Trong thời gian qua cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp
chế biến nông sản đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên, sự phát triển vẫn
chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của ngành nông nghiệp và thế mạnh của
nhiều địa phương. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu còn
thấp; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển khiến giá vật tư, trang thiết bị cao
do phải nhập khẩu. Sản phẩm chế biến nông sản chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị
gia tăng thấp (chiếm tới 70 - 80%), chủng loại chưa phong phú; các nông sản
xuất khẩu chủ yếu vẫn là xuất thô, sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng
30%; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số
lượng, chất lượng; trình độ công nghệ chế biến nông sản nhìn chung đạt ở mức độ
trung bình trên thế giới. Hệ thống Logistics phục vụ nông nghiệp mới phát triển
nên còn nhiều hạn chế, chi phí còn cao. Lao động được đào tạo còn ít nên việc
đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa trong
nông nghiệp chưa cao. Cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn để thu
hút doanh nghiệp đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; nguồn
lực để triển khai các chính sách đã ban hành còn hạn chế, nên hiệu quả thực
hiện chính sách không hiệu quả.
Bên cạnh những khó khăn và tồn tại nêu trên, ngành công
nghiệp chế biến nông sản và cơ giới nông nghiệp của Việt Nam đang phải đối mặt
với nhiều thách thức, cụ thể như: Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các
hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, nghiêm trọng; dịch bệnh trên
cây trồng, vật nuôi xuất hiện thường xuyên và có nguy cơ tái diễn rất cao nếu
không được kiểm soát tốt và đặc biệt đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp,
không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn đảo lộn nền kinh
tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển sản xuất, gián đoạn trong
khu vực và toàn cầu của việc cung ứng hàng hóa nông sản, tác động trực tiếp đến
phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản và đặt ra thách thức lớn đối với
việc đòi hỏi nâng cao trình độ công nghệ thích ứng ngày càng cao của lĩnh vực
cơ giới hóa nông nghiệp.
Để khắc phục những tồn tại và đảm bảo thực hiện thành công
mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát
triển nhất thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước
hàng đầu thế giới và là một trung tâm chế biến sâu và logistic của thương mại
nông sản toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, thực
hiện các định hướng về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ
giới hóa nông nghiệp. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả
một số nhiệm vụ sau:
Bộ Khoa học và Công nghệ: Tập trung, ưu tiên đầu tư ứng
dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản đối với các ngành
hàng nông sản;...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, đôn đốc các bộ và địa
phương khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn còn thiếu theo nhiệm vụ
được giao tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP, hoàn thành trong quý II năm 2020;...
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi,
bổ sung các quy định về đất đai nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất
trong nông nghiệp;...
Ủy ban nhân dân các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao
tại các văn bản có liên quan đến hoạt động của công nghiệp chế biến, bảo quản
nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.Xây dựng các Chương trình,
đề án trọng điểm phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và thúc đẩy
công nghiệp chế biến phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương; ưu tiên
phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản của địa phương. Ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế
biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phù hợp với chức năng nhiệm vụ và nguồn lực của địa
phương; ưu tiên, đảm bảo bố trí nguồn kinh phí thực hiện.
Nguyễn Bình