Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Trảng Bom, những vấn đề cần quan tâm

Đăng ngày: 04/08/2017
  ​Thực hiện chương trình công tác quý IV/2016, Đoàn giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Trảng Bom do bà Nguyễn Thị Nga, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Trảng Bom làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. 
 

​Trong 9 tháng năm 2016, UBND huyện Trảng Bom đã ban hành kế hoạch cụ thể để chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, quan tâm, chỉ đạo công tác tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động, các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm cho người dân về việc bảo vệ môi trường. UBND huyện đã triển khai thực hiện nhân rộng chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế và thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về nhà máy xử lý theo quy định; thực hiện công tác di dời các cơ sở chăn nuôi, giết mổ không đúng quy hoạch vào vùng khuyến khích và phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung của huyện để quản lý nguồn phát thải chặt chẽ, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn; thành lập Ban chỉ đạo di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và phải di dời theo quy hoạch đô thị trên địa bàn huyện. Kết quả đến nay đã có 32/44 cơ sở thuộc danh sách di dời theo quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 28/3/2012 đã ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm khác. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tăng cường công tác phòng chống dịch hại vật nuôi; phối hợp xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm đều được UBND huyện thực hiện theo quy định, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường (quá đó, đã tiến hành xử lý 23 trường hợp với tổng số tiền là 134,5 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 5.541 kg sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, kiểm tra 22 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). 

 Công tác thanh, kiểm tra về môi trường cũng được UBND huyện thường xuyên, chỉ đạo, định kỳ tổ chức kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sản xuất kinh doanh. Kết quả UBND huyện đã tổ chức kiểm tra tại 30 cơ sở sản xuất kinh doanh, 41 trường hợp theo đơn thư phản ảnh của người dân và ý kiến cử tri, báo chí trong lĩnh vực môi trường - nước - khoáng sản. Qua kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 40 trường hợp, thu nộp ngân sách 203.500.000 đồng, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiến hành kiểm tra 30 doanh nghiệp trên địa bàn.

112-7.jpg
Đại diện đơn vị được giám sát báo cáo với Đoàn giám sát​
 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục như: Việc tuân thủ pháp luật về môi trường của các cơ sở, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về môi trường; việc xử lý một số vụ việc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm; công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa triệt để, vẫn còn phát sinh nhiều bãi rác tự phát ảnh hưởng đến chất lượng môi trường; việc đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải chưa tương xứng với mức độ gia tăng chất thải; cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Hố Nai đã lấp đầy nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước thị trấn Trảng Bom chưa đồng bộ, chưa quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho thị trấn; tiến độ thực hiện công tác di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vẫn chưa đảm bảo thời gian theo quy định; việc thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi, giết mổ vào vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung chưa được thực hiện theo đúng lộ trình; công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn chưa đi vào chiều sâu; việc để lại 20% trên tổng số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thu được cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (theo phân cấp) như hiện nay là không đủ trang trải chi phí cho việc thu phí và hiện vẫn chưa có kinh phí để xử lý đối với các loại chất thải nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình.

Thông qua các ý kiến trao đổi, thảo luận của đoàn giám sát và báo cáo giải trình, bổ sung của UBND huyện, bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đã được trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện trong thời gian qua; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải tại KCN Giang Điền, bố trí vốn để thực hiện hệ thống thoát nước từ khu phố 4 đến Suối đá, thị trấn Trảng Bom theo kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2016 đã đề ra; chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Cửu sớm xử lý rác tại bãi rác Tân An để UBND huyện Trảng Bom xử lý dứt điểm phần nước chảy ra từ bãi rác này ở địa bàn xã Bắc Sơn và xem xét, làm việc với chủ dự án khu xử lý rác Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu có giải pháp để đảm bảo về môi trường cho các hộ chăn nuôi tại khu chăn nuôi tập trung của huyện Trảng Bom. Đối với UBND huyện Trảng Bom cần tập trung thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo các tiêu chí về môi trường gắn với việc xây dựng nông thôn mới; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ môi trường; tiến hành di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo Quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 28/3/2012 và Quyết định số 2572/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 của UBND tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát tình hình thực tế tại địa bàn để có những giải pháp xử lý nghiêm và giải quyết dứt điểm, không để kéo dài đối với các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; chỉ đạo thực hiện tốt chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; có giải pháp giải quyết triệt để các bãi rác tự phát trên địa bàn huyện; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường để đảm bảo công tác xử lý chất thải; xem xét việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Hố Nai và thị trấn Trảng Bom; tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi, giết mổ vào vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung theo đúng lộ trình, trong đó tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các vùng khuyến khích.

Ngọc Diệp