Tăng cường kiểm soát nguồn gốc hàng hóa tại các chợ truyền thống

Đăng ngày: 11/12/2018
​Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn Giám đốc Sở Công thương về vấn đề đảm bảo an toàn thực phầm tại các chợ truyền thống. Qua đó cho thấy, còn một số mặt hàng chưa rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tại các chợ truyền thống (từ hạng I đến hạng III). 
 

Theo số liệu thống kê, dự ước năm 2018 tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh là 162,5 ngàn tỷ, tốc độ tăng bình quân hàng năm trên 11%/năm. Trong đó thương nghiệp bán lẻ hàng hoá tiêu dùng chiếm khoảng 75% còn lại là lĩnh vực dịch vụ. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá tiêu thụ đến tay người tiêu dùng qua hệ thống chợ chiếm khoảng 45%. Còn lại là thông qua hệ thống phân phối hiện đại như (Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) cửa hàng bán lẻ truyền thống và nhà sản xuất bán trực tiếp.

IMG_8125.JPG
Đại biểu Hồ Thanh Trúc đặt câu hỏi chất vấn

Đồng Nai hiện có 165 chợ (97 chợ kiên cố, 56 chợ bán kiên cố và 12 chợ tạm) đang hoạt động trong quy hoạch, trong đó: Phân theo hạng chợ: 01 chợ đầu mối, 9 chợ hạng 1, 30 chợ hạng 2 và 125 chợ hạng 3; Phân theo khu vực: 40 chợ thành thị, 125 chợ nông thôn;

Theo quy định thì tại các chợ truyền thống không được kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, hàng gian (hàng trộm cắp), hàng không rõ nguồn gốc, hàng quá hạn sử dụng, hàng không bảo đảm chất lượng (hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh), hàng gây ô nhiễm môi trường, hàng không đúng quy định về tem, nhãn mác. Tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ bán ra...

IMG_8133.JPG
Giải trình của Giám đốc Sở Công Thương Dương Minh Dũng

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn đang được bày bán tại các chợ. Nguyên nhân chủ yếu do công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng chưa được chặt chẽ, chưa thực hiện thường xuyên liên tục; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất theo tập quán, truyền thống chưa áp dụng quy trình hiện đại theo tiêu chuẩn để xây dựng được thương hiệu; về phía người tiêu dùng, do nhu cầu mua sắm khá dễ dãi với chất lượng, giá cả hàng hóa bình dân.

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, Chủ tọa kỳ họp đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng kiểm soát đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm hết hạn sử dụng; xây dựng lộ trình, kế hoạch để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ; hình thành mối liên kết tiêu thụ sản phẩm từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây đến các chợ truyền thống; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề, chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tổ chức quản lý chợ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức quản lý chợ, quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu tổ chức quản lý chợ khi để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đức Thể