Tìm thị trường tiêu thụ nông sản: Đâu là giải pháp?

Đăng ngày: 20/03/2015
​Hiện nay người nông dân bị tiểu thương ép giá, thường xuyên trong tình trạng được mùa thì mất giá và ngược lại. Hàng hóa do từng hộ nhỏ lẻ cung cấp nên số lượng ít, cung cấp không liên tục, kích thước không đồng đều, chưa sơ chế đóng gói đạt tiêu chuẩn nên mặc dù nhiều hộ đã cố gắng tìm nơi tiêu thụ nhưng chưa thâm nhập vào được các siêu thị và hệ thống chợ đầu mối. Trăn trở trước sự khó khăn của nông dân, tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh vừa qua, đại biểu Đỗ Thị Vương Lan- Tổ Xuân Lộc đã đề nghị Giám đốc Sở Công Thương báo cáo kết quả quản lý nhà nước thời gian qua để đảm bảo cân đối thị trường đầu ra cho nông sản và giải pháp trong thời gian tới. Ông Lê Văn Dành- Giám đốc Sở Công Thương đã trả lời như sau:
 

​     Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển, tuy nhiên cũng có tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, nhất là cây công nghiệp dài ngày. Trong lĩnh vực trồng trọt, sản lượng cây công nghiệp dài ngày hàng năm như: (Cafe 34 ngàn tấn, Cao su trên 40 ngàn tấn, điều trên 50 ngàn tấn, tiêu trên 14 ngàn tấn...) có quy mô sản xuất tập trung nên việc thu mua, chế biến, tiêu thụ khá ổn định và phục vụ tốt cho xuất khẩu; Trong lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Nai cũng là một trong những địa phương có sản lượng gia súc, gia cầm lớn nhất của cả nước, trong đó đàn heo khoảng 1,3 triệu con, gia cầm khoảng trên 11 triệu con...

     Các loại cây ăn quả lâu năm khá đa dạng, sản lượng hàng năm tương đối lớn, cụ thể như: (sầu riêng khoảng 25 ngàn tấn, chôm chôm khoảng 150 ngàn tấn, xoài trên 60 ngàn tấn, cam, quýt trên 61 ngàn tấn....); sản lượng rau màu các loại khoảng trên 190 ngàn tấn.. Nhưng chủ yếu do từng hộ sản xuất nhỏ lẻ, số lượng ít, cung cấp không liên tục, kích thước không đồng đều, chưa sơ chế đóng gói đạt tiêu chuẩn nên mặc dù nhiều hộ đã cố gắng tìm nơi tiêu thụ nhưng chưa thâm nhập vào được các siêu thị và hệ thống chợ đầu mối. Mặt khác, việc thiết lập mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua còn nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa” thường xuyên diễn ra ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của bà con nông dân.

     Trong thời gian qua, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại trên địa bàn, Sở Công Thương đã xây dựng và trình duyệt Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai các Đề án sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả an toàn, Đề án quy hoạch vùng trồng điều tập trung, Đề án phát triển giống, cây, con chủ lực, Đề án Quy hoạch Nông nghiệp các huyện... 

DSC05901.JPG
Đại biểu Đỗ Thị Vương Lan đặt câu hỏi chất vấn đối với Giám đốc Sở Công thương​
 

     Việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hàng năm Sở Công Thương chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên minh các HTX và Hội Nông dân và các ngành, địa phương xây dựng và triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại cho lĩnh vực nông nghiệp như: tổ chức hội thảo, kết nối giao thương, hội chợ triển lãm... Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình hợp tác kinh tế với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh, giữa 02 Sở của 02 địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ một số doanh nghiệp, HTX, trang trại, doanh nghiệp chế biến có sản phẩm chứng nhận GAP, GLOBAL GAP, chương trình xúc tiến đã hỗ trợ các đơn vị tham gia giao thương với các nhà nhập khẩu nước ngoài của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… để tìm kiếm đối tác. Các mặt hàng như chôm chôm, sầu riêng của Công ty DonaTechno; rau Trường An;  xoài của HTX Suối Lớn, trái cấy sấy khô của DNTN Thuận Hương, Quỳnh Anh đã có hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm.

     Kết quả, những năm qua Sở Công Thương đã tổ chức 18 phiên chợ Hàng Việt phục vụ công nhân (có 388 lượt đơn vị tham gia với 807 gian hàng, doanh thu đạt 9.439 triệu đồng, khách đến tham quan mua sắm ước đạt 184.000 lượt người); tổ chức 67 phiên chợ hàng Việt về nông thôn (có 1.051 lượt doanh nghiệp tham gia 2.224 lượt gian hàng, doanh thu đạt 20.397 triệu đồng); tổ chức 31 chuyến hàng Việt phục vụ công nhân vào nhà máy và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (Bình quân mỗi chuyến hàng Việt thu hút khoảng 132.000 lượt công nhân đến tham quan mua sắm, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng); tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, Tuần hàng Việt Nam,... nhằm thực hiện phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Lượng khách đến tham quan mua sắm ước đạt 1.200.000 lượt người, doanh thu tại hội chợ đạt 145 tỷ đồng, ngoài ra các doanh nghiệp còn mở được 42 điểm phân phối, đại lý mới; phối hợp Sở Công Thương TP.HCM tổ chức kết nối đưa nông sản, thực phẩm của các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân Đồng Nai vào các kênh phân phối của TP.HCM (các siêu thị, trung tâm thương mại và 03 chợ đầu mối: Thủ Đức, Tân Xuân, Bình Điền); tổ chức 0hương trình “Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt heo, gia cầm và trứng vào kênh tiêu thụ truyền thống”, Đưa sản phẩm an toàn vào bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp”. Kết quả, một số doanh nghiệp đã ký kết bản ghi nhớ về cung cấp sản phẩm an toàn vào các công ty, nhà máy có bếp ăn, suất ăn công nghiệp với giá cả, chất lượng ổn định, đồng thời cũng ký được một số hợp đồng mua bán trứng, các sản phẩm được làm từ thịt heo của 02 đơn vị Gà Thanh Đức, nhà máy D&F; tổ chức một số hội nghị kết nối, gặp gỡ giữa các hộ nông dân và các ngân hàng thương mại nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực vay vốn tín dụng, ngân hàng. Kết quả, hỗ trợ 02 đơn vị chăn nuôi có vay vốn với lãi suất giảm từ 11% xuống còn 9% và tiếp nhận được 15 hồ sơ với số tiền giải ngân khoảng 10 tỷ đồng.

     Tuy nhiên, do thực trạng sản xuất nông nghiệp phân tán, nhỏ lẻ, sản lượng hạn chế, chất lượng không đồng đều; nhưng yêu cầu từ phía các nhà phân phối (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối...) phải giao hàng trước thanh toán sau, hàng hóa phải có truy xuất nguồn gốc, chất lượng đảm bảo... nên rất ít các mặt hàng rau quả vào được siêu thị. Hiện nay, mới chỉ có rau an toàn của HTX Trảng Dài, Trường An; trứng gà của DNTN Thanh Đức; thịt gia súc, gia cầm của Nhà máy D&F, Công ty Bình Minh và Cty Anh Hoàng Thi đưa vào kinh doanh trong hệ thống các siêu thị. Trong tháng 9/2013, tại chương trình kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm an toàn, siêu thị Big C dự kiến sẽ tiến hành khảo sát 17 đơn vị để liên kết cung ứng sản phẩm trong thời gian tới.

     Trước thực trạng trên, ngành công thương rất chia sẻ với người nông dân, HTX, CLB năng suất cao, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặc dù Sở Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối tìm đầu ra cho nông sản trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cả nước nói chung, của tỉnh Đồng Nai nói riêng hầu hết mang tính cá thể, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng; do thói quen mua liền, bán liền (giao hàng xong, nhận tiền ngay), thiếu sự liên kết, hợp tác trong sản xuất – đóng gói – giết mổ, chế biến – tiêu thụ nông sản phẩm; số doanh nghiệp, HTX, CLB năng suất cao, hộ nông dân năng lực tham gia chương trình xúc tiến thương mại còn hạn chế nên khó khăn trong việc tiếp cận tìm kiếm đầu ra. Bên cạnh đó còn do sự liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ, chưa thiết lập được mối quan hệ cung cầu vững chắc theo hợp đồng, dẫn đến giá cả không ổn định. Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thời gian qua chủ yếu thông qua hệ thống thương lái, qua nhiều tầng nấc, gây ra tình trạng ép giá… Nhiều doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại xuất khẩu nông sản, không gắn với vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đầu tư, cung ứng vốn, giống, kỹ thuật… trên sản phẩm với hộ nông dân; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cạnh tranh không lành mạnh về giá và không bảo đảm chất lượng nông sản.  

     Để từng bước nâng cao hiệu quả việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm trong nghiệp trong thời gian tới, Sở Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các giải pháp như tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông qua các chương trình, đề án thời gian qua. Bên cạnh đó phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Đề án phát triển thương mại nông thôn, theo đó đến 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành 04 chợ đầu mối (nông sản, trái cây, rau quả, tổng hợp) tại các địa phương Định Quán (cho cụm Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất), Long Khánh (cho cụm Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ), Biên Hòa, Long Thành.

     Trên cơ sở một số nội dung đã thực hiện có hiệu quả, thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các Đề án thuộc ngành nông nghiệp, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xúc tiến thương mại. Sở Công Thương dự kiến thí điểm tổ chức chương trình bán hàng tại chợ, nhằm hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất sản phẩm an toàn bán hàng trực tiếp tại các chợ và chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vào chợ đầu mối tại các tỉnh. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ nông dân tham gia các chương trình giao thương, tiếp xúc các nhà nhập khẩu nước ngoài để hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận GAP, GLOBAL GAP tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

     Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với ngành nông nghiệp, các địa phương triển khai chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo quy hoạch gắn với chế biến, tiêu thụ, mô hình chuỗi khép kín, sản xuất hàng hóa đảm bảo số lượng, chất lượng, đồng bộ, truy xuất được nguồn gốc. Phối hợp triển khai phương án thành lập các Công ty thương mại dịch vụ, mạng lưới hệ thống phân phối nội địa củng cố và nâng cao hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ…. đây chính là một trong những mắt xích của chuỗi liên kết thông qua thực hiện việc tư vấn kỹ thuật sản xuất, cung ứng vật tư, dịch vụ nông nghiệp, thu mua sản phẩm… cho nông dân.

     Để thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành, Sở cũng đẩy mạnh công tác xây dựng và triển khai quy hoạch hình thành vùng sản xuất hàng hoá nông sản tập trung, chuyên canh, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường... Định hướng tập trung sản xuất những cây trồng vật nuôi có thị trường và năng suất cao, giá thành hạ để nâng cao sức cạnh tranh.

                                                                                 Kim Chung