1. Từ quy định của Luật
Có thể nói giám sát Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân là một nhiệm vụ mới và khó. Mới bởi lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật và chưa có tiền lệ. Khó bởi trong 5 chủ thể giám sát thì cách thức tiến hành, địa vị pháp lý, điều kiện bảo đảm không rõ; mối liên kết các thành viên trong chủ thể Tổ cũng thiếu sự chặt chẽ so với các chủ thể khác. Về phạm vi giám sát lại rất rộng vì Luật quy định Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp tại địa phương hoặc về các vấn đề do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công; tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện hoạt động giám sát. Về cách thức tiến hành, trong khi Luật quy định rất rõ đối với các chủ thể khác (Thường trực, các ban) từ việc xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định thành lập đoàn, báo cáo và kết luận sau giám sát đồng thời các chủ thể này có quyền sử dụng con dấu của HĐND thì với Tổ đại biểu, cũng có quy định về trách nhiệm thông báo nội dung, kế hoạch giám sát cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là 07 ngày trước ngày bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát; mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia giám sát nhưng thông báo và mời bằng cách nào thì Luật lại bỏ ngỏ. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là Tổ đại biểu HĐND sẽ giám sát ở đâu (cấp tỉnh hay cấp huyện) và giám sát nội dung gì là một việc băn khoăn cần phải bàn.
2. Từ thực tế ở Đồng Nai và “bàn tay” Thường trực HĐND
Năm 2008, Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ năm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã dành sự quan tâm chỉ đạo đối với việc thí điểm nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Từ năm này, 4/11 tổ đại biểu của HĐND tỉnh Đồng Nai triển khai hoạt động giám sát; đến năm 2011 triển khai đến tất cả các tổ đại biểu và ổn định đến nay. Đây được xem như là một cách thức để tìm ra phương pháp hoạt động hợp lý đưa Tổ đại biểu và đại biểu hoạt động có hiệu quả, đảm bảo hoạt động HĐND phát huy được sức mạnh tổng hợp của Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu; tăng cường sự liên kết, mối quan hệ giữa các thành viên trong Tổ đại biểu. Hơn nữa, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh không thể tổ chức giám sát tất cả các lĩnh vực, việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và có ý kiến đối với tất cả các vấn đề phát sinh trên các địa bàn trong khi tình hình thực tế của tỉnh luôn có nhiều vấn đề phát sinh đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh. Một vấn đề đặt ra là Tổ trưởng tổ đại biểu thường là lãnh đạo địa phương (Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện), trong trường hợp có vấn đề phát sinh tại địa bàn thì với vai trò người đứng đầu ở địa phương, tại sao Tổ trưởng không xử lý ngay mà phải thông qua giám sát của Tổ? Vấn đề này được thực tế lý giải: Với giám sát và kiến nghị của tổ đại biểu, mỗi đại biểu sẽ thể hiện quan điểm, chính kiến của mình với một vị thế khác, tâm thế khác và tiếng nói cất lên từ một góc độ khác. Đó là thông qua “bàn tay” Thường trực HĐND, tiếng nói đó sẽ khách quan hơn, đầy đủ hơn và việc tiếp thu, thực hiện sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn so với tiếng nói cất lên từ mối quan hệ cấp trên - cấp dưới. Điều này đã được chứng minh trên thực tế, tổ đại biểu ở Đồng Nai luôn tích cực, chủ động tổ chức hoạt động giám sát của mình.
Thông qua giám sát của các Tổ đại biểu và đại biểu sẽ giúp cho các kỳ họp của HĐND có nhiều thông tin từ thực tiễn về các mặt tích cực cũng như những vấn đề còn hạn chế trong việc triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND và những vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, qua đó có giải pháp hợp lý, kịp thời, đảm bảo nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành đi vào cuộc sống có hiệu quả.
Phương thức tiến hành giám sát thực hiện như sau: Tổ trưởng Tổ đại biểu căn cứ vào chương trình giám sát năm của HĐND để lựa chọn những vấn đề cần phải tập trung giám sát, xây dựng thành chương trình giám sát hàng năm của tổ. Sau đó sẽ cụ thể hoá ra thành chương trình giám sát 6 tháng, hàng quý và triển khai thực hiện bằng các kế hoạch giám sát. Căn cứ chương trình giám sát, kế hoạch giám sát của Tổ đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát, trong đó giao Tổ trưởng hoặc thành viên làm Trưởng đoàn; các vị đại biểu HĐND tỉnh trong tổ là thành viên tham dự đoàn; thư ký Đoàn giám sát do chuyên viên của Văn phòng HĐND tỉnh đảm nhiệm. Thành phần mời tham gia Đoàn giám sát do Thường trực HĐND tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Tổ trưởng.
Sau giám sát, trên cơ sở kết luận của Trưởng đoàn giám sát và ý kiến thành viên thống nhất các nội dung kết luận của Trưởng đoàn giám sát thì kết luận của Trưởng đoàn sẽ là kết luận chính thức của đoàn giám sát. Thường trực HĐND tỉnh xem xét và ban hành Thông báo kết luận giám sát trên cơ sở báo cáo kết quả và những kiến nghị của đoàn giám sát.
3. Tổ đại biểu giám sát những nội dung gì?
Nội dung mà tổ đại biểu chọn giám sát là những vấn đề có thể nói là xa tầm của HĐND cấp huyện nhưng HĐND cấp tỉnh cũng khó thực hiện do chưa thể tổ chức giám sát chi tiết đến từng lĩnh vực bức xúc cụ thể của mỗi địa phương. Có thể nêu các nội dung đã tiến hành như: Giám sát kết quả tổ chức, triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh trên các lĩnh vực và tình hình thực thi pháp luật trên địa bàn thuộc Tổ đại biểu; việc đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn; việc giải quyết và thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn và công tác hòa giải ở cơ sở; việc thực hiện trả lời chất vấn của đại biểu, trả lời ý kiến cử tri của các cơ quan có thẩm quyền; kết quả thực hiện ý kiến kết luận của Chủ toạ kỳ họp tại các kỳ họp HĐND tỉnh về những vấn đề bức xúc trên địa bàn thuộc Tổ đại biểu; việc thực hiện các mục tiêu, chương trình Quốc gia trên địa bàn …
Không chỉ tổ chức giám sát độc lập mà các tổ có sự linh động, phối hợp với nhau: Giám sát cùng một nội dung vào cùng một thời điểm và báo cáo kết quả với Thường trực HĐND tỉnh để ban hành chung một thông báo kết luận giám sát qua đó giúp cho việc đánh giá vấn đề toàn diện hơn, sâu sắc hơn (như giám sát về công tác phòng chống tội phạm). Có sự linh động trong đề nghị phân công Trưởng đoàn căn cứ vào nội dung giám sát và năng lực chuyên môn theo lĩnh vực của đại biểu từ đó vừa tạo cơ hội cho đại biểu phát huy vai trò, vừa giúp cho nội dung giám sát sâu. Có sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn ý với Thường trực, các Ban HĐND cấp tỉnh và cấp huyện do đó không có sự trùng lắp về đơn vị chịu sự giám sát; đảm bảo có sự tham dự và đóng góp ý kiến của Thường trực, các Ban cấp huyện với giám sát của tổ. Thông tin kết quả giám sát của tổ đến Thường trực, các Ban cấp huyện và cấp tỉnh để cùng nắm bắt tình hình và bổ sung tư liêu tham khảo.
Thông qua hình thức giám sát này, tạo điều kiện cũng như động lực tác động để Tổ đại biểu và đại biểu hoạt động thường xuyên, hiệu quả hơn, không thụ động chờ đến trước và sau kỳ họp mới tổ chức tiếp xúc cử tri, phân công tiếp dân hay tham gia nghiên cứu pháp luật. Và điều quan trọng hơn là phát huy được hiệu quả một tổ chức của HĐND (tổ) và cá nhân từng đại biểu.
Từ nhiệm kỳ 2016-2021 này, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định đại biểu phải dành ít nhất 1/3 thời gian cho hoạt động đại biểu, đây là một quy định tạo thuận lợi cho giám sát của Tổ đại biểu. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì tổ đại biểu vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều chủ thể khác để thực hiện quyền và nhiệm vụ của mình. Đó là Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND bằng trách nhiệm và kinh nghiệm của mình cần quan tâm, hướng dẫn, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra hoạt động của các Tổ đại biểu, đặc biệt phải quan tâm bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu. Bên cạnh đó Thường trực HĐND cần phải có sự chỉ đạo đối với Văn phòng HĐND tỉnh trong việc lựa chọn và bố trí thêm nhân sự tham mưu, giúp việc cho các tổ đại biểu bởi lẽ đây là yếu tố không thể thiếu góp phần vào thành công chung trong hoạt động của các tổ. Có sự quan tâm và phối hợp đồng bộ ấy, Tổ đại biểu mới có thể thực hiện tốt chức năng giám sát đã được Luật giao.
Nguyễn Thị Oanh