Kết quả Hội nghị giao ban Thường trực HĐND khu vực Đông Nam Bộ lần thứ tư, nhiệm kỳ 2016-2021

Đăng ngày: 12/03/2019
​Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa báo cáo kết quả hội nghị giao ban Thường trực HĐND khu vực Đông Nam Bộ lần thứ tư, nhiệm kỳ 2016-2021 như sau:

52918127_402625023647158_3516936246662266880_n.jpg
Quang cảnh Hội nghị Thường trực HĐND khu vực Đông Nam bộ lần thứ tư nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng​
 
 

Hội nghị giao ban Thường trực HĐND khu vực Đông Nam Bộ lần thứ tư, nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức ngày 25/2/2019 với sự tham dự và chỉ đạo của đồng chí Uông Chu Lưu- Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Văn Túy- Ủy viên trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu; đồng chí Nguyễn Thanh Hải- Ủy viên trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo Hội đồng dân tộc, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội vụ. Về phía các địa phương có Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban, Văn phòng HĐND 9 tỉnh khu vực Đông Nam bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng), 5 đơn vị khách mời gồm có Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Cà Mau, Cần Thơ, Hà Giang.

Các ý kiến tham luận tại hội nghị tập trung vào kinh nghiệm và giải pháp trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giải quyết một số vấn đề của người dân địa phương trên lĩnh vực kinh tế xã hội. Đồng thời, nêu một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như ý thức pháp luật, phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề, việc nhận diện vấn đề, xây dựng nội dung và chương trình kỳ họp, thẩm tra các báo cáo, tờ trình và dự thảo các nghị quyết cho đến việc giám sát thi hành các nghị quyết. Trong đó, trọng tâm vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cập nhật các quy định mới của pháp luật, các nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của cử tri trên địa bàn mặc dù đã được triển khai nhưng chưa sâu rộng, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu chưa thu hút được sự quan tâm của người dân. Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế xã hội chưa phù hợp và thường xuyên thay đổi, và còn trường hợp vi phạm các quy định chưa được xử lý dứt điểm gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân; Việc cơ quan chức năng thiếu minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện các quy hoạch gây nhiều bức xúc trong nhân dân; Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh với UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh chưa chặt chẽ; công tác thanh kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ chưa kịp thời; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đối với một số vụ việc còn chậm.

Hội nghị đã đề xuất, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và tiếp tục tổ chức các hội nghị chuyên đề, các lớp bồi dưỡng, tập huấn về các kỹ năng, kinh nghiệm trong việc nhận diện, xác định bản chất và đề xuất giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân; Đề nghị sớm quy định những chế tài cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với việc tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị bức xúc của nhân dân; đồng thời, nghiên cứu tăng nặng mức độ xử phạt hoặc xử lý hình sự đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng./.

Kim Chung​