Thời gian tới, nhằm tiếp
tục phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát
huy hơn nữa vai trò của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đối với sự phát
triển của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật;
phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu với tinh thần “Đảng lãnh đạo,
Chính phủ thống nhất, Quốc hội ủng hộ, Nhân dân đồng tình, Tổ quốc mong đợi thì
chỉ bàn làm, không bàn lùi”; việc phân công nhiệm vụ trong công tác xây dựng và
tổ chức thi hành pháp luật phải bảo đảm yêu cầu 5 rõ: “rõ việc, rõ người, rõ thời
hạn, rõ trách nhiệm, rõ kết quả” và có cơ chế, chính sách khen thưởng, xử lý vi
phạm kịp thời; tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp
đề ra, trong đó lưu ý một số nội dung trọng tâm sau đây:
Bám sát đường lối, chủ
trương của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng
và tổ chức thi hành pháp luật; quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng,
các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác
xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tập trung xây dựng văn hoá tuân thủ
pháp luật, liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trước hết là trong
cán bộ, đảng viên của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Bám sát những yêu cầu,
nội dung mới, trọng tâm đối với từng luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại
Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Các Bộ: Tư pháp, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ,
Xây dựng, Công Thương chủ trì triển khai thi hành kịp thời, quyết liệt và có hiệu
quả các luật, nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trình Chính phủ
ban hành trong tháng 3 năm 2025 đối với 07 nghị định quy định chi tiết thi hành
các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Tập trung nguồn lực, khẩn
trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ ban hành trong tháng 3 năm 2025, chậm nhất là tháng 4 năm 2025 đối với 45
văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực, quyết tâm giải
quyết dứt điểm tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; đẩy nhanh tiến
độ xây dựng, ban hành 108 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết sẽ có
hiệu lực từ 01 tháng 4 năm 2025 và trong thời gian tới.
Tiếp tục phát huy tinh
thần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội và các cơ quan liên quan trong công tác xây dựng và 3 tổ chức thực hiện
pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và cá
nhân cán bộ, công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện,
ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong
thi hành pháp luật; thường xuyên đánh giá hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Tăng cường quán triệt, phổ biến luật, nghị quyết để các cơ quan, tổ chức, cá
nhân hiểu đúng, đầy đủ các quy định. Chú trọng công tác truyền thông chính
sách, đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp trong quá trình
xây dựng và thực thi pháp luật.
Khẩn trương rà soát, đề
xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm vi là các vấn đề về tổ
chức bộ máy; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm
quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến thực hiện Kết luận
số 127-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục
rà soát, đề xuất xử lý những vướng mắc, bất cập, nhất là các vấn đề liên quan đến
phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, phổ biến và ban hành Kế hoạch
triển khai thi hành các luật, nghị quyết trên địa bàn; chuẩn bị điều kiện cần
thiết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao; kịp thời báo cáo
cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Thu
Hương