Trên lĩnh vực chính trị: Toàn tỉnh đã phát triển được 7.247 đảng viên nữ/16.747 đảng viên mới, nâng số đảng viên nữ toàn tỉnh lên 17.081 người (chiếm tỷ lệ 33% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 18,18%, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân là 30% ở cấp tỉnh, 27% ở cấp huyện và 25% ở cấp xã.
Đối với lĩnh vực kinh tế, lao động: 433.500 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có gần 46.000 lao động nữ; 129.798 lao động nữ /242.399 tổng số lao động được tổ chức dạy nghề; 26.996 lao động nữ/ tổng số 62.534 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, từ các nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, các mô hình, dự án lồng ghép phát triển kinh tế - xã hội đã giải quyết cho 45.415 hộ do phụ nữ làm chủ hộ với số tiền 650 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.296 doanh nghiệp có nữ làm chủ doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Năm học 2012-2013, toàn tỉnh đã huy động 95% trẻ em gái trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp (tăng 05% so với năm học trước); 90% trẻ em gái học cấp tiểu học; 100% các trẻ em gái tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6, tốt nghiệp lớp 9 vào học lớp 10. Số cán bộ, công chức, viên chức nữ được tham gia các khóa đào tạo về quản lý nhà nước và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ là 734 người (chiếm 26% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức của ngành).
Lĩnh vực y tế cũng đạt được nhiều thành quả đáng kể trong công tác bình đẳng giới, toàn tỉnh đã giảm tỷ số giới tính khi sinh xuống còn 108 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (năm 2007 là 119 bé trai/ 100 bé gái); giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống còn 8,41/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2007 là 15/100.000 trẻ đẻ sống); giảm tỷ lệ phá thai xuống còn 20,8/100 trẻ đẻ sống; tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên 75% (năm 2007 là 60%); 100% Trạm y tế xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh; 90% Trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ định biên; 100% cơ sở y tế xã, phường, thị trấn đảm bảo cung cấp thuốc, vật tư, trang thiết bị kỹ thuật, trang thiết bị phù hợp phục vụ làm mẹ an toàn.
Bên cạnh các kết quả đạt được, một số chỉ tiêu, kế hoạch, hành động của tỉnh vẫn chưa đạt theo kế hoạch đề ra như tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao; tình trạng nạo, phá thai trong thanh niên và trẻ em vị thành niên vẫn chưa giảm; tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề dài hạn còn thấp; tỷ lệ nữ cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ trên lĩnh vực giáo dục còn thấp (chỉ đạt 31%)…; việc tiếp cận quan điểm về giới, bình đẳng giới ở một số ngành, địa phương chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức; các hoạt động triển khai, phổ biến Luật bình đẳng giới, kiến thức bình đẳng giới còn mang tính hình thức; công tác lồng ghép giới vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách chưa được thực hiện đầy đủ, đồng bộ, chỉ động ở tất cả các cấp, các ngành; việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới chưa nghiêm, còn tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ, đặc biệt là trong gia đình; công tác quy hoạch, đào tạo thiếu tính chiến lược, việc xây dựng quy hoạch chưa gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt cán bộ nữ, do vậy tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở các cấp, các ngành và cơ quan dân cử, cấp ủy còn thấp… Nguyên nhân của những khó khăn trên chủ yếu là do nhiều chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới chưa được các cấp, các ngành quán triệt thực hiện nghiêm túc; một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác bình đẳng giới, chưa chủ động tổ chức, triển khai thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ nữ lãnh đạo ở một số đơn vị chưa được lãnh đạo quan tâm kịp thời; sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện còn thiếu đồng bộ…
Hòa Bình