Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 79-T10-2011

Cử tri Đồng Nai nói gì về Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A?

Đăng ngày: 27/05/2013
​Mặc dù biết dự án hoàn toàn không nằm trên địa phận của tỉnh, vì vậy tỉnh không được lấy ý kiến trong quá trình xem xét, đánh giá hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, cử tri tỉnh Đồng Nai vẫn hết sức quan tâm, bức xúc vấn đề này. Tại đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri phường Long Bình Tân thành phố Biên Hòa kiến nghị: UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ không thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì khi thực hiện dự án sẽ phá nhiều diện tích rừng đầu nguồn thuộc Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống của cộng đồng dân cư thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ.

​     Theo thống kê mới nhất, trong số 145 vườn quốc gia của cả nước đã có tới 45 vườn quốc gia có dự án thủy điện nằm bên cạnh. Chỉ tính riêng trên dòng chính của sông Đồng Nai hiện nay đã có 9 nhà máy thủy điện: Đa Nhim, Đại Ninh, Trị An, Đồng Nai 2, 3, 4, 5 và hai dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng là Đồng Nai 6 và 6A. Hai dự án này nằm trên lưu vực sông Đồng Nai vừa được Bộ Công Thương (theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) xem xét, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch thủy điện sông Đồng Nai tại Quyết định số 5117/QĐ-BCT ngày 14 tháng 10 năm 2009. Khu vực dự án nằm trên địa bàn ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đắc Nông, hoàn toàn không nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư, thì  các dự án nằm trên địa bàn nhiều tỉnh sẽ do Thủ tướng Chính phủ  quyết định đầu tư sau khi xem xét ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và các địa phương có dự án. Tuy nhiên, do tỉnh Đồng Nai nói riêng và các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung, phần lớn nằm ở khu vực hạ du sông Đồng Nai (phía dưới thủy điện Đồng Nai 6 và 6A), đồng thời khi thực hiện dự án phải sử dụng một phần diện tích rừng thuộc vườn quốc gia Nam Cát Tiên làm hồ chứa thủy điện, do đó việc thực hiện dự án chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến Đồng Nai và khu vực Đông Nam bộ, ảnh hưởng lớn nguồn tài nguyên động, thực vật và công tác bảo vệ rừng mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra sức giữ gìn mấy chục năm qua.

     Theo tính toán, dự án Thủy điện Đồng Nai 6 sẽ làm ngập gần 171 ha đất rừng, trong đó có 87 ha đất rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Thủy điện Đồng Nai 6A nằm trong vùng lõi vườn quốc gia Nam Cát Tiên sẽ làm ngập hơn 110 ha đất rừng, trong đó trên 50 ha đất rừng thuộc phân khu chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Tính chung, hai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ phải phá hủy 137,5 ha đất rừng của vườn quốc gia Cát Tiên và làm ngập 281 ha đất rừng tính chung trong khu vực. Theo khảo sát của Viện sinh học nhiệt đới, khu vực xây hai thủy điện là khu vực sinh cảnh rừng nguyên sinh đặc trưng của vườn quốc gia Cát Tiên. Trong khu vực này có rất nhiều loại cây gỗ quý có tên trong sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam như: cẩm lai, trắc, mun, gõ mật, sao đen, dầu, ko nia… và nhiều loài động, thực vật đặc hữu đặc trưng khác.

DSC00391.jpg
Một góc vườn quốc gia Nam Cát Tiên​ 

     Việc xây thủy điện nói chung và Thủy điện Đồng Nai 6, 6A sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và an sinh xã hội. Rừng mất, đồi trọc mọc lên càng nhiều thì tất yếu mùa khô sẽ bị hạn hán và lũ dữ xảy ra trong mùa mưa bão. Người dân xung quanh vùng, nhất là nhiều người dân làm nghề đánh bắt cá, làm nông sẽ mất việc làm bởi dòng nước bị chặn. Rừng bị triệt phá, làm khả năng giữ nước lại trong đất còn lại không nhiều, những dòng suối đổ về sông Đồng Nai cũng cạn dần. Sẽ có thêm nhiều nhánh của sông Đồng Nai cạn khô, trơ đáy vì nguồn nước bị chặn trên thượng nguồn. Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A  lấn một phần vào vườn quốc gia  Nam Cát Tiên. Khi thủy điện này được xây, hai bờ sông Đồng Nai nối kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu vào săn bắt thú rừng và khai thác gỗ vườn quốc gia Nam Cát Tiên một cách dễ dàng. Loài tê giác một sừng, loài động vật cực kỳ quý hiếm của thế giới, ở Việt Nam chỉ còn lại vài con trong vườn quốc gia này chắc chắn sẽ đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng hoàn toàn. Đó sẽ là một tổn thất cho giới khoa học về động vật học của Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung.

     Đứng trước các nguy cơ tổn thất to lớn về tự nhiên và xã hội của các dự án thủy điện, các nhà khoa học đã vào cuộc và cho rằng, cần xem xét, đầu tư các giải pháp năng lượng thay thế dựa trên các lợi thế về địa hình, khí hậu của Việt Nam. Nước ta được đánh giá là có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng bức xạ mặt trời trung bình đạt 4 đến 5kWh/m2 mỗi ngày nên có rất nhiều lợi thế phát triển hệ thống sử dụng năng lượng này. Tuy vậy, Việt Nam mới chỉ khai thác được 25% nguồn năng lượng tái tạo (trong đó có năng lượng mặt trời) và còn lại 75% vẫn chưa được khai thác. Với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong hơn thập kỷ qua đã khiến cho nhu cầu về điện năng tăng thêm khoảng 15% mỗi năm. Nhưng chúng ta thiếu hụt nguồn cung cấp điện đang gia tăng, đặc biệt là vào mùa khô do sự phụ thuộc quá lớn vào thủy điện.

DSC00364.jpg
Nguồn tài nguyên gỗ tại vườn quốc gia Nam Cát Tiên có khả năng khó gìn giữ, bảo vệ nếu hai dự án thủy điện này được thực hiện.​ 

     Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, nguồn năng lượng mặt trời có thể sử dụng hầu như quanh năm. Trừ những ngày có mưa rào, còn lại trên 90% số ngày trong năm đều có thể sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện dùng cho sinh hoạt. Tháng 5 vừa qua, chúng ta vừa khởi công xây dựng Trung tâm Điện năng lượng mặt trời đầu tiên của Việt Nam tại Quảng Nam. Nhà máy sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời Quảng Nam là một trong những dự án công nghiệp rất phù hợp với nhu cầu xã hội, với bài toán phát triển và an ninh năng lượng của Việt Nam. Dẫu việc đầu tư một trung tâm điện năng lượng mặt trời cao hơn chi phí xây dựng một thủy điện nhiều nhưng trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng ngày càng cao nhưng nguồn năng lượng truyền thống như thủy, nhiệt điện đang cạn kiệt, thì việc tìm và phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo là hướng đi tất yếu. Năng lượng mới, năng lượng tái tạo như sức gió, mặt trời... không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, an sinh xã hội mà đó là nguồn năng lượng mang lại sự phát triển bền vững, an ninh năng lượng cho nước ta. 

     Qua ý kiến phản đối quyết liệt của cử tri, Sở Công Thương đã kiến nghị UBND tỉnh có các đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trước khi có quyết định đầu tư các dự án thủy điện nói chung, hai dự án Đồng Nai 6 và 6A nói riêng, cần xem xét, đánh giá kỹ các tác động tích cực cũng như tác động tiêu cực khi thực hiện dự án; cần tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học; chính quyền và nhân dân các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng bởi dự án.

                                                                                    Kim Chung