Những khó khăn, hạn chế trong xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình

Đăng ngày: 11/12/2013
​Thời điểm cuối năm đã đến gần, khi nhà nhà lo sắm Tết, những người xa quê chuẩn bị mua vé tàu xe về với gia đình, các cơ quan, doanh nghiệp... lơ là mất cảnh giác, ấy chính là lúc các đối tượng trộm cắp hoành hành, gây mất trật tự và an toàn xã hội. Nhưng đáng lo ngại là, nhiều hành vi phạm tội ít nghiêm trọng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự nên không đủ tính răn đe, dẫn dến khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong cuộc đấu tranh phòng chống các loại hành vi phạm tội này.

​     Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tình hình hoạt động phạm tội ít nghiêm trọng như trộm cắp, đánh bạc diễn ra khá phổ biến và chiếm tỉ lệ cao, 60% so với tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra. Theo thống kê từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2013, số vụ đánh bạc chưa đến mức xử lý hình sự là 899 vụ với 4.086 đối tượng. Số vụ trộm cắp tài sản chưa đến mức xử lý hình sự là 1.520 vụ với 2.190 đối tượng. Theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, một số loại tội danh được điều chỉnh về mức tài sản thiệt hại như: đánh bạc, trộm cắp…giá trị tài sản dưới 2.000.000 đồng thì không bị xử lý hình sự mà xử lý hành chính và áp dụng các biện pháp hành chính. Như vậy, mặc dù không xử lý hình sự được do Luật quy định, nhưng Công an tỉnh đã vận dụng các văn bản quy định để xử lý quyết liệt các đối tượng trên với hai hình thức: Xử lý hành chính hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đặc biệt, cụ thể:

     Về xử lý hành chính: Vận dụng nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Đối với 899 vụ đánh bạc và 1.520 vụ trộm cắp tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, Công an tỉnh đã xử phạt hành chính, nộp kho bạc nhà nước 3,6 tỉ đồng.

DSC04343.jpg
Phó Giám đốc Công an tỉnh trả lời chất vấn tại kỳ họp 7 HĐND tỉnh​ 

     Về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đặc biệt: Vận dụng Nghị định số 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ, từ đầu năm 2010 đến nay UBND các cấp đã ra Quyết định đưa 893 đối tượng vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu tiếp tục tái phạm sẽ lập hồ sơ đưa đi cơ sở giáo dục; Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ, từ năm 2010 đã lập hồ sơ đề nghị và đưa 368 đối tượng vào cơ sở giáo dục và 224 đối tượng vào trường giáo dưỡng.

     Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có những khó khăn và hạn chế nhất định. Cụ thể khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm hoặc tiếp nhận đối tượng do nhân dân chuyển giao, vì hành vi phạm tội giá trị tài sản thiệt hại chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nên theo quy định chỉ xử lý hành chính, trường hợp chưa kịp phản hồi thông tin đến người dân dẫn đến bức xúc trong dân. Bên cạnh đó, Nghị định 163/2003/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng thường trú tại địa phương. Đối với đối tượng ở địa phương khác thì đơn vị xử lý phải có trách nhiệm thông báo và gửi hồ sơ đến nơi cư trú của đối tượng để áp dụng biện  pháp giáo dục tại nơi cư trú. Nhưng trong thực tế thường không kiểm soát được tình trạng trên.

     Bên cạnh đó, Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp, đánh bạc chưa đến mức xử lý hình sự, chỉ phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng. Đối với đối tượng không có tiền đóng phạt thì cũng không có chế tài nào khác ngoài việc đưa vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nếu là đối tượng ở địa phương khác sẽ rất khó khăn. Chưa kể đến việc, từng lúc từng nơi, chính quyền địa phương chưa thấy hết tầm quan trọng trong việc áp dụng các biện pháp hành chính đặc biệt, nên còn coi nhẹ, thiếu kiểm tra đôn đốc các ngành chức năng thực hiện,công an cơ sở lập và lưu hồ sơ ban đầu chưa đầy đủ.

     Chính vì vậy, thực tế các quy định để xử lý đối tượng đánh bạc, trộm cắp tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự là còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nhất định, dẫn đến đối tượng bị xử lý rất dễ tái phạm. Công an tỉnh đã kiến nghị các sở ban ngành, đoàn thể, các cấp cơ sở tham gia phối hợp tích cực để quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng tại xã, phường, thị trấn không để tái phạm; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, cảnh giác, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

                                                                                         Kim Chung