Đảng và Nhà nước luôn coi trọng sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (Khóa XI) của Đảng cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước đều tiếp tục khẳng định phát triển KH&CN cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ của địa phương tới năm 2020. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đồng Nai có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức khoa học, công nghệ, các nguồn lực và kinh nghiệm tổ chức quản lý tiên tiến của nước ngoài để nhanh chóng tăng cường năng lực KH&CN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quá trình đổi mới đất nước, của vùng đã tạo ra những tiền đề mới cho sự phát triển KH&CN của Đồng Nai trong thời gian tới. Kinh tế Đồng Nai có tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong thời gian tới là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển KH&CN, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ và ứng dụng thành tựu KH&CN trong kinh tế, nhất là trước sức ép về cạnh tranh trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu vào khu vực và quốc tế. Công trình trọng điểm quốc gia đầu tư ở Đồng Nai, đặc biệt là sân bay quốc tế Long Thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thứcđẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa cả nước nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng.
Đoàn giám sát của UBTW MTTQ Việt Nam tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai
Bên cạnh những cơ hội là những thách thức lớn đối với sự phát triển KH&CN Đồng Nai hiện nay là phải nâng cao nhanh chóng năng lực KH&CN để thực hiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa rút ngắn, trong điều kiện kinh tế còn nghèo, vốn đầu tư hạn hẹp, trình độ phát triển kinh tế về KH&CN còn có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Trong xu thế phát triển của kinh tế tri thức, lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, giá lao động rẻ dần nhường chỗ cho lợi thế về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo. Đồng Nai, nếu không sớm chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kỹ năng của lực lượng lao động thì sẽ không có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư và các công nghệ tiên tiến từ bên ngoài. Trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế và KH&CN, Đồng Nai đang đứng trước những khó khăn về tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; về cơ chế thương mại, tài chính. Ngân hàng, sở hữu trí tuệ,v.v…phù hợp với thông lệ quốc tế. Tình trạng này nếu không sớm vượt qua sẽ cản trở sự thành công của quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Trước những cơ hội và thách thức trên đây, nếu không có những quyết sách đột phá về đổi mới thể chế kinh tế và đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, những biện pháp mạnh mẽ tăng cường năng lực KH&CN ngày càng xa và tình trạng lệ thuộc lâu dài vào nguồn công nghệ nhập là khó tránh khỏi.
Nguyễn Bình