Ban chỉ đạo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 và mùa Lễ hội năm 2013, trong đó chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại cơ quan quản lý cấp dưới và cơ sở thực phẩm. Theo đó, ở cấp tỉnh đã thành lập 04 đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng làm Trưởng đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 11 huyện, thị xã, thành phố và công tác triển khai thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo cấp huyện. Tại các địa phương cũng thành lập 182 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra nhanh 01 mẫu nem chua
của một cơ sở sản xuất phực phẩm trên địa bàn huyện Long Thành
Đối với 04 đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh đã thanh tra 37 cơ sở, số cơ sở vi phạm là 32 cơ sở (tỷ lệ 86,4% so với các cơ sở được thanh tra) và được giao về địa phương xử lý. Nội dung vi phạm chủ yếu của các cơ sở là điều kiện về con người (48,64%), điều kiện vệ sinh cơ sở (43,2%), điều kiện vệ sinh trang thiết bị dụng cụ (29,72%), công bố tiêu chuẩn sản phẩm (16,21%), ghi nhãn thực phẩm (13,51%) và chất lượng sản phẩm (8,1%).
Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện cũng đã tiến hành đã thanh tra 4.665 cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm và bị xử lý là 113 cơ sở (cảnh cáo 108 cơ sở và phạt tiền 05 cơ sở với tổng số tiền 7.250.000 đồng).
Tuy nhiên, công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, sự chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế, như: các đoàn thanh tra, kiểm tra cấp huyện, cấp xã chưa mạnh dạn xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm, vì vậy, chưa đủ sức răn đe đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, dẫn đến tỷ lệ vi phạm về an toàn thực phẩm tại các cơ sở còn cao; công tác phối hợp liên ngành của các cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao, còn mang tính đối phó; công tác tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
Ban VH-XH HĐND tỉnh tham gia Đoàn liên ngành số 01 của tỉnh kiểm tra
tại 01 cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Long Thành
Để việc triển khai thực hiện công tác an toàn thực phẩm được tốt hơn trong thời gian tới, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn: tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thức ăn đường phố. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn, răn đe, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; các cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm cấp tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra các cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng quản lý, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong thời gian tới.
Hòa Bình