Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035”

Đăng ngày: 14/06/2019
​Tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035”. Theo đó:

Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của OCOP Đồng Nai là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng gia tăng giá trị,do các tổ chức kinh tế OCOP tại địa phương thực hiện. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạchc ách vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, cộng đồng dân cư (bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia đầu tư sản phẩm trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức triển khai thực hiện.

Mục tiêu tổng quát của chương trình OCOP Đồng Nai là nhằm góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính đặc trưng lợi thế của mỗi vùng, mỗi xã đáp ứng cho tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Qua đó, phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của người dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở nội dung “tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng và căn cơ trong giải pháp thực hiện giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn là rất chi tiết, trong đó đối với giai đoạn 2019-2020 thì số sản phẩm hiện có đạt 3 sao trở lên tối thiếu là 12 sản phẩm, 5 sao cấp tỉnh tối thiểu 3 sản phẩm. Đối với giai đoạn 2021-2025 thì chỉ số cao hơn rất nhiều, đó là số sản phẩm hiện có đặt 3 sao trở lên phải tối thiểu 100 sản phẩm, số sản phẩm hiện có đạt 5 sao cấp tỉnh từ 15 sản phẩm trở lên,số sản phẩm đạt 5 sao quốc gia từ 08 sản phẩm trở lên. Xa hơn nữa, hướng đến năm 2035 sẽ đẩy mạnh phát triển chương trình OCOP quy mô lớn trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị, góp phần cung ứng ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn OCOP ra thị trường, đồng thời tập trung phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trìnH OCOP theo hướng gia tăng giá trị lợi ích cho cộng đồng dân cư trong tỉnh.

Kim Chung​