Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tinh gọn đồng thời cũng ban hành những văn bản quy định trách nhiệm của cán bộ công chức khi thi hành công vụ cũng như giải quyết công việc của người dân, nghiêm cấm các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và công dân khi giải quyết công việc.
Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật đất đai năm 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký quyền sử dụng đất, thủ tục hải quan... đối với mọi tổ chức và công dân muốn thành lập doanh nghiệp, xin cấp giấy CNQSDĐ.... nhưng trong thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng các cơ quan chức năng ( bao gồm người đứng đầu cơ quan hoặc cán bộ công chức được giao nhiệm vụ) thiếu trách nhiệm không thực hiện đúng quy định gây thiệt hại cho người dân như ban hành Quyết định hành chính có nội dung trái pháp luật hoặc có những hành vi hành chính không đúng với quy định của pháp luật như nhũng nhiễu, hách dịch, vòi vĩnh, chậm giải quyết công việc của người dân....
Để khắc phục hậu quả của hiện tượng này, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, Luật khiếu nại và tố cáo và Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính ( sửa đổi, bổ sung năm 2006 đã bổ sung rất nhiều loại khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án) quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cơ quan, tổ chức khi có quyen và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó là trái pháp luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó.
Tuy nhiên trong thực tế việc giải quyết khiếu nại theo con đường hành chính thì có các hạn chế như các cơ quan chức năng chậm giải quyết, kéo dài thời gian ( thậm chí có nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm) hoặc chỉ giải quyết việc xem xét lại quyết định hành chính đúng hay sai mà không đề cập đến việc bồi thường thiệt hại, một mặt do cơ quan chức năng né tránh trách nhiệm, mặt khác hệ thống pháp luật nước ta chưa có Luật bồi thường thiệt hại để điều chỉnh đối với các thiệt hại do cơ quan hành chính gây ra. Hiện nay chỉ có các văn bản quy định một cách chung nhất như Pháp lệnh cán bộ công chức, Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 Về việc xử lý kỷ luật đối cán bộ công chức, nhưng nội dung Nghị định này chỉ nêu các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức khi thành công vụ mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu đối tượng này gây thiệt hại cho tổ chức và công dân, điều 8 NĐ 35/2005/NĐ-CP quy định hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; hạ ngạch; cách chưc; buộc thôi việc.Trên thực tế đến nay chưa có công chức nào phải thực hiện trách nhiệm hoàn trả mà chủ yếu là xử lý nội bộ.
Đối với Tòa án hành chính khi phán quyết một bản án hành chính phần bồi thường thiệt hại trong thực tế cũng khó thi hành hơn một bản án dân sự vì chưa có chế tài cụ thể hoặc còn nể nang nhau trong quá trình thi hành dẫn đến thiệt hại cho người dân vì không đảm bảo kịp thời.
Vì vậy vấn đề đặt ra đối với các cơ quan lập pháp phải nhanh chóng xây dựng Luật bồi thường nhà nước. Với hình thức Văn bản pháp lý có hiệu lực cao như vậy mới đảm bảo được hiệu quả thi hành và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Cơ sở để xây dựng Luật dựa trên nền tảng các quy định hiện hành như Pháp lệnh cán bộ công chức, Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 xử lý kỷ luật cán bộ công chức, NĐ 118/2006/NĐ-CP ngày 10/10/2006 của Chính phủ về xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ công chức và các văn bản có liên quan. Phải xác định cụ thể phạm vi áp dụng của Luật bồi thường nhà nước hay các lĩnh vực hoạt động mà nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường và đó cũng la một dạng đặc biệt của chế định trách nhiệm ngoài hợp đồng. Quy định cụ thể điều kiện phát sinh, nghĩa vụ chứng minh, các loại thiệt hại được bồi thường, nguyên tắc suy đoán lỗi, nguyên tắc bồi thường toàn bộ, cơ chế hoa giải trước khi khởi kiện ra tòa.
Cơ quan giải quyết bồi thường phải quy về một đầu mối, theo đó có thể Bộ tư pháp sẽ là cơ quan đại diện bồi thường do cán bộ cong chức cơ quan Trung ương gây ra, Sở Tư pháp sẽ chịu trách nhiệm bồi thường do cán bộ công chức ở cơ quan địa phương gây ra. Như vậy khi cá nhân bị oan sai hoặc bị gây thiệt hại do bất cứ cơ quan nhà nước nào gây ra thì chỉ cần liên hệ trực tiếp đến Sở Tư pháp hoặc Bộ Tư pháp đòi bồi thường, đồng thời bổ sung những quy định cụ thể về mức bồi thường, thời hạn bồi thường, và tiền bồi thường, trường hợp nào sẽ do công chức tự bỏ ra, biện pháp cưỡng chế thi hành, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nếu để xãy ra vi phạm.....như vậy sẽ mang tính thuyết phục cao đồng thời đề cao trách nhiệm của cán bộ công chức khi thi hành công vụ và hạn chế được những đơn thư khiếu kiện của người dân.
Theo nguồn tin của Bộ Tư pháp Luật bồi thường Nhà nước sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2009.
Phương Anh