Tổ chức bộ máy HĐND các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình được tăng cường theo hướng toàn diện, sâu sát, quyết liệt và hiệu quả; có sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa các hình thức, phương thức và các chủ thể giám sát; kịp thời phát hiện, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề vướng mắc, hạn chế, yếu kém, vi phạm trong tổ chức thực hiện và bổ sung hoàn thiện các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền. Hoạt động tiếp xúc cử tri thường kỳ, tiếp xúc cử tri chuyên đề được đổi mới về hình thức và nội dung. Công tác tiếp công dân, chuyển đơn thư, theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo dần đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng.
Mặc dù vậy, chất lượng hoạt động của HĐND vẫn chưa đồng đều, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ ở cả ba cấp, nhất là ở cấp huyện và cấp xã. Hoạt động của HĐND ở một số địa phương vẫn còn hình thức, chất lượng giám sát chưa cao, hoạt động chất vấn, giải trình chưa trở thành nề nếp hoặc chưa đem lại hiệu quả tích cực; còn biểu hiện nễ nang, ngại va chạm. Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, việc tiếp nhận, đôn đốc giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của cử tri, nhất là đối với cấp huyện, cấp xã...Việc chuẩn bị nội dung trình kỳ họp HĐND các cấp chưa đảm bảo thời gian quy định chậm được khắc phục, chất lượng nội dung trình còn hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc..
Ông Thái Bảo - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm báo cáo viên tại Hội nghị triển khai quán triệt Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031.
.
Để nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò của HĐND các cấp trong hệ thống chính trị, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, tiếp tục đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động của HĐND, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031”. Với phương châm hoạt động của HĐND các cấp đến năm 2031 là “Đổi mới - Sâu sát - Khoa học - Hiệu lực - Hiệu quả, Đề án được triển khai thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với HĐND các cấp, giúp cho HĐND các các cấp hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn, để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Theo đó, có 7 mục tiêu cụ thể để thực hiện Đề án này, gồm 100% cấp ủy huyện, thành phố và cấp xã hàng năm ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND. Mỗi nhiệm kỳ có ít nhất 2 lần bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND. HĐND các cấp tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề, chất vấn và tổ chức phiên giải trình. 100% đại biểu HĐND thực hiện tiếp công dân theo quy định. Tất cả kiến nghị, đơn thư của cử tri gửi đến HĐND và đại biểu HĐND phải được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và tăng cường theo dõi việc giải quyết các kiến nghị, đơn thư của cử tri.
Một số vấn đề quan trọng đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng được xác định trong Đề án, đó là: Lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước đảm bảo thượng tôn pháp luật, phù hợp với thực tiễn địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND các cấp, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, sử dụng ngân sách, những vấn đề có tác động đến tâm tư tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức, người dân. Lãnh đạo kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, trình, ban hành nghị quyết của HĐND các cấp. Lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thông qua việc xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của HĐND theo luật định nhưng đòi hỏi cần có sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất, toàn diện của các cấp ủy đảng đối với những vấn đề được xác định trong Đề án để hoạt động của HĐND từng cấp ngày càng chất lượng, nhịp nhàng, hiệu quả hơn. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương về công tác tổ chức bộ máy, cán bộ của HĐND các cấp, nhất là thực hiện chủ trương cơ cấu, giới thiệu Trưởng các Ban HĐND tỉnh, Trưởng các Ban HĐND cấp huyện tham gia cấp ủy cùng cấp nhằm nâng cao vị thế, phát huy vai trò của các Ban HĐND, đồng thời tạo nguồn cán bộ có tính kế thừa, liên tục khi xem xét bố trí chức danh chủ chốt của HĐND trong thời gian tới.
Lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường hoạt động giám sát, giải trình, chất vấn của HĐND (việc tuân thủ pháp luật, việc thực hiện nghị quyết của HĐND, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân) thông qua chỉ tiêu thực hiện hàng năm; những vấn đề có tính chất chế tài đổi với tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc chậm thực hiện những kiến nghị của HĐND qua hoạt động giám sát, giải trình, chất vấn (trong khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có quy định cụ thể về số lượng cuộc giám sát, giải trình hàng năm và biện pháp chế tài đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện kiến nghị sau giám sát) thông qua việc định kỳ hàng năm Đảng đoàn HĐND (đối với cấp tỉnh), Thường trực HĐND đối với cấp huyện và cấp xã báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND, giúp cho cấp ủy có thêm kênh thông tin quan trọng khi xem xét đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong công tác tổ chức và cán bộ. Bên cạnh đó, Đề án cũng xác định, trước khi đánh giá công vụ, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân các sở ngành, UBND các huyện và thành phố trực thuộc UBND tỉnh, UBND tỉnh gửi lấy ý kiến Thường trực HĐND tỉnh. Đối với cấp huyện và cấp xã vận dụng tương tự như cấp tỉnh, giúp cho UBND cùng cấp có thêm thông tin khi xem xét đánh giá mức độ hoàn thành công vụ, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân có liên quan. Lãnh đạo tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hữu quan liên quan đến hoạt động của HĐND các cấp, nhất là tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là yêu cầu thực tế cần thiết của cuộc sống, nhằm ngày càng hoàn thiện thiết chế dân chủ, bảo đảm cho Nhân dân thực hiện được quyền lực của mình. Việc triển khai thực hiện Đề án này sẽ từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động, tạo ra chuyển biến tích cực, hiệu quả trong hoạt động của HĐND các cấp trong nhiệm kỳ còn lại và những năm tiếp theo, qua đó phát huy ngày càng tốt hơn quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan dân cử; đồng thời, khẳng định HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Lê Lài