Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh báo cáo trả lời, cụ thể như
sau:
1. Nội dung: Từ vụ việc các đối tượng bảo kê ở chợ gần công ty Changsin,
huyện Vĩnh Cửu đã được phát hiện và xử lý trong thời gian qua cho thấy cần nâng
cao trách nhiệm của chính quyền cấp huyện và cấp xã trong quản lý tình hình an
ninh, trật tự trên địa bàn
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; hàng năm Huyện ủy, UBND huyện
Vĩnh Cửu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng ngừa, đấu
tranh chống tội phạm trên địa bàn huyện, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho
từng ban, ngành thực hiện theo đúng chức năng.
Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện; Công an huyện Vĩnh Cửu đã
triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa
bàn quản lý, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết,
không để xảy ra bị động bất ngờ. Triển khai thực hiện tốt các đợt cao điểm tấn
công trấn áp các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm băng nhóm, tội phạm
kinh tế, hình sự. Tập trung điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm đối với các loại
tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, các băng, nhóm hoạt động "tín
dụng đen", "bảo kê", cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản...
không để diễn ra phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân; đồng thời triển
khai quyết liệt công tác chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật
tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Kết quả trong quý III/2020, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa
bàn huyện Vĩnh Cửu đã có những chuyển biến tích cực, tình hình tội phạm hình sự
được kiềm chế so với cùng thời gian trước đó, số vụ cờ bạc, ma túy bị phát
hiện, xử lý nhiều hơn, nhiều đối tượng nghiện ma túy bị lập hồ sơ đưa vào cơ sở
cai nghiện và đưa ra giáo dục tại cộng đồng. Cụ thể: xảy ra 21 vụ phạm pháp
hình sự, không tăng giảm so với quý trước; trong đó giết người xảy ra 01 vụ,
giảm 04 vụ; Đã điều tra làm rõ 20 vụ - 29 đối tượng, đạt tỷ lệ 95,3%; phát
hiện, xử lý 19 vụ - 32 đối tượng phạm pháp về ma túy (nhiều hơn quý trước 10 vụ
- 22 đối tượng); triệt phá 09 vụ - 42 đối tượng đánh bạc; 03 vụ - 03 đối tượng
có hành vi sử dụng các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh (kích
dục) và 01 vụ - 02 đối tượng môi giới mại dâm, nhiều hơn quý trước 04 vụ. Riêng
địa bàn xã Thạnh Phú, trong quý III/2020 xảy ra 02 vụ phạm pháp hình sự (giảm
02 vụ so với cùng kỳ); phát hiện xử lý 07 vụ ma túy (tăng 05 vụ); triệt phá 04
vụ đánh bạc (nhiều hơn 03 vụ), 03 vụ kích dục (nhiều hơn 03 vụ).
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai
tiếp tục tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương
nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống
tội phạm trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn huyện Vĩnh Cửu nói riêng. Xác
định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường
xuyên của tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Đề cao trách nhiệm người
đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để diễn biến phức tạp, kéo dài thì
người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Nội dung: Người đứng đầu (Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an cấp
huyện, xã) đóng vai trò quan trọng công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn. Vì vậy,
cần phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu Công an tỉnh,
huyện trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT
Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung
ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy - Lãnh đạo Công an tỉnh
từng bước được kiện toàn, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, lấy sự công tâm,
công bằng, sự gương mẫu của người đứng đầu để điều hành đơn vị, gắn trách nhiệm
của người đứng đầu với kết quả các mặt công tác của đơn vị được giao phụ trách.
Cùng với việc tấn công, trấn áp tội phạm, Công an tỉnh đã tổ chức rà
soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, sắp xếp kiện toàn bộ máy tổ chức, điều động,
luân chuyển cán bộ, chiến sỹ theo phương châm "vì việc mà bố trí
người"; điều động, luân chuyển một số vị trí lãnh đạo, chỉ huy có biểu
hiện sai phạm, thiếu tinh thần trách nhiệm, khắc phục tình trạng trì trệ trong
công việc, giảm ý chí phấn đấu của các trường hợp nhiều năm liên tục công tác
tại một vị trí để tăng cường cho Công an cơ sở, tạo mặt bằng chung cho cán bộ,
chiến sỹ phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Do vậy, cán bộ, đảng viên toàn lực
lượng Công an tỉnh đã tận tâm, tận lực, tận tụy, vô tư khách quan đối với công
việc, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, tất cả vì nhân dân phục vụ; văn hóa ứng
xử, lễ tiết tác phong được nâng lên rõ rệt, từng bước lấy lại niềm tin của cấp
ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân đối với lực lượng Công an.
Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, nêu gương, từng đồng chí lãnh đạo
Công an tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị đã phát huy tinh thần, cộng đồng trách
nhiệm, nêu gương cho cán bộ, chiến sỹ học tập và noi theo; thường xuyên tiến
hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ ngay tại cơ sở. Khi có vụ việc phức
tạp về an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn, người đứng đầu Công an các đơn vị
phải trực tiếp đến hiện trường nắm tình hình, phân tích, đánh giá, xác định nội
dung trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vụ việc, đưa ra những quyết sách
sát với tình hình thực tế, giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, không để diễn
biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để chủ động nắm tình hình tại cơ sở và chủ trương chính quy
hóa lực lượng Công an xã, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã tăng cường công tác
giáo dục chính trị tư tưởng, từ đó cán bộ, chiến sỹ đã nhận thức được trách
nhiệm, vinh dự khi được lãnh đạo tin tưởng, lựa chọn điều động, đảm nhiệm các
chức danh Công an xã; đã có nhiều cán bộ, chiến sỹ viết đơn tình nguyện, xung phong
về công tác tại Công an xã để được làm việc, được gần dân, sát với nhân dân,
gắn bó máu thịt với nhân dân, từ đó, mọi việc trong nhân dân dù là nhỏ nhất đều
được lắng nghe, tiếp thu và giải quyết.
3. Nội dung phản ánh: Cơ sở karaoke ở Long Thành đầu năm 2020 bị xử phạt
hành chính nhưng giữa năm 2020 lại bị xử phạt do vi phạm quy định về tiếp tục
tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu. Đề nghị xem xét lại trách nhiệm của chính
quyền địa phương
Tính đến 15/9/2020, địa bàn huyện Long Thành có 35 cơ sở kinh doanh dịch
vụ karaoke, chủ yếu tập trung tại thị trấn Long Thành và một số xã giáp ranh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm 2020, UBND huyện Long Thành đã chỉ
đạo các ngành và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước,
kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh
có điều kiện về ANTT trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền, đặc biệt là Công an
huyện. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện và Công an tỉnh Đồng Nai, Công an huyện
Long Thành đã xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, cao điểm tấn công trấn áp
tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện, tập trung vào các dịp lễ, Tết; trong
đó có nội dung kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke (đã
xây dựng 03 kế hoạch kiểm tra chuyên đề, 01 kế hoạch phối hợp liên ngành).
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Công an huyện Long Thành phối hợp với các ngành
liên quan, tiến hành kiểm tra 272 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT,
phát hiện, xử lý 76 cơ sở kinh doanh vi phạm với tổng số tiền 173.050.000 đồng.
Trong đó kiểm tra 77 lượt cơ sở karaoke, phát hiện, xử lý 11 cơ sở vi phạm với
số tiền 53.250.000 đồng (có 01 vụ - 12 đối tượng có biểu hiện sử dụng trái phép
chất ma túy trong cơ sơ kinh doanh). Trong thời gian thực hiện các biện pháp
phòng chống dịch bệnh Covid-19; Công an huyện Long Thành đã phối hợp UBND các
xã, thị trấn tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của UBND tỉnh về tạm
ngừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí và các
điểm tập trung đông người như: karaoke, quán bar, phòng trà, rạp chiếu phim,
massage, spa, trò chơi điện tử, phòng tập thể dục thẩm mỹ, thể hình, yoga...
Kết quả, đã tổ chức cho 417 cơ sở kinh doanh ký cam kết; phát hiện, xử lý 05 cơ
sở kinh doanh karaoke vi phạm hoạt động trong mùa dịch với số tiền 45.000.000
đồng. Ngoài ra, các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh cũng phát hiện, xử lý một
số cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn huyện Long Thành. Điển hình như:
- Vụ karaoke Ý Ngân thuộc xã An Phước, ngày 22/11/2019 đã bị UBND huyện
Long Thành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, ngày 15/01/2020 Công
an huyện Long Thành đã thu hồi không thời hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện về
ANTT. Tuy nhiên, qua công tác quản lý địa bàn, lực lượng Công an đã phát hiện
cơ sở này tiếp tục hoạt động (không phép); (1) ngày 28/6/2020 Phòng Cảnh sát
hình sự Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra, phát hiện vi phạm “Bao che cho các hoạt
động có tính chất khiêu dâm nhảy múa thoát y tại nhà hàng karraoke”; (2) ngày
16/8/2020, Công an huyện tiến hành kiểm tra phát hiện vi phạm “Không thực hiện
việc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh; Người sử dụng lao động không giao kết
hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên ba tháng;
Hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều
kiện về an ninh trật tự mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh
trật tự”.
- Vụ karaoke 5Y thuộc khu Phước Hải, thị trấn Long Thành: vi phạm 02 lần
trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lỗi vi
phạm “Không thực hiện việc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh (ngày 14/4/2020 và
ngày 23/5/2020), UBND huyện đã xử lý hành chính và Công an huyện đã thu hồi
giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, thời gian tới UBND tỉnh tiếp
tục chỉ đạo UBND
các huyện, thành phố và các ngành (nhất là lực lượng Công an, Đoàn kiểm tra
liên ngành của tỉnh và các huyện, thành phố) tăng cường công tác quản lý, kiểm
tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh có
điều kiện về ANTT trên địa bàn tỉnh.
4. Nội dung: đề nghị Nhà nước quản lý chặt chẽ
các loại hình kinh doanh nhạy cảm, có thể gắn camera giám sát các điểm kinh
doanh này và có chế tài xử phạt cụ thể.
Tính đến 15/9/2020, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 4.088 cơ sở hoạt động
kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự với 18.591
người làm nghề, trong đó một số ngành, nghề kinh doanh nhạy cảm như:
- Kinh doanh dịch vụ cầm đồ: 1.094 cơ sở, 1.679 người làm nghề.
- Kinh doanh dịch vụ massage: 117 cơ sở, 1.605 người làm nghề.
- Kinh doanh dịch vụ karaoke: 498 cơ sở, 1.783 người làm nghề.
- Kinh doanh dịch vụ lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ): 1.199 cơ sở, 1.775
người làm nghề.
Thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số
ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày
19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ
trường; ngay từ đầu năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và UBND các huyện,
thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định của
pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT trên địa bàn tỉnh,
đặc biệt là lực lượng Công an. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã
xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm
bảo ANTT trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở
kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, nhất là vào các dịp lễ, Tết.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tổ chức kiểm
tra 5.644 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện, phát hiện 594 cơ sở vi phạm, xử
lý hành chính số tiền 514 triệu đồng; qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 246 đối
tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; 07 vụ - 10 đối tượng hoạt động
mại dâm; 39 cơ sở hoạt động kích dục và nhiều lỗi vi phạm khác.
Ngoài ra lực lượng Công an đã phối hợp đoàn liên ngành 814 tỉnh kiểm tra
28 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Qua kiểm tra phát hiện 26 cơ sở vi
phạm các lỗi như: không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý ANTT khi kinh
doanh ngành nghề có điều kiện, không ký hợp đồng lao động với nhân viên; tham
gia đoàn liên ngành phòng, chống TNXH kiểm tra 03 karaoke và 02 điểm masages
trên địa bàn tỉnh.
Về ý kiến của cử tri, “đề nghị Nhà nước quản lý
chặt chẽ các loại hình kinh doanh nhạy cảm, có thể gắn camre giám sát các điểm
kinh doanh này…”
Hiện tại, Công an tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thành
phố chỉ đạo, vận động gắn camera giám sát an ninh tại một số địa điểm công
cộng, tuyến đường phức tạp về ANTT, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực
trong phòng ngừa, phát hiện tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Hiện tại
chưa có quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT,
các cơ sở kinh doanh nhạy cảm, phức tạp phải gắn camera giám sát trong các cơ
sở kinh doanh; hơn nữa việc gắn camera giám sát đòi hỏi phải đảm bảo các giải
pháp bảo mật thông tin cá nhân, không xâm phạm quyền tự do hoạt động, kinh
doanh của người dân theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và
các ngành (nhất là lực lượng Công an) tăng cường công tác quản lý, kiểm tra
việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh có điều
kiện về ANTT trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thị Oanh