Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn Đồng Nai

Đăng ngày: 30/05/2013
​Sau gần 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường.

​     Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa. Những kết quả trên thể hiện sự đúng đắn trong nhận thức mới của Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001. 

     Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong giai đoạn hiện nay mang ý nghĩa quan trọng và diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, tình hình trong nước có những thuận lợi, khó khăn đan xen; kinh tế - xã hội, văn hoá của đất nước phát triển với nhiều thành tựu quan trọng sau 25 năm đổi mới. Những nội dung tổng kết sẽ là cơ sở để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, những đề xuất nội dung mới cơ bản sẽ bám sát và kế thừa nội dung được định hướng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các văn kiện của Đại hội lần thứ XI của Đảng; phù hợp với xu thế của thời đại, tình hình thực tiễn trong những chặng đường mới của lịch sử xây dựng và phát triển của đất nước. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, hoạt động tổng kết thực tiễn việc thi hành Hiến pháp phải nhận được sự quan tâm đặc biệt.

     Thực hiện Nghị quyết số 06/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐHP ngày 23/8/2011 về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, Thường trực HĐND phối hợp với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc triển khai tổ chức tổng kết Hiến pháp trên địa bàn và đã được các ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện.

     Triển khai thực hiện từ tháng 10 năm 2011, đến cuối tháng 01 năm 2012, Đồng Nai đã hoàn thành báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 gửi Ủy ban sửa đổi Hiến pháp theo quy định trong đó tập trung vào việc đánh giá một cách bao quát, đầy đủ về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND; quá trình hình thành và phát triển của HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai; thi hành quy định của Hiến pháp về tổ chức và mối quan hệ của HĐND, UBND; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc thi hành Hiến pháp từ đó đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992. Tại báo cáo tổng kết của tỉnh đã đánh giá: Tuy có nhiều tiến bộ trong chỉ đạo điều hành, nhưng về tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp còn bộc lộ những khuyết điểm và bất cập.

     Đối với HĐND các cấp, số lượng đại biểu kiêm nhiệm còn chiếm tỷ lệ cao nên việc thực hiện vai trò người đại biểu theo quy định của pháp luật còn hạn chế. Hoạt động giám sát thông qua hình thức xem xét báo cáo đối với một số nội dung chưa thực sự phát huy hết hiệu quả; theo dõi kết quả sau giám sát chưa được chặt chẽ và chưa có chế tài quy định. Một số chức năng của HĐND các cấp bị hạn chế bởi nguyên tắc song trùng trực thuộc. Hoạt động tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức.

     Đối với UBND các cấp, UBND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND các cấp chưa khắc phục tình trạng phải xử lý nhiều công việc mang tính sự vụ, nằm ngoài dự kiến chương trình, kế hoạch hoạt động nên thời gian tập trung cho nghiên cứu chỉ đạo những vấn đề có tầm vĩ mô có phần hạn chế, chưa dành nhiều thời gian cho việc chỉ đạo kiểm tra thực hiện và đi thực tế ở cơ sở. Tính chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp cơ sở chưa theo quy định của pháp luật, mà chủ yếu là tổ chức thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao. Công tác chỉ đạo điều hành giữa UBND với các Sở, ban, ngành, phòng ban chuyên môn và UBND cấp xã, phường, thị trấn khi kiểm tra giải quyết một số vụ phát sinh trên địa bàn chưa kiên quyết, một số nhiệm vụ giải quyết không dứt điểm, để tình trạng tồn đọng công việc; giải quyết khiếu nại, tố cáo kéo dài. Việc phân cấp còn thiếu đồng bộ, chưa phối hợp được giữa các ngành, đặc biệt việc cụ thể hoá các nội dung Nghị quyết 08/2004/NQ-CP  ngày 30/6/2004 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các văn bản pháp luật của Trung ương còn chậm. Công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, cải cách tài chính công có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; nhiều vướng mắc, khó khăn chậm được khắc phục. Đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay tuy về trình độ có được nâng cao, chất lượng được củng cố một bước nhưng còn nhiều bất cập chủ yếu là làm lâu quen việc, vẫn chưa ngang tầm với nhiệm vụ, đặc biệt là cán bộ, công chức cấp xã. Việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước chưa chuyển biến rõ nét. Công tác triển khai thực hiện cơ chế "một cửa" còn khiếm khuyết, việc giải quyết hồ sơ ở một số lĩnh vực có tính nhạy cảm còn chậm, chủ yếu là ở lĩnh vực đất đai và sản xuất kinh doanh tạo ra bức xúc trong dư luận nhân dân. 

     Qua tổng kết thi hành Hiến pháp, tỉnh Đồng Nai rút ra một số bài học kinh nghiệm về đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với các cấp chính quyền,  nguyên tắc tập trung, dân chủ trong cơ quan và trong chỉ đạo điều hành, phát huy vai trò người đứng đầu; xác định rõ ràng trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân; đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; phát huy vai trò của MTTQ, chính quyền cơ sở trong giải quyết công việc cụ thể của dân, gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân đồng thời quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ, công chức.

     Việc tổng kết tiến đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 diễn ra trong bối cảnh những thành tựu, kinh nghiệm của 25 năm đổi mới (1986 - 2011) đã tạo ra cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước. Từ thực tiễn phong phú và những thành tựu đạt được qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đồng Nai đã kiến nghị về tiếp tục kế thừa và phát huy giá trị của Hiến pháp năm 1992 bốn nhóm vấn đề:

     Thứ nhất:  Tư tưởng xuyên suốt về nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Mọi quyền lực thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Đó là một nhà nước dân chủ tiến bộ với việc không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ một cách trực tiếp hoặc thông qua cơ quan đại diện do mình trực tiếp bầu ra.

     Thứ hai: Xuất phát từ bài học trong lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Hiến pháp khẳng định Nhà nước của chúng ta là một nhà nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Vấn đề độc lập, chủ quyền là vấn đề tiên quyết cho việc khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

     Thứ ba: Việc tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc tập quyền, không phân chia theo quan điểm tam quyền phân lập. Quốc hội đóng vai trò trung tâm và là cơ quan tập trung quyền lực nhà nước nhưng có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp tạo thành hệ thống thống nhất của các cơ quan nhà nước. Hoạt động của nhà nước trên cơ sở pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

     Thứ tư: Việc tổ chức quyền lực nhà nước luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản - đội tiên phong và đại biểu trung thành cho quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản được khẳng định tổ chức và hoạt động trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

     Thứ năm: Khẳng định xu hướng có tính quy luật trong việc mở rộng quyền tự do, dân chủ của nhân dân; chính sách hoà bình, hữu nghị và tăng cường giao lưu, hợp tác với các nước trên thế giới; hướng tới mục tiêu chung vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

     Ngoài những nội dung trên, Đồng Nai còn kiến nghị sửa đổi về kỹ thuật trình bày, cấu trúc, lối diễn đạt và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trong đáng lưu ý những kiến nghị trong việc quy định về “Chính quyền địa phương” trong đó đề nghị sửa đổi UBND thành Ủy ban hành chính đồng thời có hai luồng ý kiến khác nhau về HĐND. Ý kiến theo đa số đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành theo đó, HĐND được tổ chức ở cả ba cấp, là cơ quan thực hiện hai chức năng: Quyền lực  và đại diện. Đây là quy định phù hợp với yêu cầu tăng cường dân chủ, tăng cường giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của nhân dân ở địa phương đồng thời phù hợp với chủ trương và những việc làm cụ thể của tỉnh Đồng Nai trong những năm qua trong việc tăng cường và nâng cao năng lực hoạt động của HĐND các cấp. Ý kiến khác nghiêng về chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường do đó đề nghị sửa đổi Điều 119 Hiến pháp năm 1992 theo hướng: “HĐND cấp tỉnh là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND xã, thị trấn là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Chủ tịch HĐND chủ toạ các phiên họp của HĐND; ký chứng thực Nghị quyết của HĐND; chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác của Thường trực HĐND; giữ mối quan hệ với các đại biểu HĐND.”

     Báo cáo tổng kết Hiến pháp của tỉnh Đồng Nai đã được gửi đến Ủy ban sửa đổi Hiến pháp phục vụ cho công tác tổng kết trong phạm vi toàn quốc.

Nguyễn Thị Oanh