Qua kết quả khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND
tỉnh cho thấy, việc kiểm tra, hướng dẫn của các Đoàn công tác liên ngành đảm
bảo nghiêm túc, đúng chương trình kế hoạch đề ra; nội dung kiểm tra, hướng dẫn
có trọng tâm, trọng điểm; nội dung yêu cầu doanh nghiệp khắc phục những hạn chế
được nêu rõ ràng, cụ thể; các doanh nghiệp được kiểm tra đã ghi nhận và sẽ tổ
chức khắc phục những lưu ý của Đoàn kiểm tra.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh
hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nhưng về cơ bản tình hình sản xuất, kinh
doanh ở hầu hết các doanh nghiệp được kiểm tra tương đối ổn định, không xảy ra
tranh chấp lao động. Năm 2021, Chính phủ không quy định
các doanh nghiệp phải điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nhưng một số doanh
nghiệp vẫn điều chỉnh tăng lương cho người lao
động. Đa số các doanh nghiệp đã thông
báo kế hoạch thưởng Tết cho người lao động, duy trì mức thưởng Tết theo quy chế
thưởng để giữ chân người lao động; một số doanh nghiệp chưa thông báo nhưng
cũng đã dự kiến kế hoạch thưởng Tết. Phần lớn các doanh nghiệp được kiểm tra đã
đảm bảo chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, một số doanh
nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoạt động, cho lao động nghỉ việc
luân phiên vì không có đơn hàng và nguyên vật
liệu sản xuất, có doanh
nghiệp không thực hiện nâng lương và
thưởng Tết Nguyên đán năm 2021 cho người lao động. Tình hình biến động lao động
trên địa bàn tỉnh năm 2020 còn ở mức cao, có 45% người lao động nghỉ việc (hoặc
cho thôi việc) trong năm 2020 tại các doanh nghiệp được kiểm tra. Hầu hết các
doanh nghiệp có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện được Ngân hàng chính sách xã
hội cho vay để trả lương ngừng việc cho Người lao động theo quy định của Chính
phủ. Trong thời gian qua, tỉnh mới chỉ quan tâm công tác đăng ký doanh nghiệp, chưa chú trọng theo dõi, tổng hợp tình hình doanh nghiệp sau đăng ký
thành lập nhằm kịp
thời nắm bắt và giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh khi doanh nghiệp ngưng
hoạt động.
Một số lỗi vi phạm chủ yếu tại
các doanh nghiệp như: Vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là
việc thực hiện chế độ cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại; có
3/12 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 2.287.682.533 đồng; vi phạm quy định về chế độ
tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, trong đó chủ yếu là chưa xây dựng
hoặc có xây dựng nhưng không áp dụng thang bảng lương; số giờ làm thêm vượt mức
quy định. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa thực hiện việc
trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định, chưa nắm rõ một số quy định về tổ
chức Đại hội công đoàn cơ sở, chưa thực hiện chế độ báo cáo định kỳ cho cơ quan
chức năng theo quy định, vi phạm quy định về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về pháp
luật lao động trong thời gian tới, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ đạo
các cơ quan liên quan tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở cập nhật các quy định mới của Bộ luật
lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành để điều chỉnh các chính
sách, quy chế liên quan đến lợi ích của người lao động, đảm bảo quyền
của các bên trong quan hệ lao động; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử
lý nghiêm các trường hợp
vi phạm pháp luật; tăng số lượng doanh
nghiệp được trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn về lĩnh vực lao động nhằm đảm bảo các chế độ,
chính sách, quyền lợi của người lao động được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định; tăng cường công tác theo dõi, tổng hợp
tình hình doanh nghiệp sau đăng ký thành lập để phối hợp quản lý doanh nghiệp đang còn hoạt động, kịp thời nắm bắt và
giải quyết các vấn đề phát sinh khi doanh nghiệp ngưng hoạt động.
Đức Thể