Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Đăng ngày: 04/08/2017
​Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trên cơ sở kết quả tổng kết công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2016, chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và thực tiễn công tác cải cách tư pháp ở địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Chương trình bao gồm một số nội dung trọng tâm sau:
 

​1. Về hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp 

- Tiếp tục nghiên cứu hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp, nhất là các quy định của pháp luật hình sự, dân sự, hành chính; phát hiện những thiếu sót, bất cập của pháp luật để đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, khu vực và thế giới. 

- Tổ chức triển khai, quán triệt rộng rãi đến cán bộ công chức, đảng viên và nhân dân những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành. Tổ chức tập huấn chuyên sâu cho lực lượng Công an, Kiểm sát, Tòa án nắm vững những quy định mới của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam…và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành liên quan đến lĩnh vực tư pháp khi có hiệu lực thi hành để thực hiện đúng quy định. 

2. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp

- Thực hiện mô hình tổ chức Cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, hướng về cơ sở; kết hợp chặt chẽ giữa công tác trinh sát và hoạt động điều tra tố tụng hình sự. Củng cố, kiện toàn bộ máy cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng nhà thi hành án tử hình và trang bị phương tiện cho việc thi hành án tử hình của tỉnh theo quy định của Luật thi hành án hình sự. 

- Tổ chức triển khai thực hiện mô hình tổ chức, bộ máy Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014; khẩn trương triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành; kịp thời kiện toàn tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của Tòa án; tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cơ chế thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân theo quy định của Hiến pháp; nâng cao hiệu quả việc thực hiện chức năng công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát; hoàn thiện cơ chế, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là từ phía nhà nước tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập, xác minh chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

- Tổng kết việc thi hành pháp luật và tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật về thi hành pháp luật cho phù hợp với tình hình mới. Củng cố, kiện toàn tổ chức Cơ quan thi hành án dân sự đảm bảo đủ khả năng thi hành các bản án đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao; hạn chế và giảm các vụ việc tồn đọng phải chuyển sang kỳ sau. Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước (Thừa phát lại) thực hiện một số công việc thi hành án. 

3. Về hoàn thiện chế định Luật sư và bổ trợ tư pháp

- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển Luật sư đến năm 2020, đảm bảo đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn và kiến thức chuyên sâu; tạo điều kiện để Luật sư tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát, Tòa án tỉnh trong các giai đoạn tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật và tổ chức tổng kết thực tiễn thi hành; đồng thời tăng cường sự quản lý nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức, hoạt động của Luật sư.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp, có cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội vào hoạt động giám định, khuyến khích người có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.

- Tiếp tục triển khai thực hiện phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”; đảm bảo quyền lợi cho công chức, viên chức trong các phòng công chứng khi thực hiện chuyển đổi sang văn phòng công chứng; tiếp tục thực hiện xã hội hóa đối với lĩnh vực công chứng; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng. 

- Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế định Thừa phát lại; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động Thừa phát lại, nhất là các địa phương đã thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về tình hình, kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh để tạo cơ sở pháp lý phát triển chế định Thừa phát lại trong những năm tiếp theo.

4. Về xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp 

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, nhất là việc kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ có chức danh tư pháp (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên).

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, tài vào làm việc tại các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp; xây dựng đề án mở rộng nguồn bổ nhiệm và cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Thực hiện chế độ, chính sách tiền lương, khen thưởng phù hợp với lao động đặc thù của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, chính sách ưu tiên, khuyến khích cán bộ, công chức đến làm việc ở vùng sâu, vùng xa, những nơi kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn.

- Tăng cường phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ công tác tư pháp cho cán bộ, công chức thực hiện công tác tư pháp có đầy đủ kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức nhất là đối với các chức danh tư pháp, gắn với việc điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác. 

5. Về hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp

- Chỉ đạo triển khai thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện có hiệu quả việc giám sát hoạt động tư pháp. Tăng cường tiếp xúc cử tri để lắng nghe ý kiến của cử tri; tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp, nhất là việc chấp hành pháp luật người đứng đầu các cơ quan tư pháp.

- Tập trung làm tốt công tác phát động, vận động nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động, nhằm góp phần cùng với các cơ quan tư pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, cũng như phát hiện những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động tư pháp, qua đó kiến nghị với các cơ quan tư pháp khắc phục, sửa chữa.

- Định kỳ tổng kết chuyên đề về công tác giám sát tư pháp của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, các nội dung tăng cường hợp tác quốc tế; bảo đảm cơ sở vật chất; hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng và công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp cũng là nội dung được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm trong giai đoạn 2016-2021.


Trọng Huy