Tình hình triển khai xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung tại đô thị năm 2019 trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 10/12/2019
​Đã khắc phục hết ngập khoảng 84% điểm ngập nặng trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Biên Hòa
    - Trong thời gian qua, tình hình thoát nước của thành phố Biên Hòa và một số đô thị trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề được sự quan tâm của cộng đồng. Với các giải pháp đã đề rà, cơ bản khắc phục tình trạng ngập úng khi mưa lớn trên địa bàn thành phố Biên Hòa và các đô thị trên địa bàn tỉnh. Đến nay, kết quả đạt được đã có cải thiện về thời gian tiêu thoát nước của các cống sau mưa. Tuy nhiên, khi xảy ra những trận mưa lớn và kéo dài vượt quá tần suất thiết kế về tiếp nhận và tiêu thoát nước của các cống nên vẫn còn diễn ra tình trạng bị ứ đọng gây ngập tại các điểm ngập hiện hữu. Việc khắc phục tình trạng ngập úng cần nguồn kinh phí rất lớn và không thể hoàn thành trong thời gian trước mắt.

- Hiện nay, công tác quy hoạch hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh đều được cập nhật và lồng ghép vào quy hoạch xây dựng của từng địa phương trong quá trình thẩm định và trình duyệt, đây là cơ sở cho việc triển khai đầu tư các công trình phục vụ tiêu thoát nước cho đô thị. Khi các địa phương triển khai theo đồ án quy hoạch được phê duyệt sẽ giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước cho từng địa phương. Trên địa bàn tỉnh đã đầu tư các công trình thoát nước phục vụ tiêu thoát nước chống ngập cho khu dân cư và thoát nước bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp, điển hình như: đã khắc phục hết ngập khoảng 84% điểm ngập nặng trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

Ngoài ra, các nguồn tiếp nhận tiêu thoát nước cho thành phố Biên Hòa cũng đã triển khai như: suối Săn Máu (đã hoàn thành); cải tạo các suối Linh, suối Bà Bột và suối Tân Mai cũng đã được UBND Tp. Biên Hòa tiến hành nạo vét, cải tạo đạt trên 95% khối lượng, do đó, khi các công trình này hòan thành sẽ góp phần tăng khả năng tiêu thoát nước tránh ngập úng cho đô thị.

- Tỷ lệ 60-70% khu đô thị có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung (HTTN&XLNT), trong đó tỷ lệ khu đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu là 70%: Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 11 đô thị (01 đô thị loại I - thành phố Biên Hòa; 01 đô thị loại III - thành phố Long Khánh; 02 đô thị loại IV: thị trấn Trảng Bom và thị trấn Long Thành; 07 đô thị loại V trên các huyện còn lại) nhưng chỉ mới có thành phố Biên Hòa có hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 3.000m3/ngày. Như vậy tỷ lệ đô thị có HTTN & XLNT là 9%, đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt 50%.

- Tỷ lệ cải tạo 50% kênh mương, đoạn sông, suối chảy qua các đô thị đã bị ô nhiễm nặng: Tỷ lệ cải tạo kênh mương, đoạn sông, suối chảy qua các đô thị đã bị ô nhiễm nặng hiện nay chỉ đạt khoảng 17%.

- Về đầu tư công trình thoát nước bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp trên địa bàn mà trước đây chưa đủ điều kiện đầu tư như: thành phố Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Tân Phú. Xuân Lộc: đã khởi công xây dựng công trình thoát nước khắc phục tình trạng ngập úng trong thời gian qua

- Trong 04 đô thị loại IV trở lên (thành phố Biên Hòa - đô thị loại I; thành phố Long Khánh - đô thị loại III; thị trấn Trảng Bom và thị trấn Long Thành - đô thị loại IV) chỉ có thành phố Biên Hòa là có 01 hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung (công suất 3.000m³/ngày) đạt chuẩn quy định đã đưa vào vận hành Quí II/2018. Đồng thời, đang triển khai dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa, công suất 39.000m³/ngày, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (dự kiến 2026 hoàn thành).

Hiện nay, các dự án đầu tư xây dựng Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt thị trấn Long Thành (tổng mức đầu tư khoảng 62 triệu USD), dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Long Khánh (tổng mức đầu tư khoảng 110 triệu USD), dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt thị trấn Trảng Bom (tổng mức đầu tư khoảng 75 triệu USD) đã được lập tuy nhiên khó khăn về nguồn vốn nên cần thực hiện kêu gọi đầu tư.

 Nguyễn Bình ​