Tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri là nhiệm vụ quan trọng của các ngành, địa phương

Đăng ngày: 05/09/2017
  ​Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành kèm theo Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2017 quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến
 

​     Có thể nói, với 4 chương, 15 điều, quy chế đã giải quyết đầy đủ các vấn đề về trình tự, trách nhiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ khâu tiếp nhận, xử lý đến sự hài lòng của cử tri đối với những kiến nghị của mình. Quy chế đã quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp, thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến.

     Năm trường hợp có thể nói là khó khăn, vướng mắc từ trước đến nay liên quan đến việc giải quyết triệt để các kiến nghị cử tri đã được quy chế xử lý bao gồm: (1) kiến nghị có nội dung trùng lặp với các kiến nghị đã được giải quyết xong; (2) kiến nghị có nội dung chưa rõ ràng; (3) kiến nghị có nhiều nội dung thuộc các lĩnh vực khác nhau; (4) kiến nghị đã được bộ, cơ quan tiếp nhận, giải quyết, trả lời theo đúng quy định của pháp luật ở các kỳ họp Quốc hội trước nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị; (5) kiến nghị đã được bộ, cơ quan tiếp nhận, giải quyết, trả lời theo đúng quy định của pháp luật ở các kỳ họp Quốc hội trước nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị. Đây là những vấn đề thực tế phát sinh không chỉ trong xử lý kiến nghị của cử tri của Quốc hội mà còn là của HĐND các cấp.

     Quy chế cũng đã xác định nguyên tắc, kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến phải được các bộ, cơ quan, địa phương tiếp nhận, giải quyết, trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình giải quyết. Việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác của các bộ, cơ quan, địa phương; là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các bộ, cơ quan và chính quyền địa phương. Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị phải bảo đảm dân chủ, khách quan, đầy đủ, đúng trọng tâm, báo cáo kết quả với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Điều này tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, hay giữa ngành với địa phương.

    Để việc giải quyết kiến nghị của cử tri đầy đủ và triệt để, một nội dung quan trọng đã được xác định trong quy chế, đó là phải phân loại chính xác theo thẩm quyền và kết quả giải quyết. Đây là một vấn đề mà từ trước đến nay, các cơ quan tham mưu, tổng hợp có khi còn có sự nhầm lẫn từ đó cũng là một phần nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng trả lời. Nay, quy chế đã chỉ rõ 03 nhóm cơ quan có thẩm quyền giải quyết từ đó xác định rõ địa chỉ nhận, giải quyết kiến nghị của cử tri bao gồm:

     Thứ nhất: Kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiến nghị có nội dung liên quan đến việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực quản lý mà không xác định được bộ, cơ quan, địa phương chủ trì giải quyết, trả lời; kiến nghị đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nêu trong “Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội.

      Thứ hai: Kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của các bộ, cơ quan ở trung ương là kiến nghị có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ở trung ương.

      Thứ ba: Kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của chính quyền địa phương là những kiến nghị có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.

      Cách phân loại thứ hai là phân loại theo kết quả giải quyết; nếu như với cách phân loại thứ nhất giúp xác định địa chỉ nhận, giải quyết kiến nghị của cử tri thì cách phân loại thứ hai này giúp xác định cơ quan nào có trách nhiệm tiếp tục trả lời, giải quyết kiến nghị trong trường hợp như kiến nghị tiếp tục được cử tri phản ánh; quy chế xác định có 04 loại kiến nghị gồm: 

     Thứ nhất: Kiến nghị đã được giải quyết xong là những kiến nghị đã được các bộ, cơ quan, địa phương giải quyết dứt điểm trên thực tế hoặc đã ban hành văn bản giải quyết, trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.

      Thứ hai: Kiến nghị đang giải quyết là những kiến nghị mà bộ, cơ quan, địa phương đang trong quá trình xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật hiện hành.

      Thứ ba: Kiến nghị sẽ giải quyết là những kiến nghị dự kiến sẽ được giải quyết trên cơ sở đã có kế hoạch ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ chính sách, pháp luật hoặc đã có kế hoạch bố trí nguồn lực thực hiện.

     Thứ tư: Kiến nghị giải trình, thông tin lại với cử tri là những kiến nghị có nội dung đã được bộ, cơ quan, địa phương giải quyết, trả lời từ các kỳ họp Quốc hội trước hoặc nội dung có liên quan cơ chế, chính sách, pháp luật đã được quy định trong các văn bản pháp luật và quy định của các cơ quan có thẩm quyền; các kiến nghị chưa thể giải quyết được do chưa có quy định của pháp luật hoặc của cơ quan có thẩm quyền hoặc do chưa có nguồn lực để thực hiện, chưa xác định được thời gian cụ thể.

     Liên hệ với hoạt động của Thường trực HĐND cấp tỉnh cho thấy, Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm thực hiện 06 nhiệm vụ như sau: 

      1. Đối với kiến nghị đã được bộ, cơ quan tiếp nhận, giải quyết, trả lời theo đúng quy định của pháp luật ở các kỳ họp Quốc hội trước nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị thì bộ, cơ quan rà soát, tổng hợp và trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị phải thông báo bằng văn bản và gửi kèm theo văn bản đã thông báo kết quả giải quyết, trả lời trước đó đến Ban Dân nguyện, Văn phòng Chính phủ, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cử tri kiến nghị và các cơ quan liên quan biết, trả lời cử tri.

      2. Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan và Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri tham gia Hội nghị để kịp thời nắm bắt tình hình, trực tiếp giải quyết, trả lời các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc tiếp nhận để chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, giải quyết, trả lời cử tri.

     3. Thường trực HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp làm rõ, chia tách nội dung, trước khi Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi kiến nghị đến Ban Dân nguyện để tổng hợp hoặc chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của địa phương để giải quyết, trả lời theo quy định.

     4. Đối với kiến nghị có nội dung trùng lặp với các kiến nghị đã được giải quyết xong hoặc đã được giải trình, thông tin lại với cử tri từ các kỳ họp trước, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp loại ra khỏi nội dung trước khi Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi Ban Dân nguyện để tổng hợp hoặc chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của địa phương để giải quyết, trả lời theo quy định và trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày loại bỏ kiến nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản thông báo cho cử tri và các cơ quan liên quan biết, đồng thời văn bản thông báo phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có cử tri kiến nghị.

     5. Thường trực HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tiếp nhận kiến nghị do Văn phòng Chính phủ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố chuyển đến; phân loại theo từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương và phân công cho các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời theo quy định.

     6. Thường trực HĐND, UBND cấp tỉnh thường xuyên chủ động theo dõi, rà soát, tổng hợp, đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan.

    Ngoài ra, một quy định mà đại biểu dân cử cần lưu ý, đó là quy định về trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương, xây dựng, vận hành Hệ thống quản lý việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đây  là hệ thống thông tin điện tử quản lý việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan, địa phương để mọi người dân cùng biết, nghiên cứu và giám sát. 

     Quy chế xác định căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định tại Quy chế này, các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy chế về việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đối với các đơn vị thuộc bộ, cơ quan, địa phương, đơn vị mình. 

      Thiết nghĩ quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến cần được các địa phương nghiên cứu, vận dụng trong việc xử lý kiến nghị của cử tri do đại biểu HĐND các cấp chuyển đến.

Nguyễn Thị Oanh