2013
​Nhiệm kỳ 2004-2011 của HĐND tỉnh Đồng Nai sắp đi qua, trong suốt nhiệm kỳ 7 năm của mình, HĐND tỉnh đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc với 22 kỳ họp, ban hành trên 200 Nghị quyết và thực hiện trên 700 cuộc giám sát trên các lĩnh vực. Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của mỗi đại biểu HĐND tỉnh là sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành, các cấp trong suốt nhiệm kỳ qua.  Tổng kết nhiệm kỳ hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh đã đánh giá về 6 nhóm mối quan hệ cơ bản giữa HĐND với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong nhiệm kỳ, cụ thể như sau.

​      Trong mối quan hệ với cấp ủy Đảng, HĐND các cấp chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy Đảng cùng cấp thể hiện qua thể chế hóa về mặt nhà nước từ Nghị quyết của cấp Ủy bằng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; cấp ủy, Ủy ban mặt trận Tổ quốc và HĐND cùng phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức triển khai thực hiện thực hiện các Nghị quyết của cấp ủy Đảng, HĐND của Ủy ban nhân dân. Đối với những việc làm mang tính đổi mới, đột phá của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp, thể hiện trong Nghị quyết của Đảng bộ lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm và các văn bản chỉ đạo về công tác lựa chọn, bố trí nhân sự đảm bảo cho việc triển khai thí điểm. Trong công tác chuẩn bị nhân sự cho việc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo, lãnh đạo trong việc lựa chọn và giới thiệu các ứng cử viên để bầu vào HĐND theo quy chế về công tác cán bộ của Đảng, sự lãnh đạo đều tuân thủ theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai.

      Sự lãnh đạo của các cấp ủy còn được thể hiện ở chủ trương, đường lối trong các Nghị quyết dài hạn và ngắn hạn. Căn cứ vào nội dung và tinh thần Nghị quyết của  cấp ủy, Thường trực HĐND, các ban HĐND và các đại biểu HĐND vận dụng và cụ thể hóa trong Nghị quyết của HĐND tại các kỳ họp nhằm đảm bảo cho hoạt động HĐND tuân theo quy định của luật tổ chức HĐND và UBND; mọi hoạt động của HĐND đều chấp hành sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo qui định của pháp luật, không có tình trạng cấp ủy Đảng làm thay các công việc của HĐND và ngược lại hoạt động của HĐND không thoát ly sự lãnh đạo của Đảng.

      Với UBND tỉnh, HĐND mối quan hệ được thể hiện trong việc phối hợp chuẩn bị nội dung của các kỳ họp HĐND; xin ý kiến xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; thực hiện các kiến nghị sau giám sát và thông báo kết quả thực hiện; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; công tác tiếp xúc cử tri; công tác triển khai Nghị quyết HĐND, triển khai luật, pháp lệnh và tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật.

      Thực hiện Luật tổ chức HĐND và UBND, tại các kỳ họp, Thường trực UBMTTQ Việt Nam thông báo trước HĐND về việc MTTQ tham gia xây dựng Chính quyền và việc MTTQ giám sát hoạt động của Đại biểu Hội đồng nhân dân. Khi xây dựng các báo cáo về hoạt động HĐND, Thường trực HĐND các cấp luôn gửi cho MTTQ cùng cấp biết về tình hình hoạt động của HĐND cấp mình và nêu những kiến nghị của HĐND với MTTQ, tạo điều kiện cho MTTQ giám sát hoạt động HĐND và đại biểu HĐND. Phối hợp trong việc tổ chức cho đại biểu đi tiếp xúc cử tri, đề đạt nguyện vọng của cử tri để đưa ra thảo luận, quyết định tại kỳ họp. Ngoài ra phối hợp với HĐND theo dõi hoạt động và giúp đỡ đại biểu HĐND thực hiện tốt vai trò, chức năng đại biểu của mình, phối hợp tuyên truyền phổ biến, giám sát việc thực hiện nghị quyết kỳ họp, tổ chức lấy ý kiến cử tri về các dự thảo luật theo yêu cầu.

      Mối quan hệ giữa HĐND tỉnh với Đoàn Đại biểu Quốc hội thể hiện qua việc phối hợp cùng góp ý xây dựng các Dự  án Luật, các văn bản Quy phạm pháp luật, phối hợp giám sát tình hình thực thi pháp luật của địa phương để tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong giám sát gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được giám sát. Ngoài ra Hội đồng nhân dân tỉnh (ban Pháp chế) luôn giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH thống nhất quan điểm xử lý đúng pháp luật đối với một số vụ việc cụ thể thuộc lĩnh vực hoạt động Tư pháp và thực thi pháp luật trên địa bàn.

      Hội đồng nhân dân các cấp phối hợp trong nhiều hoạt động: Kỳ họp, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, giao ban định kỳ... Kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp đều mời và có sự tham dự của đại diện Thường trực HĐND, các Ban HĐND thuộc HĐND cấp liền kề; đại biểu HĐND các  cấp tham dự kỳ họp của HĐND tại địa bàn ứng cử. Quá trình tham dự kỳ họp, các đại biểu đại diện cho các tổ chức HĐND các cấp đóng góp ý kiến thảo luận tham gia vào nội dung, chương trình kỳ họp đồng thời trả lời, giải trình về những vấn đề mình nắm rõ thuộc trách nhiệm chuyên môn góp phần vào việc cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ cho việc quyết định các vấn đề tại kỳ họp.

      Quan hệ phối hợp giám sát giữa HĐND các cấp là quan hệ thường xuyên, nội dung giám sát theo chương trình đã được thông qua. Tùy từng thời điểm, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn các nội dung và có văn bản đề nghị phối hợp giám sát gửi Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã. Sau đợt giám sát có tổng hợp báo cáo kết quả trong pham vi toàn tỉnh để có tổng hợp, kiến nghị chung.

      Một số nội dung đã phối hợp giám sát giữa HĐND ba cấp trong nhiệm kỳ 2004-2011 bao gồm: Giám sát trong các dịp Tết nguyên đán (nội dung phối hợp thường kỳ); giám sát công tác tổng điều tra dân số và nhà ở; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới... Đối với hoạt động giám sát thường xuyên của cấp tỉnh tại địa bàn đều mời đại diện cấp huyện tham gia; giám sát của cấp huyện mời đại diện cấp xã tham gia qua đó giúp cho việc nắm bắt tình hình và đưa ra kiến nghị sâu sát với tình hình thực tế.

      Thông thường tiếp xúc cử tri có sự phối hợp giữa HĐND hai cấp; ngoài ra, tùy vào tình hình cụ thể về thời gian tổ chức kỳ họp HĐND ba cấp có thể thực hiện tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND ba cấp. Lịch tiếp xúc cử tri và tên đại biểu tiếp xúc được thông tin rộng rãi đến nhân dân biết, tham dự. Trong tiếp xúc, đại biểu các cấp đều quán triệt tinh thần coi trọng sự thuận lợi của cử tri hơn thuận lợi của đại biểu; tổ chức tiếp xúc vào buổi tối, vào ngày nghỉ, tiếp xúc ở những khu vực vùng sâu, vùng xa để thu nhận được nhiều nhất những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Quan hệ phối hợp trong tiếp xúc cử tri thông thường được thực hiện giữa HĐND hai cấp (tỉnh và huyện hoặc huyện và xã). Với sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND các cấp ttrong hoạt động tiếp xúc cử tri giúp cho việc xử lý ý kiến cử tri thuận lợi, tránh được tình trạng trùng lắp và trả lời được nhiều nhất những ý kiến, kiến nghị của cử tri ngay tại buổi tiếp xúc.

      Tiếp công dân tại địa bàn ứng cử có sự phối hợp giữa đại biểu HĐND hai cấp: Cấp tỉnh - cấp huyện và cấp huyện - cấp xã. Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cả ba cấp đều thống nhất xử lý bằng hình thức chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, sau đó theo dõi, đôn đốc việc giải quyết; những trường hợp phức tạp, bức xúc, có tác động lớn đến tình hình địa phương thì tổ chức giám sát, khảo sát và có kiến nghị; khi chuyển đơn đồng gửi HĐND tại địa bàn để phối hợp giám sát và đôn đốc giải quyết.

      Hội đồng nhân dân các cấp giữ mối quan hệ trong việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động, tổ chức các Đoàn giám sát, các kỳ họp, tiếp xúc cử tri…Hàng quý, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên tổ chức giao ban với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp dưới để rút kinh nghiệm hoạt động trong thời gian đã qua, tiếp thu những ý kiến phản ánh, đề xuất, thống nhất chương trình làm việc trong quý tiếp theo đặc biệt là việc phối hợp giám sát. 

      Do nhận thấy hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã mà đặc biệt là Hội đồng nhân dân cấp xã còn có những hạn chế, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng cho Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã với 33 lớp trên địa bàn 11 đơn vị hành chính của tỉnh. Các chuyên đề bồi dưỡng bao gồm: Kỹ năng thẩm tra báo cáo dự toán và báo cáo quyết toán ngân sách HĐND cấp xã; Kỹ năng xem xét các văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND cấp xã trong trường hợp trái với Hiến pháp, Luật, các văn bản Quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, công tác tiếp công dân và giám sát của Đại biểu HĐND đối với những đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; Kỹ năng giám sát của Ban HĐND cấp xã(thành lập thí điểm) và kỹ năng tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND cấp xã. 

      Từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2008, tỉnh Đồng Nai duy trì hoạt động giao ban hàng tháng giữa HĐND hai cấp (cấp tỉnh - cấp huyện và cấp huyện - cấp xã). Tuy nhiên từ năm 2009, thực hiện chủ trương của tỉnh về giảm hội họp, đảm bảo cải cách hành chính, Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng đề án giảm hội họp và triển khai thực hiện việc giao ban theo từng quý. Do thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động HĐND (thông qua HĐND điện tử) nên việc giảm số cuộc giao ban không ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.

      Trong mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Pháp chế tổ chức giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân. Hội đồng nhân dân bầu, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân. Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn thẩm phán và Kiểm sát viên cùng cấp. Căn cứ vào kết quả giám sát hoạt động cũng như giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo có liên quan đến lĩnh vực Tư pháp, Thường trực Hội đồng nhân dân có ý kiến đối với việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm đối với Kiểm sát viên và Thẩm phán. 

    Thường trực HĐND tỉnh ký kết quy chế phối hợp giữa HĐND-  UBMTTQ-TAND-VKSND trong việc nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự tại TAND. Thực hiện quy chế này, các cơ quan có trách nhiệm trong việc trao đổi thông tin, cung cấp chứng cứ, nêu ra các kiến nghị đối với việc giải quyết của TAND và đánh giá, tổng kết báo cáo theo định kỳ, đây là một hoạt động phối hợp phù hợp với tình hình cụ thể của địa bàn Đồng Nai.

      Báo cáo tổng kết cả nhiệm kỳ hoạt động của HĐND tỉnh Đồng Nai trình ra kỳ họp thứ 22, kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ sắp tới sẽ tiếp tục xem xét,  thảo luận về việc thực hiện 6 nhóm mối quan hệ nêu trên từ đó rút ra những kinh nghiệm cho nhiệm kỳ 2011-2016 sắp tới.

Nguyễn Thị Oanh