Từ đầu
nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 05 phiên giải trình liên
quan đến các nội dung như: công tác bồi
thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khôi
phục, cải tạo Quốc lộ 20, đoạn qua tỉnh Đồng Nai; công tác bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư thuộc Dự án đường ven sông Đồng Nai; quá trình thực
hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép cải tạo đất,
xây dựng, chuyển quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 108, tờ bản đồ số 9,
phường Bửu Hòa; kết
quả triển khai thực hiện chủ trương đầu tư 03 dự án nhóm A kết nối cảng hàng
không Quốc tế Long Thành (ĐT.763, ĐT.770B, ĐT.769) và dự án xây dựng đường Liên
cảng, huyện Nhơn Trạch; kết quả xử lý bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho hộ ông
Trần Văn Thành và 140 trường hợp có liên quan để thực hiện dự án khu công nghiệp
Thạnh Phú và việc xử lý kiến nghị của Công ty TNHH Vạn Phúc trong việc xác định
nghĩa vụ tài chính đối với dự án nhà ở công nhân và chuyên gia tại xã Phú Hội
huyện Nhơn Trạch. Việc tổ chức giải trình, nội dung, kế
hoạch tổ chức giải trình được thực hiện theo đúng Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15
ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt
động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại
biểu HĐND và quy chế hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh. Sau phiên giải trình, để khắc phục những tồn tại kéo
dài, Thường trực HĐND tỉnh đã có nhiều kiến nghị đối với UBND tỉnh, các cơ
quan, đơn vị, địa phương các vấn đề có liên quan nội dung giải trình, đề nghị
thanh tra làm rõ vụ việc. Qua các phiên giải trình cho thấy, việc tổ chức giải
trình đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật; nội dung yêu cầu giải trình
cơ bản bám sát vấn đề mà cử tri và đại biểu quan tâm, qua giải trình đã làm rõ
được những hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và hướng giải quyết tồn tại, hạn
chế của nội dung giải trình. Từ thực tiễn cho thấy, các phiên giải trình của
Thường trực HĐND tỉnh đã phần nào tác động tích cực đến công tác quản lý, điều
hành của UBND tỉnh, hoạt động của các sở, ngành, địa phương, làm rõ thực trạng
trong công tác quản lý Nhà nước của các cơ quan, đơn vị; nguyên nhân khách
quan, chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; góp phần khắc
phục những hạn chế, tồn tại thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,
ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

Phiên họp giải trình của
Thường trực HĐND tỉnh về kết quả triển
khai thực hiện chủ trương đầu tư các dự án
Bên cạnh những
kết quả đạt được, hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh thời gian qua
vẫn có một số tồn tại, hạn chế như: việc đề xuất, lựa chọn nội dung phiên giải
trình tổ chức phiên giải trình còn hạn chế; phương thức tổ chức chủ yếu vẫn là
nghe trình bày báo cáo; hoạt động phản biện, tranh luận tại phiên giải trình
chưa nhiều; đa số các câu hỏi yêu cầu giải trình chủ yếu do các đại biểu chuyên
trách đặt ra; việc tổ chức thực hiện các kiến nghị sau giải trình của Thường
trực HĐND tỉnh tiến độ còn chậm, chưa được giải quyết dứt điểm, Thường trực
HĐND tỉnh phải có văn bản đôn đốc kết quả nhiều lần. Do đó để khắc phục tồn
tại, hạn chế và tiếp tục nâng cao chất lượng phiên giải trình thời gian tới,
Thường trực HĐND tỉnh cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ
nhất, trước khi tổ chức phiên
giải trình, cần tập trung nghiên cứu, rà soát, xem xét kỹ lưỡng việc lựa chọn
nội dung, vấn đề giải trình.
Thứ hai, trong quá trình tổ chức phiên giải trình, cần
chú trọng công tác chuẩn bị, như: việc tiếp cận, thu thập thông tin, xây dựng
đề cương yêu cầu báo cáo; xem xét chất lượng, nội dung báo cáo giải trình,
chuẩn bị nội dung phản biện, tranh luận tại phiên giải trình.
Thứ
ba, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn
vị có liên quan tại phiên giải trình trong việc chuẩn bị báo cáo bảo đảm đầy đủ
theo nội dung yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh; người trả lời giải trình phải
đề cao trách nhiệm cá nhân, trả lời thẳng vấn đề trọng tâm, nêu rõ mặt tích cực
và những thiếu sót để khắc phục, tránh trả lời chung chung, đùn đẩy trách
nhiệm.
Thứ tư, chủ trì điều hành phiên giải trình cần linh hoạt,
gợi mở vấn đề trọng tâm; khuyến khích đại biểu tranh luận, làm rõ nội dung giải
trình.
Thứ năm, nội dung kết luận phiên giải trình phải xác định rõ
trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan; đề ra các kiến nghị cụ thể
nhằm tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc và có yêu cầu phù hợp về thời hạn hoàn
thành từng nội dung, vấn đề cụ thể để tiếp tục theo dõi, giám sát.

Phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh năm 2024
Thứ Sáu, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu và đại
biểu HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc các đơn vị liên quan
thực hiện kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau phiên giải trình; kịp thời có
ý kiến đối với các kiến nghị chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đầy đủ…
Thứ
bảy, các đại biểu HĐND tỉnh cần nâng cao trách nhiệm của
mình, sâu sát cơ sở, thường xuyên gần gũi với cử tri để lắng nghe, nắm tình
hình; xem xét việc triển khai và kết quả công tác của cơ quan, đơn vị, địa
phương… để nắm thông tin chính xác, thảo luận, đề xuất các nội dung, vấn đề lựa
chọn giải trình; đồng thời tham gia thảo luận, tranh luận làm rõ vấn đề tại
phiên giải trình.
Thứ
tám, tập
trung tổ chức thực hiện tốt Đề
án của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy về
"Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh
Đồng Nai đến năm 2031" đối với những nhiệm vụ liên quan đến tổ chức phiên
giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.
Hy vọng trong thời gian tới, phiên giải trình của
Thường trực HĐND tỉnh ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả góp phần
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao từ cử tri, Nhân
dân trong tỉnh, vun đắp niềm tin của cử tri với cơ quan dân cử./.
Ngọc Diệp