Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016-2021

Đăng ngày: 04/08/2017
​Hội nghị có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện của một số cơ quan trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các đồng chí Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ đã trao đổi và chia sẻ tại Hội nghị nhiều kinh nghiệm hay và bài học quý, đồng thời kiến nghị đề xuất nhiều ý kiến với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm để hướng dẫn, nghiên cứu sửa đổi bổ sung những văn bản pháp luật nói chung, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói riêng để  hoạt động của HĐND các cấp hoạt động đúng luật, hiệu lực, hiệu quả. 
 

​Được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2016-2021 với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh”. Viêc lựa chọn chủ đề này nhằm mục đích để Thường trực HĐND các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, phát hiện những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời kiến nghị đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ những vấn đề cần tháo gỡ, giải quyết để hoạt động của HĐND nói chung, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói riêng ngày càng chất lượng và hiệu quả.

Việc xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND là hoạt động rất quan trọng tại các kỳ họp của HĐND, là sản phẩm kết tinh trí tuệ của các đại biểu HĐND để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, chủ trương của cấp ủy cùng cấp phù hợp với thực tiễn của địa phương với những mục tiêu, cơ chế và chính sách cụ thể nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn nhất định. Việc xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND phải tuân theo Luật ban hành VBQPPL năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, trong đó quy định rõ về thẩm quyền, quy trình, thủ tục ban hành nghị quyết  quy phạm pháp luật. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được xây dựng trên cơ sở hợp nhất từ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004, có kế thừa và phát triển nhằm áp dụng thống nhất trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương.

114-18.jpg
Quang cảnh Hội nghị​ 

Hội nghị đã nghe Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã trình bày các bài tham luận phản ánh thực trạng công tác xây dựng và ban hành nghị quyết quy phạm ph áp luật của HĐND, những khó khăn, bất cập, đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm, nhiều giải pháp và đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ, hướng dẫn kịp thời để nâng cao chất lượng của công tác này theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, cụ thể như: 

*  Về kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh. Đây là vấn đề trọng tâm, trong thực hiện một số địa phương vẫn còn lúng túng do phải thực hiện quy trình mới, chặt chẽ về thời gian, nội dung và trình tự thực hiện, vì vậy, các đại đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết; công tác phối hợp soạn thảo nghị quyết, lấy ý kiến, công tác thẩm tra và xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết.

* Việc xác định nghị quyết về kinh tế xã hội là nghị quyết quy phạm pháp luật hay là nghị quyết cá biệt. Theo ý kiến của một số địa phương Nghị quyết về kinh tế xã hội được xây dựng trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh đánh giá về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh sau khi đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp cho ý kiến thì UBND tỉnh mới ký chính thức gửi đến HĐND tỉnh, cho nên, thực tế các Ban HĐND phải thẩm tra trên cơ sở dự thảo, khi có báo cáo chính thức mới rà soát để điều chỉnh cho phù hợp. Thông thường, phải đến cận ngày khai mạc kỳ họp thì mới có báo cáo chính thức. Do đó, các đại biểu cho rằng nếu xác định nghị quyết này là nghị quyết quy phạm pháp luật thì sẽ không thể thực hiện được quy trình, thủ tục mà Luật ban hành VBQPPL 2015 quy định; còn nếu xác định là nghị quyết cá biệt thì không phải thực hiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Dựa vào căn cứ pháp lý nào để xác định như vậy, các đại biểu đã thảo luận để làm rõ vấn đề này, qua đó kiến nghị  có hướng dẫn cụ thể.

* Những khó khăn trong việc thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh. Qua thời gian triển khai thực hiện Luật ban hành VBQPPL năm 2015, cho thấy, thời gian xây dựng nghị quyết quá dài (quy trình từ khâu chuẩn bị tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết đến khi kỳ họp HĐND thông qua nghị quyết) khoảng 140 ngày nhưng quy trình, thời gian thẩm tra dự thảo nghị quyết của các Ban HĐND tỉnh được quy định rất ngắn, các Ban của HĐND tỉnh chỉ có 05 ngày để hoàn thành việc thẩm tra; bên cạnh đó, sự trùng lắp về trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL của HĐND tỉnh và trình tự, thủ tục ban hành các quyết định triển khai thực hiện nghị quyết của UBND tỉnh sẽ là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho chính sách đã được ban hành chậm đi vào cuộc sống,… 

*Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về những kinh nghiệm và giải pháp khắc phục tình trạng cơ quan soạn thảo chưa tiến hành khảo sát thực tế một cách toàn diện, đánh giá tác động không đầy đủ và gửi dự thảo nghị quyết đến các Ban HĐND chậm gây khó khăn cho công tác thẩm tra; kinh nghiệm nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ban, nâng cao chất lượng thảo luận của các đại biểu HĐND khi thông qua dự thảo Nghị quyết....

Sĩ Tiến