Chậm triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 19/09/2019
  ​Trong tháng 9 năm 2019, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 đối với UBND huyện Tân Phú, UBND huyện Cẩm Mỹ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đoàn giám sát do bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn.
 

​      Ngày 06/7/2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 117/2018/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; trong đó có thông qua mức hỗ trợ đối với 03 dự án gồm: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo và chi hỗ trợ công tác quản lý về giảm nghèo ở cấp xã cho Ban giảm nghèo cấp xã. Qua hơn một năm triển khai, việc thực hiện Nghị quyết số 117/2018/NQ-HĐND đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định.

IMG_3626.JPG
Đoàn khảo sát dự án nuôi bò tại hộ dân xã Phú An, huyện Tân Phú

Xây dựng và phê duyệt 36 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo

Từ khi ban hành Nghị quyết số 117/2018/NQ-HĐND cho đến thời điểm giám sát, UBND các huyện và thành phố Long Khánh đã xây dựng và phê duyệt được 36 dự án (gồm 14 dự án nuôi dê, 18 dự án nuôi bò, 3 dự án nuôi gà và 1 dự án trồng mít); phạm vi thực hiện các dự án ở 130 lượt xã; có 1.439 hộ tham gia dự án (trong đó có 467 hộ nghèo, 788 hộ cận nghèo, 184 hộ mới thoát nghèo) với tổng kinh phí là 25.851,245 triệu đồng (trong đó: ngân sách tỉnh hỗ trợ 14.733,705 triệu đồng, tỷ lệ 57%; hộ tham gia đối ứng 11.117,54 triệu đồng, tỷ lệ 43%). Theo thống kê, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 370/748 hộ tham gia dự án được bình xét là hộ vượt chuẩn nghèo, cận nghèo theo chuẩn Nghị quyết số 126/2014/NQ-HĐND ngày 26/9/2014 về chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo và chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020.

Năm 2018, toàn tỉnh đã chi cho 171/171 Ban giảm nghèo cấp xã với kinh phí 152.350.000 đồng. Năm 2019, dự kiến sẽ thực hiện chi hỗ trợ Ban giảm nghèo cấp xã trong quý IV.

IMG_3734.JPG
Đoàn khảo sát dự án nuôi dê tại xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đến nay vẫn chưa được thực hiện

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện Nghị quyết số 117/2018/NQ-HĐND thời gian qua còn những hạn chế, khó khăn cần có sự tập trung chỉ đạo để khắc phục trong thời gian tới. Công tác triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế quá chậm nên dự án hiện vẫn chưa được thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Đối với dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, qua khảo sát và xem xét hồ sơ dự án cho thấy, một số dự án được xây dựng và phê duyệt chưa đúng về trình tự, đơn vị chủ trì xây dựng dự án theo quy định, một số văn bản chưa phù hợp với hướng dẫn của Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia dự án còn thấp so với tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo, nguyên nhân do kinh phí thực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu; còn nhiều hộ không đủ điều kiện tham gia dự án (do đã tham gia dự án khác, thiếu vốn đối ứng…). Hiện nay, mức hỗ trợ cho các hộ dân tham gia dự án tối đa 10 triệu/hộ/dự án còn thấp nên việc thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn trong lựa chọn mô hình nhân rộng đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, đặc biệt là đối với những mô hình có con giống phải mua ở mức giá cao (như nuôi bò), vì nhiều hộ đăng ký tham gia dự án không đủ vốn đối ứng để mua con giống cũng như kinh phí để đầu tư chuồng trại, vật tư…, dẫn đến hiệu quả thoát nghèo từ dự án chưa cao. Công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện dự án chưa được thường xuyên, liên tục. Số lượng mô hình giảm nghèo được nhân rộng còn hạn hẹp, chưa đa dạng, tập trung chủ yếu là chăn nuôi dê, bò, một số rất ít chăn nuôi gà và trồng mít; chưa xây dựng được mô hình liên kết phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp, mô hình phát triển ngành nghề và dịch vụ...

IMG_3781.JPG
Đoàn giám sát làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Qua kết quả giám sát, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh sớm xây dựng kế hoạch tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói chung và các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết số 117/2018/NQ-HĐND nói riêng để có giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án đảm bảo đúng trình tự, hồ sơ theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra các địa phương đảm bảo thực hiện nghiêm công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia dự án trong suốt quá trình thực hiện; trong quá trình thẩm định từng dự án cụ thể, xem xét hướng dẫn các địa phương xây dựng mối liên kết, phối hợp giữa các hộ tham gia dự án phù hợp với từng loại mô hình nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng chung con giống, vật tư, thiết bị sản xuất; xem xét để có định hướng cho các địa phương trong việc lựa chọn mô hình thực hiện dự án, tránh tập trung thực hiện quá nhiều một loại mô hình, hạn chế xảy ra mất cân bằng cung cầu nông sản. Kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trong quý IV/2019 để đảm bảo quyền lợi cho các hộ nghèo được tham gia dự án. Đề nghị UBND huyện Tân Phú và Cẩm Mỹ chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các dự án ngay từ đầu năm để sớm cung cấp cây, con giống đến các hộ tham gia, nâng cao hiệu quả thoát nghèo của dự án; tổ chức xây dựng và thực hiện dự án đảm bảo quy trình theo đúng quy định, hướng dẫn; chú trọng lựa chọn mô hình phù hợp; đảm bảo chất lượng cây, con giống; tập huấn, hướng dẫn cho các hộ tham gia dự án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; định hướng, hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ nông sản.

Đức Thể