Hôm nay chúng ta cùng hội tụ về đây vui mừng, kỷ niệm một ngôi trường đặc biệt vừa tròn 10 năm tuổi với một cảm xúc khó nói hết thành lời. Đúng thế, trong mười năm qua (1997 - 2007), Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật (TTNDTKT) tỉnh Đồng Nai đã có một bước tiến bộ đáng kể, vượt cả không gian và thời gian. Bằng tình thương yêu và lòng nhân hậu của đội ngũ thầy cô giáo, nhân viên phục vụ ở đây; sự quan tâm giúp đỡ của mọi cấp, mọi ngành; sự sẻ chia của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng bạn bè quốc tế đã gặt hái được những thành quả thật đáng trân trọng. Đó là góp phần đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình có con em thiếu may mắn, được Trung tâm nuôi dạy tiến bộ đến không tưởng...
Thật vậy, trẻ em sinh ra chẳng may bị khuyết tật là nỗi đau không những của các bậc làm cha mẹ, mà còn là nỗi xót thương chung của toàn xã hội. Song những năm gần đây, những đứa trẻ bất hạnh này được các trường, Trung tâm NDTKT cưu mang nuôi dưỡng và giáo dục để các em sớm tự lập, hòa nhập vào cộng đồng xã hội. Từ 36 cháu buổi đầu khắp nơi trong tỉnh được đón nhận về đây để nuôi dạy, đến nay đã có trên 170 cháu. Bước đầu chỉ dạy cho học sinh khiếm thính, sau vài năm đã nhận thêm học sinh khiếm thị. Từ giáo dục cấp Tiểu học đã mở thêm hệ Mẫu giáo và Trung học cơ sở, Bổ túc văn hoá. Trung tâm đã áp dụng thành công dạy chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị, dạy cho các cháu học nhạc, học vẽ, học múa hát, làm nội trợ, học ứng xử trong cuộc sống và cả học nghề nhằm tự phục vụ cho bản thân mình, đồng thời hướng tới hòa nhập với cộng đồng. Nếu như bước khởi đầu khi gửi con em mình vào TTNDTKT với tâm trạng bâng khuâng lo lắng, ray rứt của các bậc cha mẹ, thì chỉ sau một thời gian đã hiện trên khóe mắt nụ cười, những giọt lệ mừng vui bởi thấy con cái có bước tiến khá dài về mọi mặt, và niềm tin tưởng cứ nảy nở, phát triển ngày càng thêm rộng, thêm sâu. Mỗi lần đến với Trung tâm, chúng ta được tận mắt xem các cháu học văn hóa, làm thơ, sáng tác nhạc, vẽ tranh, làm các sản phẩm mỹ thuật, tự tay nấu những món ăn ngon; nhìn ngắm những bức tranh nghệ thuật giàu trí tưởng tượng do các cháu tự vẽ, xem các chương trình nghệ thuật do các cháu biểu diễn, và hơn thế nữa mỗi khi hát quốc ca, các cháu đã thể hiện một tình yêu quê hương, đất nước với cả trái tim và tâm hồn bé nhỏ của mình. Không ai không xúc động, ngạc nhiên và thán phục; điều đó cũng khẳng định niềm tin về tình yêu cuộc sống thiết tha và nghị lực vươn lên của các cháu, những tâm hồn bé nhỏ, không cam chịu bất hạnh, đã và đang từng ngày nỗ lực phấn đấu vươn lên hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Những thành quả đạt được nêu trên, là do sự phấn đấu nổ lực vươn lên không ngừng của CB - GV - CNV của Trung tâm, mà trên hết chính là lòng thương yêu các cháu như con em ruột của mình, anh chị em đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đoàn kết phấn đấu với tinh thần: “Tất cả vì đàn em thân yêu”. Bằng tất cả những gì mà Trung tâm đã làm được, tôi cho rằng TTNDTKT Đồng Nai là “Nơi hội tụ ánh sáng của tình thương và trách nhiệm” một cách thật trọn vẹn và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Với tất cả lòng trân trọng, cá nhân tôi cũng như các bậc phụ huynh học sinh và nhân dân tỉnh nhà xin ghi nhận tấm lòng và công lao đóng góp của tập thể giáo viên, công nhân viên Trung tâm trong suốt 10 năm qua đã hết lòng chăm sóc, rèn dạy các thế hệ học sinh khuyết tật trở thành những con người có ích cho gia đình và xã hội. Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà hảo tâm, các đơn vị tài trợ, các tổ chức đoàn thể - xã hội trong và ngoài nước đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, động viên kịp thời và rất hiệu quả cho thầy và trò Trung tâm suốt trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, qua khảo sát của các ngành chức năng, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có trên 3000 trẻ em khuyết tật, trong đó có khoảng 1/5 là trẻ em bị câm, điếc và mù. Trước thực trạng ấy là gánh nặng của gia đình và toàn xã hội để sẻ chia với sự bất hạnh đó, ngoài sự nỗ lực của ngành GD và ĐT tỉnh nhà, trong đó có phần đóng góp tiếp nhận ở TTNDTKT là đáng quý nhưng chưa đủ, mà phải có sự tham gia nhiệt tình của ban, ngành, đoàn thể và chung tay của toàn xã hội. Ngoài ở cấp tỉnh, nên chăng các huyện, thị có thể hình thành những Trung tâm với quy mô khác nhau để hướng đạo các em vừa học chữ, dạy nghề làm hành trang cho cuộc sống lâu dài.
Với sự quyết tâm của đội ngũ thầy cô giáo, anh chị em phục vụ tại Trung tâm và sự giúp đỡ đầy lòng nhân đạo của quý vị từ mọi miền đất nước cùng các tổ chức nhân đạo và bạn bè quốc tế. Tôi tin rằng trong thời gian tới, TTNDTKT sẽ có bước tiến mới bền vững và ấn tượng hơn; phấn đấu mở rộng vòng tay yêu thương đón nhận thêm nhiều trẻ em khuyết tật chưa có điều kiện đến trường đồng thời sáng tạo thêm nhiều cách làm hay, cách dạy mới góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh nhà.
Nguyễn Quang Minh