Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 48-T11.2008

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em để chuẩn bị cho một thế hệ mới đầy đủ sức khỏe và trí tuệ

Đăng ngày: 15/12/2008
Một trong những quyền của trẻ em là quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng để không bị suy dinh dưỡng, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước với đầy đủ sức khỏe và trí tuệ, xây dựng đất nước giàu mạnh và văn minh. Thực hiện quyền giám sát của HĐND trên lĩnh vực này, vừa qua Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát công tác chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Đoàn giám sát trao đổi với Trưởng trạm y tế xã Xuân Đông
Để thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010, ngành y tế tỉnh Đồng Nai cùng với sự phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông dinh dưỡng, giáo dục phổ cập kiến thức dinh dưỡng, hỗ trợ mô hình về chăm sóc sức khỏe trẻ em đạt một số kết quả khả quan. Với sự nỗ lực của 1.002 cộng tác viên dinh dưỡng, 11 cán bộ chuyên trách cấp huyện, 172 cán bộ chuyên trách cấp xã, trong thời gian qua công tác dinh dưỡng trẻ em được quan tâm đẩy mạnh.

Công tác giáo dục truyền thông về dinh dưỡng là hoạt động trọng tâm của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, ngành y tế đã đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống suy dinh dưỡng, tập trung vào các biện pháp cải thiện chất lượng chăm sóc trẻ trong giai đoạn đầu đời, chú trọng tổ chức truyền thông cho một số huyện có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao của tỉnh như Tân Phú, Cẩm Mỹ, Định Quán, Xuân Lộc, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tư vấn tại Trung tâm cho bà mẹ nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi, tư vấn giúp bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lên cân, kết quả 90% trẻ dưới 2 tuổi được thực hành dinh dưỡng (mẹ và bé được dự các buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nấu ăn, tại đó trẻ được hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng) 2 lần/năm, 95% bà mẹ mang thai được hướng dẫn kỹ thuật nấu ăn để nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong bào thai và cho trẻ từ khi mới chào đời. Tại  tuyến tỉnh, đã tiến hành tư vấn cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 5 tuổi trực tiếp hoặc thông qua điện thoại cho hơn 450 trường hợp trong năm 2007. Công tác giáo dục phổ cập kiến thức về dinh dưỡng và các bệnh liên quan đến dinh dưỡng được thực hiện có hiệu quả. Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản đã tổ chức tập huấn kiến thức dinh dưỡng và kỹ năng thực hành dinh dưỡng cho cán bộ chuyên trách làm công tác dinh dưỡng cấp huyện, cấp xã và cộng tác viên dinh dưỡng trên toàn tỉnh nắm được công tác truyền thông và thực hành kỹ năng về dinh dưỡng.

Công tác giám sát về dinh dưỡng là một hoạt động chuyên môn trọng tâm của công tác dinh dưỡng trẻ em. Hàng năm, trung tâm xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát như các chiến dịch cân trẻ, theo dõi hàng tháng đối với trẻ suy dinh dưỡng. Qua những đợt giám sát này, các cộng tác viên dinh dưỡng cung cấp số liệu để tổng hợp danh sách trẻ em suy dinh dưỡng, qua đó có chế độ hướng dẫn, chăm sóc đặc biệt, đồng thời cộng tác viên và cán bộ chuyên trách sẽ tư vấn dinh dưỡng, vận động đưa trẻ đi khám bệnh, cấp sản phẩm phục hồi dinh dưỡng và theo dõi cân nặng hàng tháng cho trẻ. Tuy nhiên, công tác giám sát này gặp một số khó khăn do cộng tác viên của chương trình là y tế thôn ấp phần lớn là lớn tuổi, trình độ hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn nên thường thay đổi công việc, vì thế có một số người chưa qua các khóa tập huấn về nghiệp vụ cân trẻ. Ngoài ra, tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế (còn có quan niệm sợ cân trẻ sẽ dẫn đến trẻ chậm lớn) cũng là một yếu tố gây khó khăn cho công tác cân trẻ đồng loạt tại các chiến dịch.

Một số khó khăn khác gồm vấn đề trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông và vấn đề kinh phí. Hiện nay, một số trang thiết bị như thước đo chiều dài nằm, chiều cao đứng theo chuẩn, công cụ truyền thông như máy chiếu, tranh ảnh, sách vở hướng dẫn chăm sóc trẻ… còn thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về dinh dưỡng. Về kinh phí hiện tại cấp cho cộng tác viên dinh dưỡng là khá thấp (20.000đ/tháng), trong điều kiện hoạt động địa bàn nông thôn rộng, địa hình phức tạp đã gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ. Đối với kinh phí phục hồi dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng hiện được cấp không đủ nên chỉ tập trung ở một số ít xã có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao, kết quả năm 2007 chỉ có 210/27.730 trẻ toàn tỉnh được hỗ trợ sản phẩm phục hồi dinh dưỡng.

Ngoài ra, liên quan đến việc thực hiện các chương trình truyền thông về dinh dưỡng cũng như hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ do Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản phối hợp với các trạm y tế xã thực hiện cũng gặp một số khó khăn. Do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của trạm y tế xã nhìn chung còn thiếu thốn, trong khi việc triển khai các dự án xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị của ngành y tế thực hiện khá chậm. Hiện nay mới chỉ có 85/171 trạm y tế có trang thiết bị y tế theo chuẩn y tế xã. Ngoài ra, do tỉ lệ trạm y tế có bác sĩ công tác ổn định trên địa bàn tỉnh mới đạt 90/171 trạm, vì thế gây ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân và công tác phối hợp với Trung tâm Chăm sóc SKSS thực hiện các chương trình công tác của tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có các chương trình truyền thông.

Việc cải tiến công tác chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, trước mắt cần đẩy mạnh truyền thông về dinh dưỡng dưới nhiều hình thức để người dân được nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý, tiến hành nhiều hoạt động chuyên môn như tăng cường thực hành dinh dưỡng tại cộng đồng tạo cơ hội để nhiều người có cơ hội tiếp cận với kiến thức về dinh dưỡng. Đối với góc độ cơ quan quản lý nhà nước, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài chính và các cơ quan chức năng có liên quan để cân đối ngân sách cho chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em để tổ chức thực hiện được nhiều chương trình truyền thông dinh dưỡng và hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông về dinh dưỡng và nghiên cứu, xem xét chế độ phụ cấp cho cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và cộng tác viên dinh dưỡng của tỉnh. Ngoài ra, sự phối hợp của Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể: Hội phụ nữ, Tỉnh đoàn, Hội nông dân, các cơ quan truyền thông và chính quyền các địa phương trong tỉnh cũng có vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng, về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để xây dựng các chương trình tuyên truyền, giáo dục, phối hợp lồng ghép với các chương trình quốc gia về dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em để nâng cao hiệu quả của công tác này trên địa bàn tỉnh.

Kim Chung