Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật về hội, nhiều ý kiến tán thành việc cho phép người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp cụ thể nhằm bảo đảm việc triển khai thực hiện Công ước về quyền con người mà Nhà nước ta đã tham gia và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay. Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Đoàn Đồng Nai) băn khoăn về nhóm đối tượng là người Việt Nam định cư tại nước ngoài có được tham gia thành lập hội khi họ có quốc tịch Việt Nam hay không và đối với các hội do cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài thành lập thì Luật này điều chỉnh như thế nào, đại biểu Khánh đề nghị cần phải làm rõ hơn nữa phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Đồng thời, đại biểu Khánh cho rằng cần phải có quy định những hành vi bị cấm đối với quá trình vận động, thành lập và vận hành các hội và có những quy định thật cụ thể về biểu tượng (logo), biểu ngữ, khẩu hiệu của các hội...

ĐBQH Bùi Xuân Thống phát biểu tại buổi thảo luận Tổ.
Đối với điều kiện thành lập hội, theo đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn Đồng Nai) thì quy định về điều kiện được thành lập hội phải có từ 03 thành viên trở lên là chưa hợp lý, vì với số lượng thành viên như thế là quá ít, với điều kiện như vậy thì số lượng hội thành lập sẽ rất lớn, từ đó gây khó khăn trong việc quản lý các hội này.
Về chính sách đối với hội, dự thảo luật nêu rõ các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước, được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động; đối với các hội còn lại tự trang trải kinh phí hoạt động và được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ Nhà nước giao. Đại biểu Nguyễn Văn Khánh đề nghị trong dự thảo luật phải phân loại rõ các loại hội, các loại hội nào phải xin phép thành lập, các loại hội nào thì không cần phài xin phép. Các chính sách về hội sẽ căn cứ vào nhiệm vụ, nội dung hoạt động của các hội mà thực thi, áp dụng.
* Cho ý kiến về Dự thảo Luật dược (sửa đổi), Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, trong quản lý Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược nếu quy định giấy chứng nhận kinh doanh có thời hạn 05 năm thì rất khó khăn cho doanh nghiệp vì quá trình chuẩn bị thủ tục, xin giấy phép đầu tư phải tiến hành qua nhiều giai đoạn, thời gian và công sức. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa đi vào kỳ kinh doanh ổn định thì giấy phép đã hết hạn và buộc phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, điều này làm ảnh hưởng đến sự ổn định trong sản xuất của doanh nghiệp. Đại biểu Hằng đề nghị nghiên cứu, kéo dài thời hạn của giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược để các doanh nghiệp yên tâm, tạo môi trường kinh doanh ổn định và kích thích sản xuất, thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Đại biểu Hồ Văn Năm (Đoàn Đồng Nai) đề nghị bổ sung hành vi bị cấm theo hướng người hành nghề khám chữa bệnh thì không được kinh doanh dược nhằm đảm bảo sự khách quan trong sản xuất, kinh doanh và bảo vệ sức khỏe người bệnh. Đối với các trường hợp kinh doanh dược gây hậu quả nghiêm trọng tới người bệnh thì phải quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự dựa theo mức độ nghiêm trọng gây ra. Đại biểu Năm đề nghị Luật phải có quy định bắt nuộc các cơ sở kinh doanh dược kê khai, niêm yết giá thuốc một cách công khai và rõ ràng...
Các nội dung về phát triển công nghiệp dược và những lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp dược, về thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược ( 05 năm hay chỉ cấp một lần) và các nội dung liên quan quản lý nhà nước về giá thuốc được các đại biểu quan tâm phát biểu làm rõ.
Trước đó, sáng 19/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật an toàn thông tin mạng và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đấu giá tài sản.
Hôm nay, 20/11, Quốc hội sẽ thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Kế toán (sửa đổi). Tiến hành thảo luận ở hội trường dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo và dự thảo nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại và việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đối Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới.
Đức Nhuận