Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra dự thảo nghị quyết thông qua bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Đồng Naigiai đoạn 2020 -2024

Đăng ngày: 04/01/2020
​Thực hiện phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết thông qua bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 -2024 trình HĐND tỉnh xem xét vào Kỳ họp thứ 14

​    Qua thẩm tra cho thấy, Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 5 năm giai đoạn 2015-2019 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 145/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/20​14, được UBND tỉnh ban hành theo quy định. Thực tế triển khai, giá bất động sản liên tục biến động trong 05 năm, tác động mạnh đến giá quy định trong bảng giá đất. Trên cơ sở thống nhất của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Đến 01/01/2020, Bảng giá đất 05 năm giai đoạn 2015-2019 sẽ hết hiệu lực thi hành.

Căn cứ Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất có hiệu lực kể từ ngày ký và căn cứ Khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ”.

anh Thong.jpg
Ông Lại Thế Thông - Trưởng Ban KT-NS trình bày báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp

Vì vậy, việc xây dựng và thông qua bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2024 để kịp thời ban hành, áp dụng từ ngày 01/01/2020 là cần thiết và phù hợp với quy định.

Về mức giá các loại đất, được xây dựng trên cơ sở cơ sở kế thừa các quy định của bảng giá đất hiện hành, kết quả điều tra giá đất và các thông tin liên quan, nhằm đảm bảo cân đối, cơ bản phù hợp về giá giữa các khu vực, đoạn đường, tuyến đường liên quan. Giá đất giai đoạn 2020 - 2024 tăng dao động từ 1,07 - 18 lần so với bảng giá đất hiện hành (tùy nhóm đất), phù hợp khung giá các loại đất do Chính phủ quy định, cụ thể như sau:

- Đối với nhóm đất nông nghiệp: Điều chỉnh theo từng cấp vị trí và theo nhóm đường phù hợp với nguyên tắc xác định vị trí thống nhất trong toàn tỉnh, cụ thể:

+ Đối với đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm, mức tăng thấp nhất 1,07 lần và tăng cao nhất là 6 lần so với giá hiện hành. Tại vị trí 1, mức giá được xây dựng cao nhất là 450 ngàn đồng/m2 (các phường cũ trên địa bàn thành phố Biên Hòa) và thấp nhất là 35 ngàn đồng/m2 (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán và xã Đắc Lua, huyện Tân Phú); ở vị trí 4, mức cao nhất là 370 ngàn đồng/m2 và mức thấp nhất là 15 ngàn đồng/m2 cho 02 khu vực trên. 

+ Đối với đất rừng sản xuất và đất nuôi trồng thủy sản được đề xuất tăng tương ứng với với tỷ lệ khoảng 60-95% so với giá đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm cùng vị trí tùy theo từng khu vực.

- Nhóm đất phi nông nghiệp: Đề xuất tăng ở tất cả các khu vực, vị trí, tuyến đường. Mức tăng được điều chỉnh bằng hoặc chênh lệch so với với giá đất hiện hành (x) hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019, có điều chỉnh tỷ lệ tăng ở một số vị trí thuộc các tuyến đường, đoạn đường để đảm bảo sự phù hợp về giá giữa các vị trí, tuyến đường, đoạn đường liên quan, đảm bảo mức chênh lệch không quá 30%, cụ thể:

+ Đất ở tại đô thị: Điều chỉnh các tuyến đường từ khu vực nông thôn sang đường đô thị đối với địa bàn các phường, thị trấn mới thành lập; bổ sung 14 tuyến đường mới vào quy định, đưa ra khỏi quy định đối với 2 tuyến đường, nâng tổng số tuyến đường đô thị quy định trong bảng giá đất là 510 tuyến đường, chia thành 715 đoạn.

Giá đất ở tại các tuyến đường đều tăng, mức tăng thấp nhất từ 1,2 lần và cao nhất là 9,3 lần so với giá hiện hành. Tại vị trí 1, mức giá được xây dựng cao nhất là 40 triệu đồng/m2 (đường 30 tháng 4 thành phố Biên Hòa) và thấp nhất là 600 ngàn đồng/m2 (một số tuyến đường thuộc thị trấn Định Quán); ở vị trí 4, mức cao nhất là 9 triệu đồng/m2 và mức thấp nhất là 200 ngàn đồng/m2 cho 02 khu vực trên.

- Đất ở tại nông thôn: Bổ sung đối với 75 tuyến đường mới và 97 đoạn, nâng tổng số 543 tuyến và 1.008 đoạn đường được quy định trong bảng giá đất.

Giá đất tại các tuyến đường đều tăng, mức tăng thấp nhất từ 1,3 lần và cao nhất là 18 lần so với giá hiện hành. Tại vị trí 1, mức giá được xây dựng cao nhất là 17 triệu đồng/m2 (đoạn giáp ranh giữa Trảng Bom và thành phố Biên Hòa) và thấp nhất là 200 ngàn đồng/m2 (xã Đắc Lua, huyện Tân Phú); ở vị trí 4, mức cao nhất là 4 triệu đồng/m2 và mức thấp nhất là 70 ngàn đồng/m2 cho 02 khu vực trên.

- Đất phi nông nghiệp còn lại:

+ Đất thương mại dịch vụ được đề xuất tăng bằng 70% giá đất ở cùng khu vực, vị trí, tuyến đường, tăng  5% so với quy định hiện hành.

+ Đất sản xuất kinh doanh được đề xuất tăng bằng 60% giá đất ở cùng khu vực, vị trí, tuyến đường, giảm 5% so với quy định hiện hành.

+ Các loại đất phi nông nghiệp còn lại được quy định mức giá dựa trên mức giá đất ở hoặc giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cùng khu vực. Mức giá đất đề xuất tăng tương ứng với mức tăng của đất ở cùng khu vực, tuyến đường. Riêng đối với bảng giá đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đề xuất đối với mỗi tuyến đường có hệ số riêng để đảm bảo công bằng trong việc tính tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp hoạt động trong khu, cụm công nghiệp.

- Đối với nhóm đất chưa sử dụng: Áp dụng theo mức giá thấp nhất của đất nông nghiệp liền kề; trường hợp không có đất nông nghiệp liền kề thì áp dụng mức giá của đất nông nghiệp gần nhất.

Nội dung của dự thảo nghị quyết có quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh trong việc giám sát thực hiện nghị quyết.

Nguyễn Bình