Cảnh giác trước các dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên đán

Đăng ngày: 06/01/2025
​Nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán đã tạo cơ hội cho các dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội nở rộ. Tuy nhiên, bên cạnh những dịch vụ uy tín, không ít đối tượng lợi dụng lòng tin của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc nhận diện những dấu hiệu, thủ đoạn thường gặp, hậu quả và cách phòng tránh để bảo vệ tài sản của mình.

 

 06012025-Cgdvdttm-hdnd-1.jpg

Năm nào cũng vậy, cứ đến cận dịp Tết, chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền lì xì tết” trên mạng xã hội là hàng trăm bài đăng, hội nhóm hiện ra với những lời mời gọi, cam kết “tiền thật”, “tiền mới”, “giá rẻ nhất thị trường”,...Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu hay tuyển cộng tác viên đăng bài. Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, “dân buôn tiền” trên mạng internet còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ của loại tiền.

Tham khảo giá một vài cơ sở đổi tiền mới tại Hà Nội, mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng có phí đổi là khoảng từ 5 - 6%. Với mức tiền cao hơn hoặc đổi nhiều tiền hơn thì mức phí đổi sẽ rẻ hơn một chút. Thậm chí, còn có khái niệm “tiền lướt”, tức là tiền đã qua sử dụng thì mức phí đổi chỉ khoảng 2-3%. Tuy nhiên, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền. Thực tế đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, “bùng” tiền cọc của khách. Thông thường những người “sập bẫy” các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều xem như “xui”, không dám trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả.

Theo đó, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.

 

Những dấu hiệu và thủ đoạn thường gặp:

- Tỷ giá quá hấp dẫn: Các đối tượng thường đưa ra tỷ giá đổi tiền chênh lệch rất cao so với thị trường, đánh vào lòng tham của người dùng.

- Yêu cầu chuyển khoản trước: Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất. Các đối tượng yêu cầu người dùng chuyển tiền trước khi nhận tiền đổi. Sau khi nhận được tiền, chúng sẽ chặn liên lạc và biến mất.

- Sử dụng tài khoản ảo, thông tin không rõ ràng: Các dịch vụ lừa đảo thường sử dụng tài khoản mạng xã hội mới lập, ít tương tác hoặc thông tin cá nhân không rõ ràng, khó xác minh.

- Giả mạo các dịch vụ uy tín: Các đối tượng có thể giả mạo logo, hình ảnh của các ngân hàng hoặc dịch vụ đổi tiền uy tín để tạo lòng tin cho người dùng.

- Đổi tiền giả: Một số đối tượng lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dùng để trà trộn tiền giả vào số tiền được đổi.

- Chuyển hướng sang các ứng dụng nhắn tin bảo mật: Gần đây, các đối tượng lừa đảo có xu hướng chuyển từ Telegram sang các nền tảng như Signal để tránh bị phát hiện và truy vết.

Hậu quả:

- Mất tiền: Đây là hậu quả trực tiếp và phổ biến nhất. Người dùng có thể mất toàn bộ số tiền đã chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo.

- Nhận tiền giả: Hậu quả này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn có thể khiến người dùng vướng vào các vấn đề pháp lý nếu sử dụng tiền giả để giao dịch.

Cách phòng tránh:

- Không nên đổi tiền qua các dịch vụ trên mạng xã hội: Cách tốt nhất là nên đổi tiền tại các địa điểm uy tín như ngân hàng, tiệm vàng được cấp phép hoặc các điểm đổi ngoại tệ được nhà nước cho phép.

- Cảnh giác với những lời mời chào hấp dẫn: Không tin vào những lời quảng cáo tỷ giá quá tốt so với thị trường.

- Kiểm tra kỹ thông tin của dịch vụ: Tìm hiểu kỹ về thông tin của người cung cấp dịch vụ, kiểm tra đánh giá của những người dùng trước đó.

- Không chuyển khoản trước khi nhận tiền: Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ ai trước khi nhận được tiền đổi.

- Báo cáo các hành vi nghi ngờ: Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu lừa đảo nào, hãy báo cáo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

- Nâng cao kiến thức về phòng chống lừa đảo trực tuyến: Tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống để trang bị kiến thức và kỹ năng phòng tránh.

 

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo. Chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp. Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường. Cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng. Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Minh Hồng