Mục đích nhằm tuyên truyền đến từng đối tượng cụ thể để các tầng lớp nhân dân hiểu sâu hơn về nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đồng thời tổ chức việc tiếp nhận và phản ánh đầy đủ, trung thực và khách quan ý kiến của nhân dân góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho đến ngày 30/9/2013.
Yêu cầu xuyên suốt trong quá trình lấy ý kiến là phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, công khai, thật sự khoa học với các hình thức thích hợp; bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Các cơ quan, tổ chức cần triển khai tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tổ chức đảng, đoàn thể, tổ chức lấy ý kiến ở chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên, các chi hội cơ sở, khu công nghiệp, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Việc tuyên truyền phải thực hiện đến từng người dân, từng đối tượng, không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của đảng và pháp luật của nhà nước. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên và tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức và địa phương trong năm 2013. Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thực hiện đối với tất cả các tổ chức và cá nhân (đủ 18 tuổi) đang cư trú, lao động và học tập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Với mục đích, yêu cầu và phạm vi lấy ý kiến rõ ràng, cụ thể như trên, Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh Đồng Nai xác định trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức kiểm tra HĐND, UBND, UBMTTQVN các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, các cơ quan, đơn vị về việc tổ chức triển khai việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chỉ đạo việc tổng hợp ý kiến góp ý, cho ý kiến đối với báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trước khi gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo tại Văn bản số 61/BCĐ ngày 24/01/2013 của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành và Thường trực HĐND tỉnh cùng
tham dự Hội nghị Sơ kết tổ chức lấy kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 từ tháng 01 đến 31/3/2013 và triển khai Kế hoạch thực hiện đến ngày 30/9/2013.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Ban Thường vụ huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, các sở, ngành; HĐND, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác tổ chức, báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại các cơ quan, tổ chức và địa phương.
Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Đồng Nai và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo hệ thống cơ quan mặt trận tổ quốc, các đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tuyên truyền việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; chỉ đạo các Ủy ban Mặt trận tổ quốc, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tổ chức lấy ý kiến đối đoàn viên, hội viên đang cư trú tại địa phương. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo tổ chức công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của công nhân, người lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp đang cư trú tại địa phương.
Trong đợt lấy ý kiến này, cấp xã phải đảm đương một khối lượng công việc lớn, đó là việc trực tiếp tổ chức công tác cấp phát, hướng dẫn điền Phiếu xin ý kiến và tài liệu lấy ý kiến nhân dân đến từng hộ gia đình, từng người dân và công nhân, người lao động, các đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, cơ sở tôn giáo trên địa bàn để lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tổ chức lưu trữ Phiếu xin ý kiến tại cấp xã và tổng hợp kết quả lấy ý kiến góp ý theo Bảng thống kê, gửi UBND cấp huyện để tổng hợp.
Các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả tổ chức lấy ý kiến về Tổ Giúp việc (Sở Tư pháp); trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo Tổ Giúp việc để xem xét, giải quyết. Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý được xây dựng dựa trên hướng dẫn tại Văn bản số 239/UBDTSĐHP ngày 23/02/2013 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bảng tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gửi kèm theo Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý và gửi vào địa chỉ hộp thư điện tử: stp@dongnai.gov.vn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái khen thưởng các tập thể có thành tích
xuất sắc trong đợt lấy kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
(đến 31/3/2013)
Mọi thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, tài liệu hỗ trợ công tác tổ chức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp tại địa chỉ http://stp.dongnai.gov.vn. Trường hợp cơ quan, địa phương hoàn thành sớm việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì báo cáo tổng kết việc thực hiện lấy ý kiến và gửi về Sở Tư pháp - Thường trực Tổ Giúp việc để theo dõi, tổng hợp.
Ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tiếp nhận tại các cơ quan, đơn vị; thông qua các cổng thông tin điện tử và gửi thư góp ý trực tiếp về Sở Tư pháp (Số 2, Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), thư góp ý không phải dán tem, không đóng phí bưu điện (ngoài bì thư ghi “Thư góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992).
Quan điểm chỉ đạo và triển khai thực hiện xuyên suốt quá trình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Thông qua đợt lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hiến pháp và cũng thông qua dịp này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo, nhân dân trong tỉnh và kiều bào Đồng Nai sinh sống ở nước ngoài đã phát huy vai trò, trách nhiệm công dân trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến và đề xuất sửa đổi bổ sung cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nguyễn Thị Oanh