Thẩm tra các báo cáo do UBND trình HĐND cùng cấp về tài chính - ngân sách

Đăng ngày: 04/08/2017
​Nghị định số 31/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã hướng dẫn quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương, kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm địa phương, lập dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách địa phương hằng năm.
 

​Nghị định quy định rõ căn cứ, yêu cầu và nội dung lập báo cáo kế hoạch, dự toán, phân bổ, quyết toán; trách nhiệm của các cơ quan trong việc lập báo cáo; quy định việc thẩm tra báo cáo và HĐND quyết định và phê chuẩn các báo cáo. Cụ thể, về nội dung thẩm tra:

Ban kinh tế - ngân sách (Ban kinh tế - xã hội) của HĐND chủ trì xem xét, thẩm tra các báo cáo do UBND trình Thường trực HĐND, HĐND cùng cấp về tài chính - ngân sách sau:

1. Thẩm tra kế hoạch tài chính 05 năm địa phương:

a) Thẩm tra kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về tài chính - ngân sách địa phương 05 năm giai đoạn trước; tình hình và kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, các chủ trương, định hướng lớn về tài chính - ngân sách nhà nước;

b) Thẩm tra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính - ngân sách nhà nước; các định hướng lớn về tài chính, ngân sách nhà nước; số thu và cơ cấu thu nội địa, thu dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, số chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, chi thường xuyên; định hướng về bội chi ngân sách địa phương; tổng mức vay của ngân sách địa phương, dư nợ vay và trả nợ của địa phương, tỷ lệ dư nợ so với giới hạn vay nợ của địa phương; danh mục các dự án, công trình, tổng mức vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước; các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm địa phương giai đoạn sau;

c) Thẩm tra sự cần thiết, tác động đến tình hình kinh tế - xã hội và việc đảm bảo an toàn nợ công trong trường hợp phải lập lại hoặc điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm địa phương (nếu có).

2. Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương:

a) Thẩm tra tình hình triển khai và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương giai đoạn trước; việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương điều chỉnh (nếu có);

b) Thẩm tra về mục tiêu, định hướng đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước của địa phương, khả năng huy động và cân đối các nguồn vốn;

c) Thẩm tra về nguyên tắc, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương vốn ngân sách nhà nước;

d) Thẩm tra về tỷ lệ và nguyên tắc sử dụng khoản dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương (nếu có);

đ) Thẩm tra danh mục dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu;

e) Thẩm tra các giải pháp, chính sách chủ yếu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương;

g) Thẩm tra về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương (nếu có).

3. Thẩm tra dự toán ngân sách địa phương:

a) Thẩm tra về đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm hiện hành và những nội dung cơ bản tổ chức thực hiện các giải pháp tài chính - ngân sách theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân;

b) Thẩm tra dự toán ngân sách địa phương: Mục tiêu, nhiệm vụ thu, chi ngân sách địa phương; các căn cứ, yêu cầu xây dựng dự toán ngân sách;

c) Thẩm tra bội chi ngân sách địa phương, phương án vay bao gồm: Vay bù đắp bội chi, vay trả nợ gốc và khả năng cân đối nguồn trả nợ của ngân sách địa phương về các nội dung: Sự cần thiết phải vay, mức vay, phương thức, thời gian vay, lãi suất, phương án sử dụng tiền vay và mức trả nợ hằng năm.

4. Thẩm tra phương án phân bổ ngân sách địa phương:

a) Thẩm tra về nguyên tắc phân bổ, tính công bằng, hợp lý và tích cực của phương án phân bổ ngân sách địa phương; đảm bảo ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, địa phương trong từng thời kỳ;

b) Thẩm tra căn cứ, cơ sở xác định số bổ sung cân đối ngân sách địa phương đối với năm đầu thời kỳ ổn định, số bổ sung có mục tiêu cho từng địa phương cấp dưới hằng năm.

5. Thẩm tra quyết toán ngân sách địa phương: Kết quả thu, chi và cân đối ngân sách địa phương so với dự toán được HĐND quyết định, bao gồm cả dự toán điều chỉnh trong quá trình điều hành (nếu có); số dự toán chi được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; tính chính xác, tính hợp pháp, đầy đủ của quyết toán ngân sách địa phương.

Về tổ chức thẩm tra

1. Ban KT-NS (Ban KT-XH) của HĐND tổ chức thẩm tra các báo cáo với sự tham dự của UBND và các cơ quan liên quan.

Các Ban có liên quan của HĐND có ý kiến chính thức về lĩnh vực phụ trách; nêu rõ những nội dung nhất trí, những nội dung nhất trí nhưng đề nghị báo cáo rõ thêm, những nội dung chưa nhất trí và những kiến nghị.

2. Các cơ quan có liên quan của UBND có trách nhiệm báo cáo bổ sung những vấn đề tiếp thu, những vấn đề thuyết minh, giải trình làm rõ thêm để đi đến thống nhất, những vấn đề cần nghiên cứu, giải trình sau bằng văn bản. Báo cáo tiếp thu hoặc giải trình bằng văn bản phải gửi đến Ban KT-NS (Ban KT-XH)  của HĐND.

3. UBND nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của các Ban thuộc HĐND, hoàn chỉnh các báo cáo để trình Thường trực HĐND. Ban KT-NS (Ban KT-XH)  tổng hợp ý kiến của các Ban khác có liên quan lập báo cáo thẩm tra để trình Thường trực HĐND. Báo cáo thẩm tra gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Những nội dung và số liệu thống nhất với báo cáo của UBND;

b) Những nội dung và số liệu đề nghị báo cáo rõ thêm hoặc còn có ý kiến khác với báo cáo của UBND;

c) Ý kiến nhận xét về báo cáo của UBND;

d) Những kiến nghị, đề xuất;

Trường hợp còn có ý kiến khác nhau thì Ban KT-NS (Ban KT-XH)  và UBND trao đổi, làm rõ những nội dung còn khác nhau trình Thường trực HĐND xem xét, cho ý kiến trước khi trình HĐND.

Căn cứ báo cáo thẩm tra của Ban KT-NS (Ban KT-XH) và báo cáo giải trình của UBND, HĐND thảo luận và quyết định.

Nghị định số 31/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 5 năm 2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017 đối với việc lập, thẩm tra, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm; từ năm ngân sách 2018 đối với việc lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương; từ năm ngân sách 2021 đối với việc lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương và kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương.

Kim Thắm