Một số giải pháp nâng cao chất lượng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh

Đăng ngày: 04/08/2017
​Hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật là yêu cầu và là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Vì vậy, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xuất phát từ thẩm quyền quản lý nhà nước. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật 2015) thì ở địa phương HĐND và UBND ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã đều có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 

​Hiện nay, quy trình xây dựng và ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm năm 2015, Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Đây là một đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam và được xem như là “Luật về làm luật”.

Luật năm 2015 hợp nhất hai Luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật là Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008 và Luật ban hành văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 (Luật 2004) đã tạo cơ sở pháp lý trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản QPPL ở trung ương và địa phương, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đồng thời, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành VBQPPL, góp phần triển khai, áp dụng các VBQPPL của cấp trên được chính xác, kịp thời, đồng bộ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

114-5.jpg
Ông Trần Văn Quang - UVTT, Trưởng ban Pháp chế trình bày tham luận tại Hội nghị 

Luật năm 2015 đã phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh cấp tỉnh gồm: Quy định chi tiết những vấn đề được giao; tổ chức, bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định những vấn đề cụ thể tại địa phương. Nội dung nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Điều 27 của Luật năm 2015. 

Theo báo cáo tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai về “Xây dựng và ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh Đồng Nai” tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy, thực hiện Luật năm 2015 về đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung một số quy định về thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật; quy định cụ thể, hợp lý hơn các trường hợp, các loại văn bản và quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; quy định hợp lý hơn về đăng Công báo, công bố, đăng tải, đưa tin văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung một số quy định về hiệu lực và nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật… đã góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh.

Tuy nhiên, do Luật năm 2015 có rất nhiều điểm mới, nhất là về quy trình lập đề nghị xây dựng Nghị quyết nên việc thực hiện Luật năm 2015 gặp một số khó khăn, hạn chế như:

Thứ nhất, Luật năm 2015 có rất nhiều điểm mới nên một số cán bộ, công chức làm công tác tham mưu soạn thảo nghị quyết của HĐND tỉnh còn lúng túng trong việc thực hiện các quy định có tính đột phá của Luật, chẳng hạn như yêu cầu phải phân tích, xây dựng nội dung chính sách, thực hiện đánh giá tác động của chính sách trước khi soạn thảo dự án, dự thảo văn bản; trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc thẩm định chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Thứ hai, Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP có nhiều nội dung khó, mang tính kỹ thuật cao nhưng nội dung một số quy định còn chung chung, chưa thật sự cụ thể, rõ ràng nhất là về quy trình xây dựng chính sách. Mặc dù, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn một số vướng mắc, kiến nghị của bộ, ngành, địa phương (công văn cố 4218/BTP-VĐCXDPL ngày 28/11/2016) nhưng các nội dung này chưa mang tính chất quy phạm và chưa giải quyết triệt để các vướng mắc phát sinh trong thực tế triển khai thi hành Luật, chẳng hạn như việc xác định tính quy phạm của Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội; việc xác định tính quy phạm của các đề án, chương trình do UBND cấp tỉnh ban hành; việc quy định thủ tục hành chính trong Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh … Trong khi đó, các văn bản pháp luật có liên quan cũng như tài liệu tập huấn chuyên sâu hướng dẫn cụ thể, chi tiết những nội dung cần thiết của Luật năm 2015 và Nghị định lại chưa đầy đủ. 

Thứ ba, việc thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh theo quy định của Luật năm 2015 rất chặt chẽ và đòi hỏi rất nhiều thời gian chuẩn bị nên các cơ quan soạn thảo còn gặp khó khăn như: Việc thực hiện quy trình xây dựng nghị quyết, cơ quan soạn thảo đảm bảo phải thực hiện xong trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh chậm nhất là 140 ngày, cu thề như: Nếu HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp giữa năm vào ngày 10/7 thì các cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết phải thực hiện việc xây dựng nội dung Nghị quyết (nội dung chính sách), đánh giá tác động của Nghị quyết, xây dựng dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết phải xong trước ngày 20/2 để thực hiện việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng Nghị quyết chậm nhất là từ ngày 25/2 - 25/3 mới đảm bảo thời gian quy định; Nếu HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp cuối năm vào ngày 10/12 thì các cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết phải xây dựng dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết để thực hiện việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng Nghị quyết chậm nhất là từ ngày 25/7 mới đảm bảo thời gian quy định. 

Cũng theo báo cáo tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã nêu lên một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh

Một là: Chủ động phối hợp chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật năm 2015 : Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật, Thường trực HĐND tỉnh chủ động phối hợp với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung, quy định của Luật bằng các hình thức, biện pháp phổ biến, tuyên truyền phù hợp cho cán bộ, công chức thuộc cơ quan, đơn vị mình; Sở Tư pháp xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể quy trình ban hành Nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên sâu về các công tác liên quan đến việc soạn thảo, thẩm định, rà soát, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ những người làm công tác này của tỉnh; phối hợp với Văn phòng HĐND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh trong việc xây dựng các đề nghị xây dựng chính sách trong Nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi của văn bản khi được ban hành.

Hai là : Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp; điều động, luân chuyển cán bộ, công chức đáp ứng đủ năng lực, trình độ để làm công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật đủ về biên chế, có chất lượng về chuyên môn nhằm đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

Ba là: Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; trang bị các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin cần thiết để đáp ứng kịp thời, hiệu quả các yêu cầu tiếp cận, nghiên cứu và xử lý thông tin nhằm phục vụ tốt công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật tại cơ quan, đơn vị mình.

Bốn là: Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh. Thông qua công tác phối hợp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giúp đánh giá những mặt được, chưa được của dự thảo, từ đó đề xuất những biện pháp thích hợp để nâng cao chất lượng dự thảo.

Năm là: Phát huy tinh thần dân chủ và trí tuệ tập thể của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh tại kỳ họp. HĐND cấp tỉnh cần dành nhiều thời gian cho việc thảo luận tại kỳ họp. 

Sĩ Tiến